(HNM) - Những ngày cuối năm, nhiều người làm công ăn lương đã được nhận tiền lương, thưởng Tết. Thật khó tin khi mỗi ngày công lao động chỉ khoảng 200 nghìn đồng nhưng những người thợ nề, thợ cơ khí sẵn sàng chơi những ván bài, những con đề, lô lên tới hàng triệu đồng.
Ván bài bằng một tuần đi làm
Thất thần ngồi đốt thuốc lá, Nguyễn Văn Hùng, quê ở Thọ Xuân - Thanh Hóa, vừa tiếc nuối vừa cay cú khi đêm qua đã "nướng" sạch vào chiếu bạc hơn 3 triệu đồng tiền công tạm ứng định gửi về quê cho mẹ trả nợ. Khoảng 25 tuổi, Hùng là một trong rất nhiều thợ xây đang ở trọ tại Ngõ 180 - Trần Duy Hưng (Hà Nội) trót ham mê đỏ đen, không ít lần cầm cố cả điện thoại, xe máy để thâu đêm suốt sáng chơi bài.
Theo chân Hùng, chúng tôi có mặt tại phòng trọ của nhóm thợ. Hơn 10 người trọ cùng nhau trong căn phòng rộng hơn 20m2, la liệt mũ bảo hộ, giày dép và quần áo lao động. Mỗi tối, khoảng chừng 20h, sau khi đi làm về, ăn uống xong xuôi là nhóm thợ lại quây thành một góc, đánh bài ăn tiền với cánh sinh viên, thợ cơ khí, chủ thầu xây dựng... Những người thợ ở đây chơi liên tục, những ngày được nhận lương chơi mạnh nhất.
Một chiếu bạc của công nhân ở quận Cầu Giấy. |
Họ chơi đánh liêng trào là chủ yếu, đóng nước 10 nghìn đồng và tố tùy thích, giới hạn là tất cả số tiền mình có. Liêng trào chỉ so hơn kém bằng điểm, không tính chất cơ, rô, tép, bích, nếu hai người bằng điểm nhau thì các con bạc khác lại đóng thêm tiền, số tiền phải đóng bằng với nửa số tiền của ván bài đó. Có 5-6 người chơi bài, như vậy mỗi ván bài thấp nhất cũng hơn 100 nghìn đồng, cao nhất là các ván trào, có thể lên tới vài triệu đồng. Các ván trào là tâm điểm của cuộc chơi vì lượng tiền ăn thua rất lớn, có thể cứu vãn người đang thua thành thắng và ngược lại. Mỗi ván trào, những người rót nước, phục vụ bài, thuốc lá lại cắt phế vài chục nghìn đồng lấy chi phí.
Gian phòng ngập ngụa khói thuốc, những con bạc mắt cá chân chai thành tảng dày vì ngồi chiếu nhiều, tay còn mốc trắng vôi vữa chăm chú nặn ba lá bài trên tay như thưởng thức một thứ khoái cảm kì lạ. Vừa chơi, các con bạc vừa cãi nhau ỏm tỏi hoặc đùa vui tếu táo, rất ồn ã nên thu hút nhiều người thợ khác đến quây quanh. Không ít con bạc căng thẳng, cáu gắt khi vào ván bài lớn, được thua cả triệu đồng mỗi ván. Khi chơi hết tiền, các con bạc đi vay khắp nơi, ứng tiền của chủ thầu để chơi tiếp hòng gỡ lại. Nếu không vay được tiền, họ gạ cầm cố điện thoại, dây chuyền bạc hoặc bất cứ thứ gì có giá trị để gỡ lại, nhiều lần to tiếng, cãi vã nhau vì không vay được tiền.
Khảo sát thêm nhiều địa điểm khác, chúng tôi nhận thấy thành phần chơi bài cũng khá đa dạng, từ công nhân, chủ thầu cho đến những sinh viên của các trường đại học cũng tham gia. Nguyễn Dũng - sinh viên Đại học B. Hà Nội quen biết với vài người thợ tại đây vì cùng làng, cùng máu cờ bạc nên khi có tiền lại đến lán thợ đánh bài. Dũng cho hay, mỗi người có một thú vui riêng, người thì đá gà, cá độ bóng đá, đánh đề… còn Dũng thích chơi bài. Được biết, Dũng từng lê la khắp các quán internet để đánh bài và từng cầm cố xe máy không ít lần, nhiều lần người nhà phải gửi tiền ra để chuộc lại nhưng vẫn "chứng nào tật ấy".
Một con bạc tên Tuấn cho biết, buổi tối không phải đi làm, nếu không chơi bài thì rất buồn nên anh em thường đánh bài giải trí, muốn có sự hưng phấn thật sự thì phải đánh ăn tiền, tiền đã có chủ thầu đáp ứng. Tuy nhiên, Tuấn chia sẻ, có những người chủ thầu rất quan tâm đến thợ, ứng tiền đánh bài không bao giờ cho ứng, chỉ cho ứng khi có việc chính đáng. Nhưng ngược lại, có những chủ thầu không bao giờ cho thợ ứng lặt vặt, nhưng ứng đánh bài thì lại cho vì họ muốn vét nốt những đồng tiền đó để ràng buộc thợ.
"Tiền mất, tật mang"
Mỗi ngày, những người lao động phổ thông làm 8-10 tiếng trên công trường với khối lượng công việc rất nặng nhọc. Tối đến lại đánh bài đến tận khuya, nhiều người phải bỏ công việc của ngày mai. Nếu thắng thường khao mọi người nhậu nhẹt, hát karaoke, đánh lô, đề nên dù thắng hay thua vẫn mất tiền. Chưa kể, việc đánh bài thâu đêm, đốt thuốc lá liên tục khiến sức khỏe suy giảm không ít.
"Cờ gian bạc lận", bởi không có trò đỏ đen nào lại quân tử và "xanh chín" với nhau. Hiện nay, có rất nhiều mánh khóe chơi bài được các con bạc áp dụng, từ thô sơ cho đến những thiết bị công nghệ cao. Phổ thông nhất để các con bạc "đối phó" với những người thợ xây là trò đổi bài thông qua thiết bị được đặt trong ví tiền, hoặc dùng kính áp tròng để nhìn xuyên thấu quân bài.
Thiết bị đổi bài có lắp sẵn hệ thống lò xo tự động và chứa sẵn một cây bài bên trong. Khi người chơi muốn đổi chỉ cần ấn cây bài khác vào thì cây bài có sẵn sẽ tự động đẩy ra rất nhanh, khó phát hiện. Cứ như vậy, người đổi bài liên tục thắng. Thiết bị được ngụy trang bên trong chiếc ví tiền, để ngay dưới chân và để tiền che nên rất khó phát hiện.
Một kiểu khác cao cấp hơn là dùng kính áp tròng và đem sẵn đi bộ bài đã tẩm hóa chất. Nhìn bằng mắt thường không thể phát hiện được sự khác biệt giữa hai bộ bài. Khi người chơi đeo kính áp tròng, các quân bài tẩm hóa chất phản quang sẽ hiện rõ ràng như chơi bài ngửa. Đây là lợi thế cực lớn và thông thường, những người chơi gian lận thường giành phần thắng, những người thợ bị "bóc lột" mà không hề hay biết. Ngoài ra còn rất nhiều chiêu trò gian lận khác như gắn thiết bị điện tử trong bát đĩa chơi xóc đĩa, đánh dấu trên bài, tráo bài, cô bài nhằm sắp xếp kết quả ván bài khiến đối phương rơi vào thế bất lợi.
Những thiết bị chuyên dụng cho cờ bạc bịp này được rao bán công khai trên mạng với hàng vạn kết quả chỉ sau nửa giây tìm kiếm. Ví đổi bài tự động có giá khoảng 1,5 triệu đồng, kính áp tròng và bộ bài có giá 2-3 triệu đồng. Khi mua bán sản phẩm, người chơi được hướng dẫn tận tình, thậm chí bày cách để giữ bình tĩnh, đánh lạc hướng để khỏi bị lộ. Tuy nhiên, không phải khi nào cũng suôn sẻ, nhiều tay cờ bạc bịp non tay hoặc gặp người từng trải đã bị bóc mẽ. Khi đó, nhẹ thì trả lại hết tiền cho người thua, nặng thì bị thêm một trận đòn.
Dấn thân vào thế giới cờ bạc, dù là nhỏ hay lớn cũng đều ẩn chứa đầy may rủi và dù thắng hay thua người chơi cũng đều thiệt hại. Thiệt hại về sức khỏe, về thời gian, mất công việc. Hậu quả là nhiều công nhân đi làm cả năm trời nhưng năm hết không đem được tiền về cho gia đình sắm Tết. Thậm chí, có nhiều người đi làm chỉ để trả nợ vì trót ứng quá nhiều để nướng vào các sòng bạc.
Chị Lê Thị Quyên, quê ở Nam Trực - Nam Định, luôn theo sát chồng là anh Hoàng Văn Tùng cùng làm tại công trường thi công tòa nhà 789 trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy - Hà Nội) đã 4 tháng nay bởi nếu để chồng đi làm một mình thì không thể gửi tiền về quê vì thua bạc hết. Theo chị Quyên, vì đánh bài, anh Tùng đã từng cầm cố xe máy, tiêu sạch tiền dành dụm để sắm Tết, nộp học, mua quần áo cho con. Cờ bạc như ăn vào máu…
Theo nhà chức trách, mỗi năm cơ quan công an phát hiện, triệt phá hàng nghìn vụ đánh bạc, xử lý hàng trăm đối tượng vi phạm lớn. Điển hình như năm 2014, số người bị bắt giữ vì chơi cờ bạc trái phép là 345 người với tổng số tiền thu được là gần 3 tỷ đồng và 6.700 USD. Tổng số vụ việc lên tới hơn 100 vụ. Tuy nhiên, con số này còn quá ít so với quy mô cờ bạc xảy ra ở nước ta, nhất là những trận bạc tự phát trong công nhân, công chức, sinh viên thì không đếm xuể. Càng gần Tết, các cuộc chơi cờ bạc ngày một nhiều và quy mô ngày một lớn hơn. Nguyên nhân của việc những người sáng là công nhân, tối thành con bạc xuất phát từ thực trạng hầu như không có hình thức giải trí lành mạnh nào cho những người lao động tự do. Bên cạnh đó, họ không được tuyên truyền phổ biến những chiêu trò của dân cờ bạc chuyên nghiệp nên dễ dàng trở thành nạn nhân của các trò đỏ đen, nhất là mỗi dịp áp Tết, khi hầu hết đều "rủng rỉnh" lương, thưởng sau một năm lao động nặng nhọc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.