(HNM) - Dù chưa xuất hiện lũ lớn nhưng các tuyến đê phòng hộ liên tiếp xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng khiến người dân
Sạt lở bờ hữu Sông Hồng khiến người dân thôn Trung Hòa, xã Thái Hòa (Ba Vì) lo lắng. |
Mỗi lần có mưa, nước sông lên, các hộ dân thôn Trung Hà, xã Thái Hòa sinh sống bên bờ hữu Sông Hồng lại chung nỗi lo mất nhà. Khảo sát một số hộ dân Xóm Đình, hầu như nhà nào cũng bị rạn nứt nhà cửa, đất đai, nhiều công trình phụ, chuồng trại, nhà vệ sinh của dân đã trôi xuống sông. Ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết, trong vòng mấy năm gần đây, các hộ dân thôn Trung Hà 4 lần đối phó với tình trạng sạt lở đất đai nhưng nặng nhất là trận sạt lở cách đây 3 năm khiến nhiều gia đình mất hàng chục mét vuông đất. Còn gần nhất, cuối năm 2014, nước lên cuốn toàn bộ rặng tre chắn sóng nằm ven đường giao thông xóm Đình tụt xuống chân đê khoảng 3m khiến người dân rất hoang mang. Ông Đạt cho biết, trước đây thôn Trung Hà có một bãi nổi kéo dài khoảng 250m từ chân đê ra đến lòng sông nhưng chỉ trong vòng 3 ngày đêm nước lên, toàn bộ khu bãi đã bị nhấn chìm không còn dấu vết. Ông Nguyễn Văn Hải, xóm Đình cũng cho biết thêm, do bờ bị sạt lở sâu khiến toàn bộ công trình phụ của gia đình ông bị nứt nẻ. Đáng ngại, những vết sạt trượt dài, nham nhở, nhiều chỗ tạo thành hàm ếch sâu hút rất nguy hiểm. Trước tình trạng sạt lở, nhân dân xóm Đình đã bỏ tiền mua hàng trăm mét khối đất để làm đường đi lối lại nhưng chỉ được một thời gian lại bị nước cuốn trôi. Nơm nớp sống trong sợ hãi, một số hộ gia đình đã sơ tán không dám ở trong chính ngôi nhà của mình.
Ông Nguyễn Đình Dần, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết, qua kiểm tra công trình đê điều trước lũ đã phát hiện nhiều tuyến đê phòng hộ trên địa bàn xảy ra sự cố sạt lở nghiêm trọng. Riêng xã Thái Hòa, tại vị trí từ K0+400 đến K1+050 bị xói lở dài khoảng 800m. Tại khu vực này, bờ sông chưa được kè hộ chân, lát mái, dân cư sinh sống tập trung khá đông. Vào mùa mưa nước Sông Hồng chảy xiết, hiện dòng chủ lưu xói sâu áp vào bờ, lấn sát khu dân cư. Liền kề là xã Phong Vân, do chịu ảnh hưởng điều tiết của hồ Hòa Bình nên mực nước thường xuyên thay đổi, dòng chủ lưu đã áp sát bờ hữu gây tác động làm sạt lở, nếu không được xử lý kịp thời, ẩn chứa nguy cơ mất an toàn. Tương tự, tại xã Chu Minh, vị trí tương ứng K23+100 đến K23+230 đê hữu Hồng bị sói chân gây lún sụt, sạt lở mái cơ kè. Đặc biệt, vị trí K23+000 đến K23+450 bị sạt lở nghiêm trọng, một số vị trí cũng sạt lấn sâu vào bờ từ 5 đến 7m, gây lún nứt nhiều nhà dân và đường giao thông.
Không riêng Sông Hồng, sự cố sạt lở diễn ra khá nhiều tuyến đê trên địa bàn thành phố. Trên tuyến Sông Đà, thuộc địa bàn các thôn Xuân Thọ, Pheo, xã Minh Quang (Ba Vì) sạt lở bờ sông diễn biến khá phức tạp lấy đi đất canh tác, đất ở của nhân dân. Theo báo cáo của UBND xã Minh Quang, nhà cửa của một số hộ gia đình nằm ven tuyến đê này xuất hiện vết nứt, sụt lún, huyện Ba Vì đã chỉ đạo di dời hai hộ dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Xuôi xuống huyện Quốc Oai, tuyến đê bao Sông Tích khu vực các xã Cấn Hữu, Hòa Thạch, Tuyết Nghĩa dài 1,4km cũng xảy ra sạt lở nhiều đoạn cần phải xử lý cấp bách. Chuyển sang phía nam thành phố, tình trạng sạt lở đê điều cũng đang khiến chính quyền và nhân dân các địa phương lo lắng. Mới đây, huyện Thanh Oai có văn bản đề nghị thành phố cho phép xử lý khẩn cấp 3 vị trí sạt lở đê tả Đáy trên địa bàn xã Xuân Dương tương ứng vị trí K42+900 đến K43+800; Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ đề nghị xử lý cấp bách chống sạt lở đê Sông Nhuệ thuộc các xã Hữu Hòa (Thanh Trì), Cự Khê (Thanh Oai), và sông Vân Đình (Phú Xuyên); huyện Gia Lâm đề nghị thành phố xử lý cấp bách sự cố sạt lở bờ tả Sông Đuống thuộc địa bàn thị trấn Yên Viên; huyện Mê Linh đề nghị xử lý sạt lở 400m tuyến đê tả Hồng đoạn qua xã Tráng Việt; huyện Sóc Sơn đề nghị hàng loạt sự cố công trình thủy lợi, đê điều bị hư hỏng phục vụ công tác phòng chống lụt bão năm 2015…
Theo đánh giá của cơ quan quản lý đê điều và chính quyền các địa phương, nguyên nhân chính xảy ra sự cố đê điều chủ yếu do thay đổi dòng chảy của các con sông và do hệ lụy của "nạn" khai thác cát lòng sông lâu nay. Để khắc phục tình trạng sạt lở, nhiều địa phương chỉ biết vận động nhân dân di dời của cải, vật nuôi để tránh nguy hiểm trong mùa mưa lũ. Còn vấn đề xây dựng kè hộ chân, lát mái không thực hiện được vì kinh phí vượt quá giới hạn của địa phương. Vấn đề đặt ra, cùng với việc xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật đê điều, ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép lòng sông, thành phố cần có phương án bố trí nguồn lực xử lý các điểm sạt lở để bảo đảm an toàn các tuyến đê phòng hộ, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong mùa mưa lũ năm nay…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.