(HNM) - Đến đảo Vĩnh Thực, tôi thực sự bị cuốn hút bởi màu xanh đầy ấn tượng của trời nước. Ánh mặt trời chói chang rọi thấu xuống những rạn san hô chấp chới. Mất gần nửa giờ lênh đênh trên biển, cuối cùng tôi cũng được mục sở thị "Con mắt của đảo" - Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu (BPCK) Vạn Gia. Từ Trạm Kiểm soát giữa biển khơi này, hoạt động của mọi tàu thuyền lớn nhỏ đều nằm trong tầm nhìn của các chiến sĩ biên phòng.
Cán bộ chiến sĩ Trạm Kiểm soát biên phòng làm nhiệm vụ. |
Vững vàng trên "lò bát quái"
Trạm Kiểm soát BPCK Vạn Gia thuộc biên chế Đồn BPCK cảng Vạn Gia với mô hình pông tông nổi, được BCH Biên phòng tỉnh Quảng Ninh triển khai từ năm 2005, có nhiệm vụ giám sát, kiểm tra tất cả các hoạt động xuất nhập khẩu kiêm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tàu thuyền trên biển đảo Vĩnh Thực. Trạm nằm cách đường biên giới trên biển 7 hải lý, cách đất liền khoảng 30 phút đi xuồng, sừng sững soi mình xuống vùng nước phía Đông đảo. Có thể hình dung mô hình "pông tông nổi" của trạm chính là thế hệ nhà giàn thời kỳ sơ khai - một dạng phao lớn hình khối hộp làm bằng sắt, được gắn chặt với nền san hô ngầm bằng những chiếc neo, mỗi neo nặng gần 1 tấn. Trạm rộng 35m2, có đủ phòng ở, nơi làm việc, khoang chứa thực phẩm, nước ngọt… cùng nhiều thiết bị phục vụ chiến đấu và sinh hoạt.
"Cảng Vạn Gia nằm ở cửa biển Đông bắc Quảng Ninh, nơi có rất nhiều tàu biển lớn, nhỏ neo đậu chờ làm thủ tục hàng hóa XNK giữa Việt Nam và Trung Quốc. Với đặc điểm là một cửa khẩu ngay trên mặt biển, chỉ các thủ tục quản lý hành chính thông thường cũng đã vất vả hơn rất nhiều so với các cửa khẩu trên bờ, chưa kể thời gian gần đây liên tục xảy ra nhiều sự cố về ATGT đường thủy nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời sẽ gây mất an toàn về tính mạng, tài sản doanh nghiệp, đồng thời gây mất ổn định, khó khăn trong công tác quản lý, điều tiết và kiểm soát đối với các lực lượng chức năng. Trạm Kiểm soát biên phòng Vạn Gia giống như "con mắt của đảo". Mọi hoạt động từ xuất nhập cảng cho đến những trường hợp mất an toàn trên biển cần cứu hộ, cán bộ chiến sĩ trên pông tông là những người phát hiện, tiếp cận đầu tiên. Đứng ở bất kỳ điểm nào trên pông tông cũng có thể phóng tầm nhìn về các hướng. Tất cả mục tiêu lớn nhỏ xuất hiện, các anh đều có thể "tóm" được và phân tích nhận định chính xác từng dạng tàu thuyền, trước khi báo về đất liền" - Thượng tá, Đồn phó quân sự đồn cửa khẩu Vạn Gia, Nguyễn Văn Đĩnh cho biết.
Nói về quá trình xây dựng pông tông, Thượng tá Nguyễn Văn Đĩnh nhớ lại những tháng ngày gian khổ, cực nhọc: "Bọn tôi phải khiêng từng viên đá san hô chất cao dần lên, đóng cọc, giằng néo pông tông. Sau 3 tháng trời vật lộn với đại dương, một ngôi nhà nổi cốt sắt thép thành hình thù, thì một cơn bão ập tới… Bão tan, ngôi nhà nổi chỉ còn lại mấy cột chống chỏng chơ. Anh em ôm nhau khóc! Rồi phải làm lại. Khênh đá, đóng cọc, ghép cốp pha, giằng néo… cán bộ, chiến sĩ ai nấy vai nổi cục chai sần, hai bàn tay cũng chai sần, còn chân thì chi chít vết hàu, san hô chém ngang dọc".
Dựng được căn cứ đã khó, để tồn tại được trên đó cũng gian nan biết nhường nào. Lớp lính trẻ chưa quen với đại dương nên sợ nhất là say sóng. Vào mùa hè, pông tông với kết cấu xung quanh là sắt, mái lợp tôn nên cái nóng trở nên dữ dội hơn bao giờ hết. Anh em vẫn gọi vui đó là cái lò bát quái, nhiệt độ nhiều khi lên tới hơn 40 độ. Vào mùa đông, sương mù mờ ảo vây kín cả trạm. Con người, đồ đạc lúc nào cũng ẩm ướt đến khó chịu…
Thượng úy Nguyễn Minh Tuấn, Trạm phó kiêm Đội trưởng Đội tuần tra, giám sát trên biển cho biết: "Với khoảng cách từ mặt biển lên mặt sàn chỉ mấy mét, pông tông nổi không đủ sức đương đầu với sóng to gió lớn. Chỉ cần sóng cấp 4 hoặc dòng nước chảy mạnh là khối pông tông đã dịch chuyển bập bềnh trôi trong nước. Nhiều khi sóng đánh nước tung tóe qua những kẽ hở ván sàn, thậm chí có khi đánh bật luôn cả ván. Nhưng ngày tháng khó khăn cũng dần qua đi. Những người lính nơi đầu sóng ngọn gió cũng dần quen với cuộc sống gian khổ, quen với môi trường chỉ có nắng gió và ngày đêm ầm ào tiếng sóng.
“Con mắt” của đảo Vĩnh Thực. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.