(HNM) - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Slovakia Lubomir Galko đã phải trả giá cho quyết định để Cơ quan Tình báo quân đội (VOS) nghe lén điện thoại của một số nhà báo.
Thủ tướng Iveta Radicova đã ra lệnh cách chức người đứng đầu Bộ Quốc phòng với tuyên bố rằng, hành động nghe trộm mà ông Galko bị cáo buộc vi phạm các nguyên tắc dân chủ và những quy định của luật pháp. Truyền thông Slovakia đưa tin, VOS đã sử dụng biện pháp nghe trộm như một phần của cuộc điều tra các vụ rò rỉ thông tin mật từ Bộ Quốc phòng tới tay các nhà báo, liên quan đến các vụ đấu thầu trang thiết bị quân sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Lubomir Galko. |
Tại Slovakia, việc nghe trộm điện thoại được các thẩm phán chấp thuận theo quy định của luật pháp, song Thủ tướng Radicova cho rằng, mọi hành động như vậy nhằm phát giác hoạt động tội phạm, cần được cảnh sát tiến hành, chứ không phải cơ quan phản gián quân sự. Vụ việc được đưa ra ánh sáng sau khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jaroslav Baska thừa nhận rằng, chính phủ cũ của Slovakia do đảng Smer lãnh đạo đã theo dõi nhà báo Patricia Poprocka hiện đang làm việc cho nhật báo Pravda và là một trong ba nhà báo từ tờ Bratislava và kênh truyền hình TA3 đã nằm dưới sự "chăm sóc" của VOS.
Điện thoại của Poprocka đã bị nghe trộm năm 2007 khi VOS muốn tìm ra người đã tiết lộ những thông tin nhạy cảm của Bộ Quốc phòng. Vào thời điểm đó, nhà báo này là biên tập viên của tuần báo Zumal và đã có một bài viết về những tài liệu mật bị rò rỉ từ VOS. Lúc ấy, ông Baska đang giữ vị trí Thứ trưởng và trong một báo cáo bằng văn bản ông này phủ nhận có liên quan đến kế hoạch do ông Galko đề xuất, theo đó cử điệp viên theo dõi Poprocka vì cho rằng an ninh quốc gia bị đe dọa. Tuy nhiên sự vụ còn phức tạp hơn nữa khi một số nguồn tin tình báo cho biết chiến dịch mang tên "Quý bà" này còn nhằm vào những vị trí cao hơn, thậm chí cả Thủ tướng Iveta Radicova. Mục tiêu là nhằm thu thập thông tin liên quan đến vụ việc một quan chức cao cấp ở Bộ Kinh tế Slovakia từ chức vì một số xung đột lợi ích.
Mặc dù vậy, ông Galko cho biết, tất cả các chương trình nghe lén mà Bộ Quốc phòng tiến hành đều tôn trọng pháp luật, khẳng định đây thực chất chỉ là một hành động nhằm vào ông trước cuộc bầu cử vào tháng 3 tới, đồng thời có liên quan đến một chính trị gia, nhưng ông từ chối cung cấp danh tính. Trên thực tế, chính phủ trung tả của Thủ tướng Radicova đã sụp đổ hồi tháng trước sau khi đảng Tự do và Đoàn kết (SaS) mà ông Galko là Phó Chủ tịch từ chối ủng hộ việc tăng quỹ hỗ trợ Khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Vụ bê bối khiến người ta nhớ lại những gì đã xảy ra vào những năm 1990 khi cơ quan tình báo đã giám sát hoạt động của các nhà báo với sự cho phép của chính quyền của Thủ tướng Vladimir Meciar. Do đó, sự vụ đang gây xôn xao dư luận Slovakia. Dù có mang động cơ chính trị hay không và đề nghị cách chức Bộ trưởng Galko vẫn còn cần được sự chấp thuận của Tổng thống Ivan Gasparovic. Song rõ ràng là, sự nghiệp của chính trị gia 43 tuổi đã gặp phải trắc trở từ quyết định nghe trộm không được sự ủng hộ của luật pháp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.