Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mất cân đối cả về mạng lưới và cơ cấu độ tuổi

Thống Nhất| 30/09/2014 06:42

(HNM) - Vai trò quan trọng của giáo dục mầm non (GDMN) đã được khẳng định tại Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg là

Song sự quan tâm cho cấp học đầu đời của trẻ hiện nay chưa tương xứng với vai trò thực tế. Sự mất cân đối trong phát triển mạng lưới và cơ cấu độ tuổi thời gian gần đây đã để xảy ra những tai nạn thương tâm, ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Đây là bất cập được chỉ ra trong Dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về GDMN của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (VH,GD TNTNNĐ) của Quốc hội công bố tuần qua.

Trẻ em luôn cần được chăm sóc để phát triển toàn diện. Ảnh: Bảo Kha



Mất cân đối về mạng lưới

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết, năm học 2013-2014, mạng lưới trường lớp mầm non (MN) trên cả nước đã được mở rộng lên tới gần 14 nghìn cơ sở, tăng hơn 300 cơ sở so với cuối năm học trước. Tuy nhiên, mạng lưới các cơ sở GDMN lại phát triển không đồng đều giữa các địa bàn thành thị và nông thôn. Cả nước còn 286 xã chưa có trường MN mà chỉ 1-2 lớp mẫu giáo (chiếm 2,6%); 22 nghìn lớp mẫu giáo phải học ghép 2-3 độ tuổi (chiếm 16,3%). Thực trạng này khiến cho tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được huy động ra lớp có sự chênh lệch khá rõ giữa các khu vực. Nếu như tỷ lệ trẻ đến trường ở các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ là gần 50% trẻ nhà trẻ, 98,3% trẻ mẫu giáo và 99,9% trẻ 5 tuổi thì ở Đồng bằng sông Cửu Long, các tỷ lệ này lần lượt là 7,5%, 70,4%, 98,6%.

Sự phát triển quy mô của GDMN còn có sự mất cân đối giữa loại hình công lập và ngoài công lập. Trong khi số trường công lập của cả nước là 12.400 trường, chiếm gần 88% tổng số trường, thì loại hình trường ngoài công lập chỉ có 1.700 trường, chiếm 12%. Mô hình trường MN ngoài công lập thường tập trung ở các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh với tỷ lệ 50%-60%, còn lại ở hầu hết các địa phương đều rất thấp, trong đó có vùng núi phía Bắc hay vùng Đồng bằng Bắc bộ chỉ có khoảng 3-5%.

Thực tế, những biểu hiện trên cũng có ngay ở Hà Nội, dù mạng lưới các trường MN về cơ bản đã đủ theo quy định là mỗi phường, xã, thị trấn có một trường công lập, song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu - không chỉ ở thành thị mà còn cả ở nông thôn. Câu chuyện trẻ 3 tuổi phải nghỉ học gián đoạn ở nhà do trường MN xã không đủ lớp học được báo chí phản ánh những ngày qua là một điển hình, và dù chính quyền địa phương đã có phương án giải quyết trước mắt, song từ đây lại đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm một cách thiết thực hơn.

Bỏ quên trẻ dưới 3 tuổi?

Trong khi tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp ở các độ tuổi đều tăng sau mỗi năm học, nhưng tốc độ tăng ở từng độ tuổi lại chênh lệch nhau, trong đó tăng ít nhất là ở độ tuổi nhà trẻ. Thậm chí, sau khi có Đề án Phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi, hoặc do cách hiểu máy móc, hoặc do điều kiện trường, lớp hạn hẹp, một số địa phương chỉ tập trung cho trẻ 5 tuổi và độ tuổi cận kề, khiến cho trẻ từ 3 tuổi trở xuống không có chỗ nuôi dạy. Năm học 2013-2014, trong khi tỷ lệ trẻ mẫu giáo của cả nước được đi học đạt gần 88%, thì tỷ lệ này ở trẻ nhà trẻ chỉ đạt hơn 23%. Như vậy là còn gần 77% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ chưa được chăm sóc, nuôi dưỡng trong các cơ sở GDMN. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TNTNNĐ của Quốc hội, tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp như vậy là quá thấp, gánh nặng chủ yếu vẫn dồn cho các gia đình. Và ở phần lớn các gia đình, công việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ chủ yếu do người lớn tuổi và người giúp việc không qua đào tạo đảm nhận. Đây là một thiệt thòi lớn đối với trẻ.

Đây là lần thứ hai trong năm 2014 và nhiều năm gần đây, vấn đề chỗ học cho trẻ dưới 3 tuổi được đưa ra bàn thảo với những đòi hỏi cấp thiết. Một trong những lý do cơ bản là trong số hơn 800 nghìn trẻ nhà trẻ được huy động ra lớp hiện nay, có tới hơn 30% số trẻ được gửi tại các nhóm lớp MN độc lập tư thục. Mà theo thống kê của Bộ GD-ĐT hồi tháng 3-2014, cả nước có 16 nghìn nhóm lớp MN thuộc diện này, trong đó 1/3 số cơ sở chưa được cấp phép hoạt động. Điều đó cũng đồng nghĩa là có khá nhiều trẻ đang được gửi tại các cơ sở GDMN chưa đủ các điều kiện về chăm sóc, nuôi dưỡng và thiếu an toàn.

Thực tế ấy đặt ra yêu cầu phải quản lý các nhóm lớp MN độc lập tư thục một cách chặt chẽ để bảo đảm an toàn tuyệt đối về sức khỏe, tính mạng cho trẻ. Tuy nhiên, việc chấn chỉnh, quản lý loại hình này từng được ví như "bắt cóc bỏ đĩa", cứ yêu cầu đóng cửa nơi này lại mở ra ở nơi khác, hoặc thậm chí khi đoàn kiểm tra đi khỏi là lại treo biển. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra, theo một khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mới đây, hơn 70% số gia đình gửi con vào các nhóm lớp độc lập tư thục vì gần nhà, hơn 40% cho biết vì giờ gửi - trả trẻ linh hoạt, có thể đón sớm, trả muộn tùy theo nhu cầu.

Việc khắc phục những bất cập trên là đòi hỏi cấp thiết, song cũng chỉ là giải pháp trước mắt khi mạng lưới GDMN còn hạn chế. Về lâu dài, vẫn cần có những quyết sách mang tính đồng bộ, hệ thống, đòi hỏi sự quyết liệt từ các cấp quản lý nhằm tạo nên những chuyển biến cả về nhận thức và dành sự quan tâm thiết thực cho cấp học đầu đời của mọi trẻ, ở mọi lứa tuổi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mất cân đối cả về mạng lưới và cơ cấu độ tuổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.