(HNM) - Mặc dù cơ quan chức năng đã lập biên bản đình chỉ bến đò Vân Phúc vì hoạt động không phép, không có các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua sông Hồng, thế nhưng bến đò này vẫn ngang nhiên chuyên chở nhiều ô tô qua sông.
"Đùa giỡn" với tử thần
Người dân hai bên bờ sông Hồng thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ (Hà Nội) và Yên Lạc (Vĩnh Phúc) hằng ngày vẫn đùa giỡn với số phận của mình khi qua bến đò Vân Phúc. Đa số họ là người lao động và số ít là thương lái nên không để ý đến chuyện bến đò có phép hay không. Khi được hỏi bà Nguyễn Thị An ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc còn hồn nhiên cho chúng tôi biết, hằng ngày phải qua lại sông Hồng trên đò Vân Phúc nhưng chưa khi nào thấy chủ đò nhắc nhở bà con mặc áo phao và bản thân bà cũng chưa khi nào nhìn thấy phao cứu sinh và những phương tiện an toàn khác khi đi đò. Câu chuyện của bà An cũng giống như nhiều người dân khác khi đi lại trên đò ngang vượt sông này. Anh Huy, một lái xe taxi được chúng tôi thuê "ngụy trang" để thực hiện bài điều tra này cũng lắc đầu ngao ngán vì mức độ nguy hiểm khi lùi xe xuống đò. Đó là một đoạn đường đất rất dốc và để xuống được đò Vân Phúc cánh lái xe chỉ có cách đi... lùi mới hy vọng bảo đảm an toàn. Cách lái xe này không chỉ là thử thách mà chính là sự đùa giỡn tính mạng của mỗi lái xe. "Trôi sông không biết lúc nào nếu không có kỹ thuật và cẩn thận" - anh Huy cho biết.
Biển cấm ô tô trên đường lên xuống bến đò Vân Phúc bị chủ đò dùng bạt quây kín. |
Theo quy định an toàn giao thông đường thủy, các đò ngang chở khách phải được trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh. Trước khi đưa khách sang sông, chủ đò có nhiệm vụ nhắc nhở hành khách mặc áo phao phòng khi xảy ra tai nạn. Quy định là vậy, nhưng tại bến đò Vân Phúc, tính mạng của nhiều hành khách vẫn bị chủ đò đùa giỡn. Theo khảo sát của chúng tôi, chặng vượt sông Hồng của bến đò Vân Phúc có chiều dài khoảng 300m, hành khách chủ yếu là người dân hai huyện Phúc Thọ (Hà Nội) và Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Tuy là đò ngang không đủ điều kiện cho phép chuyên chở xe ô tô nhưng hằng ngày bến đò trên vẫn nhắm mắt làm ngơ cho nhiều phương tiện vận tải qua lại. Mặc dù, tại điểm dẫn xuống đò ở địa bàn huyện Phúc Thọ, cơ quan chức năng đã đặt biển cấm ô tô, thế nhưng, không hiểu vô tình hay hữu ý chiếc biển báo này đã quay mặt ra hướng sông Hồng.
Một bức xúc nữa đối với người dân khi tham gia lưu thông qua đây là việc thu phí vô tội vạ. Cứ mỗi khi đò cập bờ bên địa bàn huyện Phúc Thọ lại thấy một người phụ nữ trung niên lững thững đi từ quán nước gần đó ra đứng chặn ngay lối lên xuống thu tiền. Mức phí qua các đò này được tận thu theo kiểu "tùy hứng", từ 5.000 đồng, 10.000 đồng, thậm chí lên đến 400.000 đồng. Các phương tiện phải trả tùy theo quyết định của người thu mà không hề có vé hay bất cứ một giấy tờ chứng thực nào. Không biết, số tiền thu được từ việc này ai sẽ được hưởng lợi?
Cơ quan chức năng nói gì?
Để làm rõ vụ việc trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (PC68), Công an TP Hà Nội về những vi phạm của bến đò Vân Phúc tồn tại nhiều tháng qua. Ông Cương cho biết, hiện trên địa bàn có 37 bến đò, mục tiêu của Công an TP Hà Nội là quản lý chặt không để xảy ra tai nạn đáng tiếc nên PC68 đã thiết lập đầy đủ hồ sơ các bến đò, trong đó có bến đò Vân Phúc hoạt động trên địa bàn huyện Phúc Thọ. Theo hồ sơ lưu tại PC68, bến đò Vân Phúc được Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cấp phép hoạt động ngày 5-2-2013 và hết hạn vào ngày 15-1-2014. Sau khi hết hạn, bến đò Vân Phúc chưa được cấp giấy phép mới nhưng hằng ngày chủ đò vẫn hoạt động bất chấp quy định. Nghiêm trọng hơn, hằng ngày các chủ đò còn chở cả xe ô tô qua sông, mặc dù giấy phép cấp trước đó không có vận chuyển ô tô. Từ khi bến đò này hoạt động, lực lượng công an đã nhiều lần kiểm tra và 8 lần lập biên bản xử lý về các lỗi: Phương tiện hoạt động trái công dụng (chở ô tô); không trang bị phao cứu sinh, phương tiện chữa cháy; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hết hiệu lực; khai thác bến quá thời hạn… Số tiền xử phạt là hơn 4,6 triệu đồng và lập biên bản đình chỉ hoạt động của bến.
Thượng tá Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh, sau khi phát hiện hàng loạt vi phạm tại bến đò Vân Phúc, PC68 đã thông báo tình trạng vi phạm của chủ đò đến Sở GTVT Hà Nội. Theo quy định, khi chủ đò đã vi phạm an toàn giao thông đường thủy thì không được xem xét cấp giấy phép hoạt động mới. PC68 đã làm chặt chẽ, đúng trách nhiệm và quy định pháp luật, nếu Sở GTVT Hà Nội vẫn cấp giấy phép mới khi đã có thông báo về tình trạng vi phạm của chủ đò mà xảy ra tai nạn thì đơn vị cấp phép phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, PC68 đã gửi văn bản đến lãnh đạo UBND huyện Phúc Thọ, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức và giám sát hoạt động đề nghị tăng cường giám sát, xử lý vi phạm của bến đò Vân Phúc...
Còn trong buổi làm việc với chúng tôi, ngày 11-3, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú thừa nhận, trong quá trình hoạt động, chủ bến đò Vân Phúc còn chở ô tô qua sông khi không có mặt lực lượng chức năng; chưa phổ biến nội quy an toàn, chưa thường xuyên nhắc nhở hành khách mặc áo phao… Mặc dù bến đò này chỉ được cấp phép hoạt động chở khách phục vụ nhu cầu đi lại của người dân huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) và huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc), nhưng hằng ngày chủ đò vẫn "phá rào" vận chuyển xe ô tô 4 chỗ, 7 chỗ, thậm chí xe tải qua sông cùng hành khách. Cái khó nằm ở chỗ, phía Phúc Thọ đã cắm biển chỉ dẫn cấm ô tô lưu thông qua bến đò này, thậm chí huyện đã xây trụ bê tông ngăn không cho phương tiện trọng tải lớn xuống, thế nhưng, phía Yên Lạc lại đồng ý cho xe chuyên chở qua khiến chủ đò vẫn lén lút lợi dụng để thu lợi.
Theo khảo sát của chúng tôi, nhu cầu đi lại giữa người dân hai huyện Phúc Thọ và Yên Lạc nói riêng và người dân Hà Nội với Vĩnh Phúc là cần thiết. Bến đò tồn tại đã đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của người dân. Nhưng để bến đò hoạt động trong điều kiện không bảo đảm an toàn như hiện nay đang làm dư luận bức xúc. Hiện tại, lãnh đạo huyện Phúc Thọ cho biết, huyện đang xem xét, nghiên cứu dự án để các doanh nghiệp địa phương nâng cấp từ bến đò thành bến phà nhằm bảo đảm yếu tố an toàn cho người dân khi lưu thông qua khu vực này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.