Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mang nhạc Mozart đến với Đồng Xuân

Hùng Lý| 07/05/2014 22:15

(HNMO) -Đó là tên gọi của buổi hòa nhạc cổ điển vừa được Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại CHLB Đức tổ chức trong một hội trường cũng rất cổ điển mang dáng dấp một thánh đường tại quận Lichtenberg, Thủ đô Berlin.


Tên gọi của chương trình mang tính ẩn dụ. Vì Đồng Xuân Center dù là trung tâm thương mại lớn nhất của người Việt tại Berlin, nơi đông đúc người bán, kẻ mua cũng chỉ là tượng trưng cho những con người cần lao, giản dị, những người hầu như chưa một lần đến nhà hát nghe nhạc cổ điển. Tên gọi tuy mang tính ẩn dụ nhưng mục đích của những người tổ chức là mang nhạc cổ điển, một loại hình nghệ thuật bác học, giới thiệu đến với những người Việt Nam bình thường, lại rất rành mạch.

Trong lời đề dẫn của mình, tiến sỹ ngữ văn Trương Hồng Quang, người dẫn chương trình, đã bày tỏ lý do của những mong muốn tốt lành đó: “Việc hội nhập vào xã hội Đức trên phương diện kinh tế và chính trị tất nhiên là vô cùng thiết yếu, nhưng từng bước chúng ta cũng sẽ hoà nhập vào cả đời sống văn hóa, tinh thần mà âm nhạc cổ điển là một ví dụ“. Tiến sỹ, kiến trúc sư Phạm Ngọc Kỳ, chủ tịch hội doanh nghiệp Việt Nam cũng khẳng định điều đó trong bài phát biểu mở đầu của mình với tư cách là đơn vị tổ chức và tài trợ cho buổi hòa nhạc: “Chúng ta đã tương đối thành công khi đem văn hóa Việt ra giới thiệu cho bạn bè Đức, đã đến lúc chúng ta cần tiếp thu và phổ biến rộng rãi cho cộng đồng những tinh hoa nền văn hóa của bạn, trong đó có nhạc cổ điển, nhất là khi chúng ta đang sống ở một đất nước được xem như cái nôi của nhạc cổ điển thế giới“.


Trước khi đến với buổi hòa nhạc, quả thật tôi không hiểu thật rạch ròi ý nghĩa và mục đích sâu xa đó. Chỉ lo buổi hòa nhạc khó thành công. Thời gian gần đây, có thể do suy thoái kinh tế mà các sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật ít được cộng đồng quan tâm. Rất nhiều buổi biểu diễn của các ca sỹ tên tuổi tuổi trong nước sang hẳn hoi mà vẫn èo ợt, lưa thưa khách. Huống chi đây lại là buổi hòa nhạc cổ điển, loại hình nghệ thuật rất kén người nghe. Cho dù buổi hòa nhạc này được biểu diễn bởi nhóm tứ tấu đàn dây BESA–Quartett, ba người trong số họ: Hans Maile, Lê Ngọc Anh Kiệt và Dietmar Spallek đang là các nhạc công của dàn nhạc Berliner Symphoniker danh tiếng. Đặc biệt Hans Maile là cây đàn dây số một của dàn nhạc. Thêm sự tham gia của Giáo sư Đỗ Minh Thuận, giảng viên âm nhạc tại Nhạc viện Hoàng gia Madrid, Tây Ban Nha.

Thật bất ngờ, khi tôi đến còn năm phút mới tới giờ diễn mà khán phòng thênh thang gần kín người. Có cả cán bộ Đại sứ quán, các doanh nhân, bà con kiều bào. Cũng thật bất ngờ, rất nhiều gương mặt trẻ, nam có, nữ có, các cháu là sinh viên người Việt đang theo học ở các trường Đại học ở Berlin cũng quan tâm đến nhạc cổ điển.


Buổi diễn được xem là rất thành công không hẳn vì số người tham gia đông hơn dự kiến, mà chủ yếu vì không khí, thái độ tập trung theo dõi của người nghe. Buổi hòa nhạc được diễn ra không phải ở một khán phòng dành riêng cho nhạc cổ điển, cũng không phải dùng bất cứ dụng cụ tăng âm nào mà người nghe ở tận cuối hội trường vẫn nghe rõ từng thanh âm rung lên từ mỗi cây đàn. Sau mỗi tiết mục tiếng vỗ tay tán thưởng đồng loạt vang lên hồi lâu mới dứt. Đặc biệt cuồng nhiệt sau chương 1 của bản serenade “Eine kleine Nachtmusik“ (Một bản dạ khúc nhỏ) của Mozart, hay sau phần chơi thêm vào cuối buổi: Chương 3 “Scherzo“ của bản tứ tấu “Thần Chết và cô gái“ của Franz Schubert. Chứng tỏ người nghe đã thực sự có cảm xúc với nhạc cổ điển.

Để đạt được điều đó ngoài khả năng biểu diễn rất đẳng cấp của người chơi đàn, trình độ thưởng nhạc của người nghe, phải kể đến tính hợp lý của người làm chương trình. Vì chủ trương của ban tổ chức muốn đem nhạc bác học đến cho khán giả bình thường, những người chưa nghe hoặc ít nghe nhạc cổ điển, nên chương trình nhạc bác học ở phần một không quá dài, cả về thời lượng cũng như độ dày tác phẩm, chỉ từng chương trong các tác phẩm nổi tiếng của Mozart và Schubert. Trước mỗi phần diễn đều có sự dẫn giả tương đối chi tiết về lịch sử tác phẩm và tác giả.

Để tăng sự lôi cuốn và đưa nhạc cổ điển gần gũi hơn đối với người nghe hầu hết đều là người Việt Nam, nhạc cổ điển được trình diễn ở phần hai đa phần đều có xuất xứ từ nhạc Việt được chuyển thể cho tứ tấu đàn dây. Từ làn điệu Quan Họ “Người ơi, người ở đừng về“, “Bèo dạt mây trôi“ đến những ca khúc của những nhạc sỹ nổi tiếng như “Hạ trắng“ của Trịnh Công Sơn, “Thư tình cuối mùa thu“ của Phan Huỳnh Điểu. Điều thú vị là ba trong bốn bản nhạc được chuyển thể đó là của một người Việt đang định cư ở Berlin – anh Phan Hồng Minh, con trai nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu. Ngoài Lê Ngọc Anh Kiệt, Đỗ Minh Thuận là người chơi nhạc, Phan Hồng Minh là người soạn nhạc còn một người Việt nữa xuất hiện trong buổi hòa nhạc làm cho không khí âm nhạc sôi động hơn, cũng làm cho khán giả Việt thấy ấm lòng vì tự hào, hãnh diện hơn, đấy là sự góp mặt của giọng ca lọt vào top 10 cuộc thi “The Voice Kids of Gemany 2013“, giải nhì cuộc thi tài năng trẻ “You Berlin 2013“, cháu Phạm Kiều Trang.


Dù đã nghe Kiều Trang hát tại lễ hội văn hóa Việt Nam tại Postdam, cũng nghe Kiều Trang hát ở ngày Tết Việt Nam tại tòa thị chính thành phố Berlin… Nhưng lần đầu tiên nghe Kiều Trang hát trực tiếp cùng dàn nhạc, không có micro, không tăng âm mà chất lượng và đẳng cấp hoàn toàn vượt trội. Cả hội trường lặng đi vì âm thanh réo rắt của tứ tấu đàn dây, lặng đi vì giọng hát lảnh lót như chim sơn ca vời vợi cả khán phòng cho khúc Aria trích từ vở Opera “Die Zauberflöte“ nổi tiếng của Mozart.

Tiếng đàn đã dừng, những thanh âm đã khép lại, tôi vẫn nghe trong lòng mình rưng rưng bao cảm xúc. Thế mới biết lâu nay vì mưu sinh vất vả mà mình đã không dành thời gian, hoặc vì đơn giản chỉ nghĩ loại hình âm nhạc đó không dành cho mình, mà tôi đã thờ ơ với nhạc cổ điển. Hôm nghe Bùi Công Duy biểu diễn ở nhà hát nổi tiếng Philharmonie với dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker và hôm nay nghe tứ tấu đàn dây với Kiều Trang, tôi nhận ra nhạc cổ điển không quá khó nghe như mình tưởng tượng. Đương nhiên để nghe cho thấu đáo còn cần rất nhiều thời gian nữa. Nhạc cổ điển ngoài thưởng thức nó còn như một môn học. Càng học nhiều, càng nghe nhiều trình độ thưởng thức càng cao. “Nhưng anh cứ nghe riết rồi thành quen, rồi thành nghiền cho xem“, trong giờ giải lao Violinist Lê Ngọc Anh Kiệt đã bả lả vỗ vai tôi động viên như thế. Hay như gợi ý của tiến sỹ Phạm Ngọc Kỳ trong lời mở đầu: “Nhạc cổ điển cũng như hội họa, những loại hình nghệ thuật không ngôn từ, muốn cảm nhận nó ta phải tư duy bằng cả tâm hồn, mà bắt đầu là sự rung động của trái tim“. Tôi tin các anh đã nói đúng, như tin các anh đã làm đúng khi đứng ra tổ chức đêm nhạc cổ điển này từ chính những rung động trong con tim mình khi lắng nghe thanh âm vút lên từ những cây đàn, từ tiếng vỗ tay hồi lâu mới dứt của khán giả, từ ánh mắt hân hoan nhìn nhau lúc cuối buổi.

Vậy là nhạc Mozart đã chạm được vào trái tim tôi, một người bình thường chưa từng nghe nhạc cổ điển và bao người bình thường khác. Cũng có nghĩa là nhạc Mozart đã đến, đang đến và hy vọng, sẽ còn đến với Đồng Xuân Center như tên gọi của ban tổ chức cho buổi hòa nhạc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mang nhạc Mozart đến với Đồng Xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.