(HNM) - Gần 30 năm làm việc tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, TS Tô Minh Hương, Phó Giám đốc bệnh viện luôn tâm niệm phải cần cù, thương yêu bệnh nhân. Vừa làm công tác quản lý, vừa nghiên cứu khoa học, trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, chị là người phụ nữ thành công trong sự nghiệp và trong cuộc sống riêng tư.
Chị Hương tâm sự: "Công việc của bác sĩ vốn đã căng thẳng suốt ngày, người quản lý lại càng bận hơn. Để hoàn thành tốt công việc của mình, tôi phải lập kế hoạch thật chặt chẽ, khoa học, thực hiện nghiêm chỉnh để vừa khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học hiệu quả, vừa góp phần quản lý tốt bệnh viện".
Trực tiếp chữa bệnh hiếm muộn, tiếp xúc với bệnh nhân vô sinh, thấy nhiều phụ nữ khuynh gia bại sản vì chữa bệnh mà vẫn không có chút hy vọng, chị nung nấu ý định nghiên cứu, ứng dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm để chữa vô sinh, mang lại niềm vui cho những gia đình bất hạnh.
Ở thời điểm ấy, để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, bệnh viện cần phải trang bị nhiều thiết bị mới với trị giá khoảng hơn 10 tỷ đồng. Tiền không có, canh cánh nỗi đau của những người đàn bà không con, chị cùng các cộng sự đã kiên trì nghiên cứu, tìm tòi phương pháp phù hợp để áp dụng trong điều kiện của bệnh viện. Vừa nghiên cứu vừa lo tìm đối tác hỗ trợ, được giám đốc tích cực ủng hộ, cuối cùng, Khoa Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện do chị làm trưởng khoa đã được Bộ môn Mô phôi của Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ gánh nặng. Có sự hỗ trợ đắc lực về labo và máy móc của Trường Đại học Y Hà Nội, các chị đã chủ động hơn trong nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh và điều trị cho bệnh nhân.
Kể về những ngày tháng gian khổ mà say mê nghiên cứu, chị cười: "Bệnh viện chúng tôi được sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến. Là giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ, anh Tiến rất bận nên chỉ có thể giúp vào buổi tối. Thế là toàn bộ êkíp của Khoa Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cũng làm đêm theo". Chị đã động viên các cộng sự và gương mẫu, vui vẻ chấp nhận thức đêm liên tục, miệt mài nghiên cứu, trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất. Thức đêm, ở trong phòng lạnh (điều kiện nhiệt độ dưới 0oC để bảo quản tinh trùng và mô phôi) liên tục, bên cạnh việc bảo đảm các hoạt động thường quy, là những thử thách mà không phải bác sĩ nào cũng có thể vượt qua. Ý chí đã giúp chị trụ vững. Ròng rã nhiều tháng kiên trì nghiên cứu, ngày 5-6-2006, ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên được tiến hành. Qua những tháng ngày thấp thỏm đợi chờ, tháng 1-2007, cháu bé được thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên của bệnh viện đã chào đời khỏe mạnh. Đến nay, nhờ phương pháp này, hơn 100 em bé đã chào đời tại bệnh viện, mang lại niềm vui, hy vọng cho nhiều gia đình. Hằng tháng, Khoa Hỗ trợ sinh sản khám, chữa cho khoảng 2.000 bệnh nhân. Chị đã hoàn thành ước vọng của mình.
Trong cuộc sống gia đình, chị là người may mắn vì được chồng hậu thuẫn. Gia đình hạnh phúc, các con ngoan, học giỏi, thành đạt đã giúp chị dành toàn tâm, toàn ý cho công việc. Là phó giám đốc một bệnh viện lớn với gần 700 nhân viên, trong đó 88% là nữ, chị đã cùng tập thể nữ góp phần đưa Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trở thành một địa chỉ tin cậy của phụ nữ Thủ đô và các tỉnh phía Bắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.