Theo dõi Báo Hànộimới trên

Malaysia phê chuẩn CPTPP tạo nhiều thuận lợi cho hàng Việt Nam

Lam Giang| 12/10/2022 19:14

(HNMO) - Việc Malaysia vừa phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giúp hàng hóa của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi theo CPTPP khi xuất khẩu sang nước này kể từ ngày 29-11 tới.

Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương tại họp báo.

Thông tin này được bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết tại buổi họp báo thường kỳ quý III-2020 của Bộ Công Thương chiều 12-10.

Cụ thể theo bà Phạm Quỳnh Mai, Malaysia đã trở thành thành viên thứ 9 phê chuẩn CPTPP sau Mexico, Nhật Bản, Singapore, Australia, New Zealand, Canada, Việt Nam và Peru. Theo đó, CPTPP sẽ có hiệu lực với Malaysia vào ngày 29-11 tới cũng là thời điểm hàng hóa của Việt Nam có thể được hưởng thuế suất ưu đãi theo hiệp định khi xuất khẩu sang nước này. Việt Nam có thể tận dụng nguyên vật liệu nhập khẩu qua Malaysia với thuế suất ưu đãi để sản xuất hàng hóa đáp ứng được các tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa để xuất khẩu sang 3 thị trường Canada, Mexice và Peru.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm tận dụng tốt hơn cam kết của các  FTA mang lại. Cụ thể như tiếp tục phổ biến các cam kết đến các doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu hàng hoá xuất khẩu để tham gia vào các thị trường các nước.

“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đàm phán một số FTA mới như hiệp định song phương Việt Nam - Ireland; giữa ASEAN và Canada; tiếp tục nâng cấp một số FTA giữa ASEAN và một số đối tác quan trọng của ASEAN như Australia, New Zealand, Trung Quốc, Hàn Quốc… giúp doanh nghiệp tận dụng lợi ích từ các ưu đãi từ các thị trường mà Việt Nam đã có FTA”, bà Phạm Quỳnh Mai cho biết.

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương tại họp báo.

Cũng tại họp báo của Bộ Công Thương chiều 12-10, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thông tin, tốc độ tăng trưởng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia. Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 74%, nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2022.

Ông Hoàng Minh Chiến thông tin, năm 2019, thương hiệu quốc gia Việt Nam được Brand Finance định giá 247 tỷ USD, năm 2020 là 319 tỷ USD, tăng 29,1% so với năm 2019; năm 2021 là 388 tỷ USD tăng 21,6% so với năm 2020; thì năm 2022  đạt 431 tỷ USD tăng 11,1% so với năm 2021.

Về thứ hạng, Việt Nam tiếp tục được nâng hạng lên vị trí thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Cũng theo đánh giá của Brand Finance, top 50 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam có mức tăng trưởng về giá trị cao là 36%. Trong khi đó mức tăng trưởng của Singapore là 22%, Indonesia là 22%, Ấn Độ là 16%, Malaysia là 10%, Trung Quốc là 6%... Trong số những doanh nghiệp có giá trị thương hiệu dẫn đầu sự góp mặt của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam như Viettel, Vinamilk, MB, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Hòa Phát, Vietnam Airlines…

Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và xã hội về vai trò của việc xây dựng và phát triển thương hiệu; tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu cho các doanh nghiệp; tập trung các hoạt động tuyên truyền, quảng bá Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, đặc biệt là ở thị trường ngoài nước và đối với các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Malaysia phê chuẩn CPTPP tạo nhiều thuận lợi cho hàng Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.