Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mãi xanh lá dong Tràng Cát

Chí Kiên| 22/12/2016 06:16

(HNM) - Làng trồng lá dong Tràng Cát ở xã Kim An (huyện Thanh Oai) đã có lịch sử hơn 600 năm. Cây lá dong ở đây không chỉ cho hiệu quả kinh tế mà còn mang đến cho vùng quê ven sông Đáy này một nét quyến rũ riêng biệt. Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng “làng xanh” Tràng Cát thời điểm này cũng đã nhộn nhịp lắm…


Làng lá gói bánh tiến vua!

Đến Tràng Cát chúng ta dễ dàng bắt gặp những khu vườn lá dong trải dài, màu xanh mướt mắt. Những ai lần đầu đến đây đều có chung một cảm giác thư thái, nhẹ nhõm khi lạc vào các khu vườn lá dong cao lút đầu người. Vì thế khi trò chuyện với người dân nơi đây chúng tôi cảm nhận rằng, ngoài lợi ích lớn về kinh tế, cây lá dong còn mang lại một giá trị tinh thần không gì sánh được.

Vườn lá dong xanh tốt của gia đình bà Phạm Thị Đông chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Đinh Dậu.



Bà Phạm Thị Đông (68 tuổi) là người trồng lá dong có tiếng ở Tràng Cát. Cả đời gắn bó với cây lá dong, bà Đông nhớ nhất khi còn bé theo cha mẹ đi cắt lá về gói bánh. Bà Đông nhớ lại: “Hồi nhỏ, cứ thấy mẹ và người dân trong làng cắt lá dong là biết Tết sắp đến, vui lắm!”. Đến khi trưởng thành, bà theo nghề trồng lá dong với nhiều bí quyết được người mẹ trao truyền lại. “Lá dong Tràng Cát có đặc điểm là phải trồng ở đất bãi và trồng dưới tán cây mít hoặc cây chuối thì mới tốt. Ngoài yêu cầu bón phân, tro bếp là tốt nhất, người trồng cũng phải thường xuyên cắt tỉa, dọn sạch lá gốc để cho cây nẩy nhiều mầm, lá xanh, rộng bản, mỡ màng, không bị xoăn, không bị rách” - bà Đông bật mí.

Thăm khu vườn rộng hơn 4 sào của bà Phạm Thị Đông ở cánh đồng bãi, chúng tôi thực sự choáng ngợp trước vẻ đẹp của những vạt lá dong trải dài xanh mướt, phía trên cao là tán lá mít sum suê. Bà Đông chia sẻ: “Lá dong Tràng Cát là giống lá dong nếp, bầu lá tròn, mềm, dai, mặt dưới có màu xanh non, cuống lá dài đồng màu với thân lá, chất lượng hơn hẳn lá dong rừng. Dùng lá dong Tràng Cát để luộc bánh chưng, khi chín sẽ có màu xanh đẹp mắt và vị thơm đặc trưng hấp dẫn”. Một điểm cộng nữa của lá dong Tràng Cát là khổ lá vừa vặn để gói bánh chưng, phổ biến có chiều dài 50-60cm, chiều rộng 25-35cm. Chính điều này mà khi người ta mang giống cây lá dong trồng ở một số địa phương lân cận đã không đạt chất lượng như ở Tràng Cát. “Các cụ cao niên trong làng vẫn kể lại, trước đây lá dong Tràng Cát được chọn để gói bánh chưng tiến vua!” - bà Đông tự hào nói.

“Lá dong Tràng Cát không chỉ bán tại thị trường trong nước, sản phẩm của nhiều gia đình đã được xuất khẩu để phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài đón Noel, đón Tết” - bà Đông cho hay. Một đặc điểm thuận lợi của cây lá dong là dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, vốn đầu tư thấp, mỗi sào chỉ từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng nhưng cho thu nhập khá ổn định, đạt từ 30 đến 40 triệu đồng thu hoạch đợt Tết, chưa kể các đợt cắt tỉa trong năm.

Anh Nguyễn Quang Biện trồng 3 sào lá dong cũng bổ sung thêm một chi tiết quan trọng làm nên thương hiệu “lá dong Tràng Cát”: “Chúng tôi vẫn nghe các cụ cao niên trong thôn nói lại, Tràng Cát nằm trong vùng bãi bồi của sông Đáy, có mạch nước ngầm tinh khiết chảy qua và có khí hậu thích hợp, vì thế đã làm nên thương hiệu lá dong hàng trăm năm nay”. Ở đất Tràng Cát, từ trong vườn nhà cho đến ngoài cánh đồng, đâu đâu cũng có thể trồng lá dong. Người nhiều đất thì canh tác lớn, người ít đất thì làm nhỏ, thu hoạch nhỏ. Anh Biện chia sẻ: “Cái độc đáo của nghề trồng lá dong là cây trồng một lần nhưng tuổi thọ của cây kéo dài hàng chục năm. Do đó, mỗi khi vụ mùa kết thúc, người dân chỉ việc dọn dẹp, bón phân cho cây phục hồi và phát triển, sau đó có thể đi làm việc khác để kiếm thêm thu nhập”.

Giữ nghề trăm năm

Ngôi làng Tràng Cát có địa thế khá đặc biệt, ba bề bao quanh bởi sông Đáy. Vùng đất bãi bằng phẳng kéo dài từ bờ sông đến sát rìa làng hình vòng cung màu mỡ, trù phú. Tương truyền cách đây khoảng 600 năm, bà Đàm Sứ ở thôn Nga Mi Hạ, xã Thanh Mai (huyện Thanh Oai) thấy đây là vùng đất tốt tươi cho cây trồng đã đưa con cháu xuống khai hoang lập địa, phát cỏ và trồng cây lá dong. Dần dần, người dân Tràng Cát học theo bà Đàm Sứ trồng lá dong để dùng trong dịp Tết và bán ra bên ngoài.

Bà Đào Thị Đắc (77 tuổi), là một trong số ít người có thâm niên trong nghề trồng lá dong ở Tràng Cát bộc bạch: “Người trồng lá dong bây giờ chủ yếu là lớp người cao tuổi, còn lớp trẻ hầu hết đã đi tìm việc khác hoặc chuyển sang trồng cây ăn quả”. Mặc cho sự xâm lấn của các loại cây khác, ngành nghề khác, những người dân yêu nghề trồng cây lá dong ở Tràng Cát vẫn giữ được màu xanh say mê lòng người trên đồng đất quê mình. Bà Đắc và những người con trong gia đình của mình vẫn chăm sóc 3 sào lá dong, dự kiến Tết này cung cấp ra thị trường khoảng 15 vạn lá.

Theo ông Nguyễn Quang Tú - Trưởng thôn Tràng Cát, đất bãi nơi đây có đặc điểm là đất phù sa với tỷ lệ hai phần đất cát và một phần đất thịt, rất phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây lá dong. Những năm trước, đã có thời kỳ, phần lớn các hộ gia đình trong thôn đều trồng lá dong. “Khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, diện tích cây lá dong giảm nhiều vì người dân phá bỏ để trồng cây ăn quả” - ông Tú cho hay. Tuy nhiên, trong khoảng gần 500 hộ dân ở Tràng Cát thì hiện nay vẫn còn khoảng hơn 300 hộ trồng lá dong với diện tích khoảng 25ha. Nếu tính năng suất ở thời điểm thu hoạch phục vụ Tết Nguyên đán, khoảng 6 vạn lá/sào thì số lượng lá dong cung cấp cho thị trường vẫn rất lớn. Ông Nguyễn Quang Tú so sánh: Các hộ chuyển sang trồng cam, trồng bưởi, thu nhập có thể cao hơn, tuy nhiên không được ổn định như trồng lá dong. Thậm chí có năm thu nhập từ trồng cam không bằng lá dong. Bản thân gia đình ông Tú trước đây cũng trồng 3 sào lá dong, tuy nhiên hiện nay chỉ còn một sào, 2 sào đã chuyển đổi sang trồng cam.

Ông Đoàn Văn Huynh, Chủ tịch UBND xã Kim An thừa nhận, do thu nhập từ trồng lá dong không cao bằng trồng cây ăn quả nên mấy năm gần đây người dân Tràng Cát đã chuyển đổi khoảng 50% diện tích đất sang trồng cam, bưởi và ổi. Tuy vậy, diện tích còn lại đang trồng lá dong khá ổn định và được người dân chăm sóc tốt, năng suất đạt cao. Đặc biệt, các vụ thu hoạch vừa qua lá dong được giá khá cao, khoảng 80 - 85 nghìn đồng/100 lá loại 1, nên người dân vẫn tin tưởng vào sự ổn định của loại cây trồng truyền thống này. Một điểm thuận lợi nữa đối với nghề trồng lá dong Tràng Cát là nhu cầu của thị trường vẫn rất lớn và ổn định hằng năm, vì thế người trồng chưa bao giờ phải lo đầu ra.

Khi chia tay chúng tôi, bà Phạm Thị Đông vui mừng nói: “Dịp cao điểm gần Tết Nguyên đán năm nào cũng thế, chúng tôi chỉ việc cắt và sắp xếp thành bó, các chủ thu mua ở mọi nơi về tận đây lấy, chỉ trong khoảng 3 ngày là thu hoạch xong mùa vụ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mãi xanh lá dong Tràng Cát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.