Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mãi tự hào và sắt son tin yêu

Phó Giáo sư, Tiến sĩ  Bùi Đình Phong| 15/01/2020 06:53

LTS: Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930 là một bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay - thực tiễn đất nước trong 90 năm qua chứng minh sâu sắc rằng, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nhìn lại sự kiện lịch sử cách đây 90 năm và chặng đường đã qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta thêm hiểu và tự hào kiêu hãnh về Đảng, từ đó thêm vững niềm tin yêu sắt son đi theo ngọn cờ cách mạng của Đảng để xây dựng và phát triển đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), từ số báo này, Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu với bạn đọc loạt bài viết: "MÃI TỰ HÀO VÀ SẮT SON TIN YÊU".

Bài 1: Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin là tất yếu lịch sử

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và từng bước thiết lập bộ máy cai trị, biến nước ta từ một quốc gia phong kiến thành “một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác”. Chính sách thống trị của thực dân Pháp đã làm cho xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi. Các phong trào yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc ngày càng mạnh mẽ nhưng nhanh chóng thất bại và việc cách mạng Việt Nam đến với chủ nghĩa Mác - Lênin là một tất yếu lịch sử.

1. Thực dân Pháp sau khi hoàn thành xâm lược nước ta đã thực hiện nhiều chính sách cai trị. Về chính trị, “mẫu quốc” Pháp tước bỏ quyền lực đối nội, đối ngoại của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn. Đó là một chính sách chuyên chế điển hình và chúng thực hiện đàn áp đẫm máu các phong trào, hành động yêu nước của người Việt Nam. Mọi quyền tự do của công dân đều bị cấm. Chúng chia rẽ ba nước Đông Dương, chia Việt Nam thành ba kỳ (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ) và thực hiện ở mỗi kỳ một chế độ cai trị riêng.

Về văn hóa, thực dân Pháp tiến hành chính sách ngu dân qua việc bưng bít, ngăn cản ảnh hưởng của văn hóa tiến bộ trên thế giới, khuyến khích văn hóa độc hại, xuyên tạc lịch sử, giá trị văn hóa Việt Nam và dung túng, duy trì các hủ tục lạc hậu. Trong lĩnh vực kinh tế, thực dân Pháp cấu kết với giai cấp địa chủ để thực hiện chính sách bóc lột tàn bạo, cướp đoạt ruộng đất để lập đồn điền; ra sức vơ vét tài nguyên, cùng nhiều hình thức thuế khóa nặng nề, vô lý; xây dựng một số cơ sở công nghiệp, hệ thống đường giao thông, bến cảng phục vụ chính sách khai thác thuộc địa.

Sự du nhập chủ nghĩa tư bản theo kiểu thực dân vào nước ta làm cho xã hội Việt Nam từ chế độ phong kiến độc lập đã chuyển thành chế độ thuộc địa với tính chất tư bản thực dân là chủ yếu, nhưng vẫn còn một phần tính chất phong kiến. Chế độ thuộc địa làm phân hóa sâu sắc về giai cấp. Bên cạnh những giai cấp cũ như nông dân, địa chủ phong kiến, các giai cấp mới xuất hiện như công nhân, tiểu tư sản, tư sản. Trừ một bộ phận trong giai cấp địa chủ phong kiến và tư sản mại bản làm tay sai cho đế quốc, còn đại đa số các tầng lớp nhân dân sống với thân phận nô lệ, bị thực dân Pháp áp bức, bóc lột.

Sự áp bức, bóc lột của thực dân Pháp càng tăng thì sự phản kháng của dân tộc càng quyết liệt. Ngay từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược, các cuộc đấu tranh của nhân dân ta theo hệ tư tưởng phong kiến đã diễn ra mạnh mẽ từ Nam ra Bắc vào Trung. Sau khi phong trào Cần Vương bị dập tắt vào năm 1896, vào đầu thế kỷ XX, các phong trào đấu tranh vẫn tiếp tục diễn ra hết sức sôi nổi theo khuynh hướng dân chủ tư sản với những gương mặt tiêu biểu như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh cũng không giành được thắng lợi. Phong trào nông dân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám kéo dài 30 năm cũng bị đàn áp dã man. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo cũng bị thất bại… Cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước. Đó là sự thất bại của hệ tư tưởng phong kiến và tư sản. Sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối, tổ chức và phương pháp cứu nước cần có lời giải đáp khoa học, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn Việt Nam và phù hợp với xu thế của thời đại.

2. Trong bối cảnh ấy, giai cấp công nhân được hình thành với việc thực dân Pháp thiết lập các nhà máy, công xưởng, khu đồn điền trồng cây công nghiệp và cây lương thực. Công nhân Việt Nam tuyệt đại đa số xuất thân trực tiếp từ người nông dân thiếu ruộng đất hoặc không có ruộng đất, là những người bị bóc lột về kinh tế rất nặng nề ở nông thôn. Từ số lượng ít ỏi cuối thế kỷ XIX, cùng với nhịp độ khai thác thuộc địa ngày càng tăng của thực dân Pháp, số lượng giai cấp công nhân Việt Nam trong ba thập niên đầu thế kỷ XX đã lên tới khoảng 250.000 người. Giai cấp công nhân Việt Nam có mâu thuẫn dân tộc sâu sắc đối với thực dân xâm lược và ngày càng có vị trí trong xã hội. 

Trong khi cách mạng Việt Nam chìm trong đêm tối chưa tìm thấy lối ra, ngày 5-6-1911, với lòng yêu nước và khát vọng giành độc lập tự do cho dân tộc, Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) đã ra đi tìm đường cứu nước theo một con đường khác. Với khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do cho dân, cho nước, Nguyễn Tất Thành đã bất chấp mọi nguy hiểm, gian khổ, đi qua nhiều nước của châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã rút ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các nước thuộc địa. Nguyễn Tất Thành có mục đích “sang nước Pháp và các nước khác, xem họ làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào”.

Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công. Chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành hiện thực, được truyền bá rộng rãi, dẫn tới sự ra đời của các đảng cộng sản ở nhiều nước tư bản và thuộc địa. Tháng 3-1919, Quốc tế Cộng sản được thành lập. Năm 1920, Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin được công bố. Những sự kiện quốc tế đó đã thức tỉnh ý thức dân tộc và phong trào đấu tranh giải phóng khỏi ách thực dân ở các nước thuộc địa. Việt Nam chịu tác động của bối cảnh lịch sử đó.

Trong khoảng 10 năm (1911-1920), với sự trải nghiệm ở nhiều nước tư bản và thuộc địa, Nguyễn Tất Thành có sự so sánh giữa cách mạng tư bản Mỹ, Pháp và cách mạng vô sản Nga. Nguyễn Tất Thành với tên gọi khi đó là Nguyễn Ái Quốc đã gia nhập Đảng Xã hội Pháp, nghiên cứu Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, tham dự Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, tán thành việc gia nhập Quốc tế Cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên.

Rõ ràng, trong bối cảnh lịch sử hết sức đặc biệt ấy, việc phong trào cách mạng ở Việt Nam từng bước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin là tất yếu. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với trải nghiệm của mình đã khẳng định và lựa chọn: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Và con đường cứu nước của dân tộc Việt Nam cũng sáng rõ từ đây.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mãi tự hào và sắt son tin yêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.