Thơm rất xa gió thoảng hương trầm Cây trầm đẹp như cuộc đời chiến sĩ Sống tươi tốt trung trinh bình dị Khi hy sinh thơm đất, thơm trời...” (Nguyễn Văn Thạc) Đó là những câu thơ rất đẹp của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, nguyên sinh viên khoa Toán - Cơ, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội gửi cho bạn gái là chị Phạm Như Anh trước khi anh hy sinh ở chiến trường Quảng Trị (ngày 30-7-1972) lúc chưa đầy 20 tuổi.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Triệu ký tên trên bìa tượng trưng cuốn sách "Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc
Cây trầm đẹp như cuộc đời chiến sĩ
Sống tươi tốt trung trinh bình dị
Khi hy sinh thơm đất, thơm trời...”
(Nguyễn Văn Thạc)
Đó là những câu thơ rất đẹp của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, nguyên sinh viên khoa Toán - Cơ, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội gửi cho bạn gái là chị Phạm Như Anh trước khi anh hy sinh ở chiến trường Quảng Trị (ngày 30-7-1972) lúc chưa đầy 20 tuổi. 30 năm sau ngày đất nướchoàn toàn giải phóng và hơn 30 năm sau ngày Nguyễn Văn Thạc hy sinh, câu thơ này đã được chị Phạm Như Anh chép tặng Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Triệu - một người đồng đội cũ của anh Thạc - ở trang đầu cuốn Nhật ký thời chiến Việt Nam “Mãi mãi tuổi hai mươi” do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành, tháng 7-2005.
Cây bạch đàn mảnh dẻ
- 2-10-1971
Nhiều lúc mình cũng không ngờ nổi rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá và cũng đột ngột quá.
- 4-10-1971
Chao ôi là nhớ... Mình tưởng tượng thấy bóng dáng yêu dấu đang nép sau thân bạch đàn ứ nhựa. Đừng giận gì nữa hết, xa nhau lâu rồi, còn có điều gì để giận... Hay P. giận vì lá thư cuối tháng 6 không được trả lời ?
Rồi lúc nào ta chết, chỉ cầu xin một điều, trên nấm mồ của ta cây bạch đàn; cây bạch đàn mảnh dẻ...
- 26-11-1971
Thế là tạm biệt Yên Thế, tạm biệt đồi bạch đàn thân yêu. Ba giờ chiều rồi, bà đang làm gì ? Nồi nước đun dở đã sôi chưa ? Hai bà cháu đun nồi nước cuối cùng vào 4 giờ sáng 25-11, vòi ấm chưa phì ra hơi nước, cháu đã khoác ba lô lên vai rồi... Thôi, thế là mãi mãi không còn gặp bà nữa. Bà cô đơn suốt cuộc đời nên có biết bao nhiêu con là bộ đội.
Trong hàng trăm trang viết của Nguyễn Văn Thạc, hình tượng cây bạch đàn thường được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, gắn với những tâm trạng và kỷ niệm của người lính trẻ. Cây bạch đàn trở nên thân thiết đến mức khi dự cảm về một cái chết không tránh khỏi (chiến tranh hồi đó rất khốc liệt), Nguyễn Văn Thạc cũng ao ước có được một cây bạch đàn trên nấm mồ - cây bạch đàn mảnh dẻ. Và hôm nay, thật xúc động, hơn 30 năm sau ngày anh Thạc hy sinh, vào đúng dịp kỷ niệm 58 năm Ngày TBLS (27/7/1947 - 27/7/2005), tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Từ Liêm, Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Quốc Triệu cùng gia đình và người thân đã trồng bên nấm mồ liệt sĩ 2 cây bạch đàn theo đúng nguyện vọng của anh Thạc, như một sự tri ân với người đã khuất.
Nhớ một vì sao đỏ
Gian phòng nhỏ của người anh cả của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc - ông Nguyễn Văn Thục - ở tầng 3 phòng 305 H2 khu TT Thành Công sáng 25-7 đông chật khách. Đó là những nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động chính trị và cả những doanh nhân. Họ đến đây để thắp một nén nhang tưởng nhớ anh Thạc theo đúng phong tục của người Việt Nam nhân Ngày TBLS 27-7, mừng cho gia đình anh nhân cuốn sách “Mãi mãi tuổi hai mươi” phát hành tròn 3 vạn bản và bàn việc phát triển Quỹ Khuyến tài - Khuyến học “Mãi mãi tuổi hai mươi” do Nhà xuất bản Thanh niên, báo Tuổi trẻ và một số nhà thơ, nhà văn yêu quý Nguyễn Văn Thạc khởi xướng. Nhà thơ Đặng Vương Hưng, người đã có công sưu tầm, giới thiệu cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc vui mừng báo cáo với Chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu, đến nay, tuy chưa chính thức phát động, song Quỹ Khuyến tài - Khuyến học “Mãi mãi tuổi hai mươi” đã được một số cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước ủng hộ, tham gia với số tiền hàng trăm triệu đồng (riêng nhà thơ Đặng Vương Hưng ủng hộ 50 triệu đồng là tiền nhuận bút xuất bản cuốn sách “Mãi mãi tuổi hai mươi” và Công ty Chín Con Rồng của chị Phạm Như Anh ủng hộ 100 triệu đồng; Cty Dệt Phong Phú ủng hộ 50 triệu đồng). Dự kiến, hằng năm, Quỹ Khuyến tài - Khuyến học “Mãi mãi tuổi hai mươi” sẽ tổ chức trao học bổng 1 lần vào ngày 30-7 (ngày mất của anh Thạc) cho những học sinh tuổi 20 học giỏi. Hoan nghênh sáng kiến trên và ủng hộ việc thành lập Quỹ Khuyến tài - Khuyến học “Mãi mãi tuổi hai mươi”, Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Quốc Triệu trân trọng viết vào sổ lưu niệm của gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc: “Cám ơn nhà báo Đặng Vương Hưng và các cơ quan, gia đình đã giới thiệu với tất cả những người còn sống về tấm gương và cuộc đời liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.
Tôi rất ủng hộ xây dựng Quỹ Khuyến tài - Khuyến học “Mãi mãi tuổi hai mươi” nhằm truyền lại tinh thần cách mạng và ý chí hiếu học, học giỏi cho thế hệ hôm nay”.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.