Bất cứ khi nào Việt Nam tiến hành các hoạt động ngoại giao, các thế lực thù địch, phản động đều tìm cách xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo. Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba vừa qua cũng không phải là ngoại lệ.
Trước thực tế đó, đấu tranh phản bác những luận điệu bôi nhọ, bóp méo của các thế lực thù địch là vấn đề mang tính cấp thiết, trong đó báo chí cách mạng phải là lực lượng tiên phong, đi đầu.
1. Mối quan hệ Việt Nam - Cuba là mối quan hệ đặc biệt. Trải dài theo năm tháng, mối quan hệ đó không ngừng được bồi tụ, vun đắp và mãi mãi rạng ngời. Nhằm thắt chặt và đưa tình đoàn kết hữu nghị, thủy chung, trong sáng Việt Nam - Cuba lên một tầm cao mới, vào 21h45 ngày 25-9-2024 theo giờ địa phương (sáng 26-9-2024 giờ Hà Nội), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Jose Marti ở thủ đô La Habana, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Cuba theo lời mời của Bí thư Thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Diaz Canel Bermudez và phu nhân.
Ngay khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Cuba, như thường lệ, nằm trong âm mưu, thủ đoạn chống phá Việt Nam không ngừng nghỉ, trên một số trang mạng xã hội phản động như Việt Tân, Nguyễn Văn Đài… hay các trang báo như “Thoibao.de”… lập tức đăng tải nhiều hình ảnh bôi nhọ mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Cuba cũng như chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tới Cuba.
Bằng những lời lẽ xuyên tạc, bóp méo, các thế lực thù địch, tổ chức phản động đã tìm mọi cách chia rẽ tình đoàn kết giữa hai dân tộc, phủ nhận vai trò và sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của nhân dân Cuba trong kháng chiến cứu nước và trong sự nghiệp xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam; cũng như sự giúp đỡ về vật chất, tinh thần của nhân dân Việt Nam đã dành cho Cuba. Đây là âm mưu, thủ đoạn hết sức nham hiểm, thâm độc của các thế lực thù địch. Bởi bất cứ khi nào Việt Nam tiến hành các hoạt động ngoại giao, chúng đều rắp tâm bôi nhọ, bóp méo và chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba lần này cũng không là ngoại lệ. Trước thực tế đó, đấu tranh phản bác những luận điệu bôi nhọ, bóp méo của các thế lực thù địch là vấn đề mang tính cấp thiết, trong đó báo chí cách mạng phải là lực lượng tiên phong.
2. Vốn là một quốc gia cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất, khi nhân dân Cuba vừa trải qua một cuộc cách mạng và thành công ngày 1-1-1959, nhưng đến ngày 2-12-1960, Cộng hòa Cuba đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Cuba cũng là nước duy nhất ở khu vực Mỹ Latinh đã đến với nhân dân Việt Nam lúc đó, với tư cách là người bạn chân thành, người đồng chí tin cậy, sẵn sàng chia ngọt, sẻ bùi trong khó khăn hoạn nạn.
Tháng 9-1963, Ủy ban Cuba đoàn kết với miền Nam Việt Nam được thành lập. Ngay sau khi ra đời, Ủy ban đã khởi xướng, động viên, tập hợp lực lượng và tổ chức các tầng lớp nhân dân Cuba chia lửa với nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc Việt Nam, tại thủ đô La Habana, nhân dân Cuba đã góp phần quan trọng vào thành công của Hội nghị đoàn kết Á - Phi - Mỹ Latinh (từ ngày 3 đến 15-1-1966). Hội nghị coi việc đoàn kết với Việt Nam, coi việc bảo vệ chính nghĩa của nhân dân Việt Nam là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược cách mạng của các dân tộc Á, Phi, Mỹ Latinh.
Cũng trong tháng 1-1966, tại cuộc mít tinh ở Quảng trường cách mạng Jose Marti ở thủ đô La Habana (Cuba), Lãnh tụ Cuba Fidel Castro phát biểu: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Sau lời phát biểu đầy tình nghĩa của Lãnh tụ Fidel Castro, ngày 13-3-1967, tại thủ đô La Habana, nhân “Tuần đoàn kết với nhân dân Việt Nam”, công nhân Cuba đã tổ chức “Ngày sản xuất đoàn kết với Việt Nam”, “Ngày thi đua ủng hộ Việt Nam”...
Nhìn chung, trong những năm 60 của thế kỷ XX, dù còn nhiều khó khăn về kinh tế do bị bao vây, cấm vận, Chính phủ và nhân dân Cuba vẫn dành cho Việt Nam sự ủng hộ chân thành, không toan tính cả về vật chất và tinh thần. Cuba đã cử nhiều chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế sang hỗ trợ, giúp đỡ điều trị cho các thương binh và người dân bị nạn của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, cử chuyên gia cầu đường sang tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh, giúp đào tạo hơn 1.000 sinh viên Việt Nam ở trình độ đại học và cao học. Các tàu thuyền Cuba vẫn cập cảng Hải Phòng vận chuyển hàng cứu trợ của nhân dân Cuba giúp nhân dân Việt Nam.
Trên mặt trận ngoại giao, Cuba giúp vận động các nước ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. Năm 1973, Cuba đã tặng Việt Nam 5 công trình quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD, bao gồm: Khách sạn Thắng Lợi tại Thủ đô Hà Nội, Bệnh viện Việt Nam - Cuba tại Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), đường Xuân Mai, Trại bò giống Ba Vì, Xí nghiệp gà Lương Mỹ. Đặc biệt, khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, từ 8h ngày 27-1-1973, cả nước Cuba tổ chức nhiều hoạt động mừng thắng lợi. Các công sở ngừng làm việc, từng đoàn người ùn ùn kéo đến Đại sứ quán Việt Nam hô khẩu hiệu và hát vang những bài ca cách mạng.
Đến ngày 16-9-1973, Chủ tịch Fidel Castro dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Chính phủ Cuba sang thăm và chia vui với Việt Nam. Với sự kiện này, Chủ tịch Fidel Castro trở thành vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam trong khói bom lửa đạn.
3. Tri ân sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của Cuba, nhân dân Việt Nam nguyện cố gắng hết mình đoàn kết, ủng hộ với nhân dân Cuba trong mọi hoàn cảnh như đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư (sau đó là Chủ tịch nước) khẳng định tại Lễ kỷ niệm 50 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Cuba (2009): “Ủng hộ và đoàn kết với Cuba là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam. Đó là tư tưởng, hành động nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng chính nghĩa của nhân dân Cuba anh em”.
Tiếp đó, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba tháng 3-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Với nhân dân Việt Nam, hai tiếng Cuba đồng nghĩa với biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng, khí phách hiên ngang, ý chí quật cường, niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Quan hệ Việt Nam - Cuba là quan hệ anh em, đồng chí thân thiết, chân thành, trong sáng và đã trải qua một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ ở mỗi nước, đã được thử thách, rèn luyện qua hơn nửa thế kỷ đến ngày nay và đang tiếp tục phát triển tốt đẹp, trở thành biểu tượng của thời đại”.
Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cuba tại khu vực châu Á, với các mặt hàng xuất khẩu chính là gạo, than đá, thiết bị điện tử, điện gia dụng, quần áo, giày dép; các mặt hàng nhập khẩu từ Cuba chủ yếu là dược phẩm, nguyên liệu sản xuất trong ngành Dược. Trong giai đoạn năm 2019 trở về trước, kim ngạch xuất, nhập khẩu hai nước luôn đạt tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng ở mức trên 20%/năm. Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt 134,7 triệu USD, tăng 187% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Cuba đạt giá trị 133,36 triệu USD, tăng 184,3% và nhập khẩu tổng giá trị 1,33 triệu USD từ Cuba.
Trên nền tảng vững chắc của tình hữu nghị sâu sắc và lịch sử lâu đời, quan hệ Việt Nam - Cuba sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển. Nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba theo lời mời của Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Diaz Canel Bermudez và phu nhân, hai bên đã ra “Tuyên bố chung” về tăng cường quan hệ đoàn kết truyền thống, hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện trong giai đoạn mới, trong đó “tái khẳng định mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác và đoàn kết truyền thống giữa Việt Nam và Cuba là biểu tượng của thời đại và là tài sản vô giá của hai Đảng và nhân dân hai nước; quyết tâm tiếp tục kế thừa và phát huy di sản trường tồn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lãnh tụ lịch sử của cách mạng Cuba Fidel Castro, những người tiên phong trong việc gìn giữ và phát huy quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp, đặc biệt, truyền thống, gắn kết hai dân tộc Việt Nam - Cuba”.
Với thực tiễn đó, những lời lẽ xuyên tạc, bóp méo, chống phá của các thế lực thù địch về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, thủy chung gắn bó Việt Nam - Cuba trở nên lạc lõng. Vì mối quan hệ Việt Nam - Cuba được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lãnh tụ Fidel Castro đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước không ngừng bồi tụ, vun đắp ngày càng trở nên bền chặt, gắn bó, không thế lực chống phá nào có thể chia rẽ được.
Đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Cuba không chỉ là bảo vệ mối quan hệ thủy chung, son sắt - một biểu tượng về tình đoàn kết quốc tế trong lịch sử thế giới đương đại, mà còn là bảo vệ đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế, góp phần vào hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.