(HNM) - Vừa bước chân vào lớp học may công nghiệp của Trung tâm Dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm (xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội) chúng tôi thấy những ánh mắt đầy niềm vui của các em khuyết tật.
Xưởng may của Trung tâm nhân đạo Minh Tâm. |
Nguyễn Thị Quế sinh ra trong gia đình nghèo có 5 người con, bố mẹ làm nghề nông ở xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Từ khi chào đời, em đã thiếu may mắn vì bị liệt nửa người bên phải. Vào ở trung tâm đã hơn một năm, Quế được trang bị xe lăn và được học nghề may. Quế khoe: "Đồ ăn ở đây ngon hơn ở nhà, nên em đã tăng hơn 5kg. Em còn có thu nhập từ làm may nữa". Không chỉ Quế có niềm vui lớn là được trung tâm nuôi dưỡng, dạy nghề và tạo việc làm mà các em Bùi Thị Nguyện (ở Kim Bôi, Hòa Bình) bị khuyết tật chân, tay, gù lưng; em Bùi Văn Tùng (ở Quốc Oai, Hà Nội) khuyết tật nặng cả chân và tay; em Lưu Thành Đạt (ở Thái Nguyên) bị khuyết tật chân… cũng phấn khởi chia sẻ về sự may mắn khi được ở mái ấm này.
Trung tâm Dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm được thành lập từ nỗi niềm của người mẹ nghèo - bà Vũ Thị Xiêm (quê ở xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội) có con trai bị bại liệt. Sau khi con bà được một tổ chức y tế nhân đạo cứu chữa khỏi bệnh, bà Xiêm luôn trăn trở làm sao để giúp những đứa trẻ khuyết tật khác. Năm 1997, từ tiền dành dụm, bà mua 10 chiếc máy may để dạy nghề, tạo việc làm cho trẻ khuyết tật. Từ đó, ngày càng có nhiều trẻ khuyết tật được bà dạy nghề, tạo việc làm, nhờ đó có thu nhập và giảm gánh nặng cho gia đình.
Năm 2006, bà Xiêm chính thức thực hiện được tâm nguyện khi cho ra đời Trung tâm Dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm chuyên trợ giúp người khuyết tật với các nghề may công nghiệp, mây tre đan xuất khẩu, mộc mỹ nghệ. Bên cạnh việc nuôi dưỡng và dạy nghề cho 50-100 người khuyết tật, mỗi năm trung tâm còn dạy nghề, tạo việc làm cho từ 400 đến 1.000 người khuyết tật, người nghèo và lao động nông thôn ở các địa phương lân cận. Ghi nhận những đóng góp của trung tâm với xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các cấp, các đơn vị, tổ chức đã trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận cho đơn vị. Năm 2012, trung tâm đã được Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc IBK tài trợ xây dựng khu nhà mới khang trang. Hiện tại, trung tâm nuôi dưỡng và dạy nghề miễn phí cho 50 trẻ khuyết tật.
Để có được thành quả hôm nay là tâm huyết lớn của cả gia đình bà Xiêm. Cô con gái Đỗ Thị Tâm tốt nghiệp xuất sắc Học viện Ngân hàng đã từ bỏ những chỗ làm có thu nhập cao để dồn tâm sức cùng gia đình xây dựng trung tâm. Đỗ Thị Tâm đã cùng bà Xiêm đưa hoạt động của trung tâm liên tục phát triển mạnh mẽ.
Rời trung tâm, hình ảnh những người khuyết tật vui vẻ, hăng say với tay búa, tay kim, tay đan đọng lại trong chúng tôi một ấn tượng thật đẹp. Mong sao, trong cộng đồng sẽ có nhiều tấm lòng nhân ái như trên, góp phần giảm bớt nỗi đau của những người không may mắn trong xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.