(HNM) - Đã hơn chục năm triển khai cấp đổi số nhà, đặt tên đường mới nhưng TP Hồ Chí Minh hiện vẫn còn tình trạng "nhà loạn số, phố loạn tên". Sự thiếu kiên quyết, nhất quán của cơ quan chức năng cùng thái độ bất hợp tác của nhiều người dân đang gây rắc rối cho cơ quan quản lý và chính bản thân người dân, nhất là trong những giao dịch hành chính…
"Ma trận" số nhà
Sống ở quận Gò Vấp hơn 15 năm nay nhưng mỗi khi phải tìm nhà ai đó chị Võ Kim Cúc - chủ cửa hàng số 57/3 đường Phạm Văn Chiêu, phường 9 - thường vẫn "bó tay". Trật tự số nhà ở đường Quang Trung, Phan Huy Ích, Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ… hết sức lộn xộn, không theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, không phân biệt chẵn - lẻ, số mới xen lẫn số cũ… khiến người nơi khác đến cảm thấy như lạc vào "ma trận". Ngay cả trụ sở UBND quận, mặc dù biển ghi là "số 19 đường Quang Trung", nhưng nếu theo cách bình thường sẽ chẳng tìm ra nổi vì nó nằm cách nơi lẽ ra phải là số nhà 19 đến... gần 3 km. Không những thế, mặc dù được đánh số 19 nhưng trụ sở cơ quan hành chính quận lại cắc cớ "tọa" bên… dãy số chẵn, cạnh số nhà 20! Theo chị Cúc, do tâm lý người dân phần lớn cho rằng có điện thoại liên lạc nên không quan tâm đến chuyện số nhà, chỉ khi làm chứng minh nhân dân, hộ khẩu, hộ chiếu hoặc giao dịch ngân hàng… mới thấy phức tạp.
Số nhà 57/3 đường Phạm Văn Chiêu được đổi thành số 200 nhưng chủ cửa hàng vẫn dùng số cũ. |
Một cán bộ Phòng Quản lý đô thị cho rằng, tốc độ đô thị hóa nhanh đã ảnh hưởng lớn đến trật tự số nhà và tên đường trên địa bàn quận. Được biết, năm 2008, quận Gò Vấp được UBND TP chọn cùng 3 quận, huyện khác là quận Bình Tân, quận 12 và huyện Bình Chánh thực hiện thí điểm cấp lại số nhà, đặt tên đường; tuy nhiên hiện nay tình hình vẫn chưa mấy được cải thiện.
Chuyện "loạn" số nhà không chỉ có ở những địa phương mới đô thị hóa như Gò Vấp, mà ngay trung tâm nội thành cũng có thể gặp. Một đồng nghiệp (mới vào TP ít lâu) có lần đến địa chỉ 46 Trương Định dự họp; trước khi đi đã cẩn thận tra bản đồ trên mạng và biết được số 46 Trương Định thuộc phường Bến Thành, quận 1, gần góc đường Lê Thánh Tôn. Thế nhưng đến nơi anh nhận thấy số nhà 46 không có vẻ gì là nơi có thể tổ chức hội họp, bèn điện cho đồng nghiệp và được chỉ dẫn đi tiếp khoảng 2km nữa tới một địa chỉ cũng số 46 Trương Định nằm ở gần ngã tư Trương Định - Tú Xương, thuộc địa bàn phường 7, quận 3, chính là… hội trường Thành ủy!
Rối rắm tên đường
Không chỉ "loạn" số nhà, hệ thống tên đường ở TP cũng rối không kém. Dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, một bên biển tên đường ghi "Trường Sa", bên kia ghi "Hoàng Sa". Tuy nhiên nhiều nhà lại ghi địa chỉ đường Lê Văn Sĩ, Trần Văn Đang, Trần Quang Diệu đan xen nhau, số nhà thì lung tung. Tương tự phía bên đường Hoàng Sa, nhiều nhà ghi địa chỉ đường Bùi Thị Xuân, đường Bờ kênh Nhiêu Lộc, Trần Văn Đang, Cách mạng Tháng Tám… cứ như đánh đố người đi đường.
Theo thống kê của Sở GTVT, toàn TP còn khoảng 60% số đường chưa có tên hoặc đặt tên lung tung, dù các con đường này hầu như đã hoàn thiện, dân cư đông đúc. Điều này giải thích vì sao lại xuất hiện những tên đường kỳ quặc, và mỗi khi hỏi đường phải hỏi cụ thể (đường đó) thuộc quận nào. Có nhiều nơi người dân tự sửa tên đường thành tên khác, như đường "Tân Sơn Nhì nối dài Trương Vĩnh Ký" (nguyên văn trên biển tên đường) thuộc quận Tân Phú, người dân tự viết tên đường lên biển số nhà là đường… "Điện Cao Thế" (do có đường điện cao thế chạy qua). Đáng nói là từ năm 1995, TP đã thành lập Hội đồng đặt tên đường với nhiệm vụ đặt tên đường mới, chỉnh sửa (tên) những đường trùng tên hoặc đã có tên nhưng không ý nghĩa… Thế nhưng đến nay vẫn còn vô số bất cập, đặc biệt là trong tổng số hơn 1.500 tuyến đường lớn nhỏ trên địa bàn TP vẫn còn khoảng 100 đường có tên trùng nhau.
Sở Xây dựng TP cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc "loạn" số nhà, "loạn" tên đường một phần là do các quận, huyện chưa thật sự quan tâm đến công việc này. Một lý do nữa là lâu nay TP thực hiện việc cấp và chỉnh số nhà theo hướng gia tăng số từ Đông sang Tây, từ Nam tới Bắc, thế nhưng năm 2006 Bộ Xây dựng lại ban hành quy chế đánh số nhà… theo chiều ngược lại. Hậu quả là đến nay TP vẫn tồn tại vấn nạn "nhà loạn số, phố loạn tên".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.