Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mã số định danh: Băn khoăn về tính khả thi

Đà Đông| 30/03/2013 08:31

(HNM) - Đề xuất mỗi công dân Việt Nam được cấp một mã số định danh trùng với số chứng minh thư của Bộ Tư pháp bên cạnh nhiều ý kiến đồng thuận cũng có không ít bày tỏ lo ngại về tính khả thi khi thực hiện.

Loạn mã số và lãng phí?

Tại dự thảo "Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư" của Bộ Tư pháp, mã định danh cá nhân chính là số chứng minh nhân dân (CMND) gồm 12 chữ số mà Bộ Công an đang triển khai cấp thí điểm. Mã số này gồm 22 nội dung sẽ được ngành tư pháp cấp cho công dân khi đăng ký khai sinh, tính từ thời điểm Luật Hộ tịch có hiệu lực trong năm 2015. Trước mắt, công an cấp huyện, cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền cấp cho công dân đối với người đã đăng ký khai sinh. Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn, đây là số duy nhất để truy nguyên công dân trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Công dân chỉ cần biết duy nhất con số này và đây là cơ sở để các ngành kết nối, khai thác, sử dụng thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Mã số định danh cá nhân là cơ sở để xây dựng các loại giấy tờ công dân.
Ảnh: Nguyễn Khánh


Còn tại đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia do Bộ Công an đang triển khai, việc xây dựng mã số công dân cũng đang được thực hiện với tổng kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng, chia làm nhiều giai đoạn. Trong tháng 4-2013, dự kiến Bộ Công an sẽ triển khai đề án cơ sở dữ liệu dân cư ở Hải Phòng. Theo đó, mỗi trẻ sơ sinh sẽ được cấp một số định danh cá nhân ghi vào giấy khai sinh, hộ khẩu và theo công dân này đến suốt cuộc đời, trở thành số CMND khi đủ 14 tuổi, mã số thuế, số tài khoản cá nhân. Bộ Công an cũng đã thành lập Cục Cảnh sát Đăng ký, quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện việc cấp số định danh cá nhân. Sang giai đoạn 2 của đề án, Bộ Công an thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu dân cư với các ngành khác để đơn giản hóa các thủ tục cho người dân khi thực hiện các giao dịch dân sự. Trong tương lai, khi điều kiện kinh tế, công nghệ thông tin cho phép, Bộ sẽ triển khai làm thẻ điện tử tích hợp thông tin, với các chức năng như nhiều nước tiên tiến đã làm.

Có thể thấy, cả hai đề án của hai bộ cùng hướng tới mục tiêu gom các dữ liệu cá nhân về một mối nhằm tạo sự thuận tiện cho người dân trong giao dịch hành chính và góp phần tăng cường sự quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Song sự trùng lắp đã khiến nhiều người lo ngại về tính hiệu quả khi thực hiện. Người thì băn khoăn không biết mã số định danh có thể thay thế số hộ chiếu, số bằng lái xe, số thẻ bảo hiểm, mã số thuế và hàng chục loại giấy tờ khác có số đã được các cơ quan chức năng cấp; còn những công dân của 3 quận, huyện tại Hà Nội lại lo ngại, không biết mã số này có trùng và thay thế được mã số CMND 12 số vừa được cấp mới không, hay mỗi khi có việc cần giao dịch lại phải đi xin các thủ tục xác nhận như vừa qua? Thậm chí, có ý kiến cảnh báo, nếu mã số công dân không thay thế được hàng loạt con số mà mỗi bộ, ngành đã cấp như hiện nay thì dẫn đến tình trạng loạn mã số và lãng phí khi thực hiện.

Hiệu quả chưa rõ, mục tiêu khó thành

Chiều 27-3, tại cuộc họp liên ngành về đề án của Bộ Tư pháp, các bộ, ngành liên quan đã nhất trí cao với quan điểm sẽ sử dụng số CMND 12 số do Bộ Công an đang thực hiện cấp thí điểm làm số định danh cá nhân. Cũng có ý kiến đề xuất, nên xây dựng hai phương án cấp số định danh cá nhân, gồm cấp cho trẻ em dưới 6 tuổi đã có thẻ bảo hiểm y tế hoặc cấp cho trẻ em từ 14 tuổi trở xuống.

Tuy nhiên, vấn đề còn nhiều ý kiến băn khoăn hiện nay là thời gian triển khai cấp số định danh cá nhân cho gần 90 triệu dân đã đăng ký khai sinh trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực. Với hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa thể bảo đảm cho việc tích hợp và ứng dụng từ các thông tin hộ tịch của cá nhân, nhiều người lo ngại mục tiêu đề án đặt ra tới năm 2020, mỗi công dân Việt Nam sẽ có một mã số định danh khó thành hiện thực. Vì vậy, Bộ Công an và Bộ Tư pháp cần phối hợp hướng dẫn cụ thể địa phương thực hiện và phải có sự kết nối với các cơ sở dữ liệu công dân mà hai bên đang triển khai.

Mặt khác, điều đáng quan tâm nhất hiện nay là khi triển khai đề án, người dân sẽ được giảm chính xác bao nhiêu loại giấy tờ thì đến nay vẫn chưa có con số cụ thể. Mã số định danh là một xu hướng tiến bộ, tạo thuận tiện cho người dân trong giao dịch và các cơ quan khi thực hiện quản lý nhà nước. Tuy nhiên, nếu không có một giải pháp tổng thể, đồng bộ, thì e rằng mục tiêu cải cách hành chính, thu gọn về một đầu mối của cả hai đề án đặt ra lúc đầu khó khả thi.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mã số định danh: Băn khoăn về tính khả thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.