Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lý Thường Kiệt - người hiện thân của nền văn hóa Thăng Long

LANHUONG| 04/12/2004 17:29

Lý Thường Kiệt (1019-1105) tên thật là Ngô Tuấn, tự là Thường Kiệt. Do có công lớn trong công cuộc phá Tống bình Chiêm, hưng thịnh nhà Lý, ông được vua ban quốc tính nên gọi là Lý Thường Kiệt. Ông người làng An Xá, huyện Quảng Đức, thuộc thành Thăng Long (nay là vườn Bách thảo). Ông có tài thao lược, am hiểu văn chương, năm 23 tuổi đã làm Hoàng môn chi hậu, sau được phong Thái uý. Tương truyền ông là tác giả bài thơ thần nổi tiếng Nam Quốc Sơn Hà.

Lý Thường Kiệt (1019-1105) tên thật là Ngô Tuấn, tự là Thường Kiệt. Do có công lớn trong công cuộc phá Tống bình Chiêm, hưng thịnh nhà Lý, ông được vua ban quốc tính nên gọi là Lý Thường Kiệt. Ông người làng An Xá, huyện Quảng Đức, thuộc thành Thăng Long (nay là vườn Bách thảo). Ông có tài thao lược, am hiểu văn chương, năm 23 tuổi đã làm Hoàng môn chi hậu, sau được phong Thái uý. Tương truyền ông là tác giả bài thơ thần nổi tiếng Nam Quốc Sơn Hà.

Lý Thường Kiệt là nhân vật đặc sắc bậc nhất của lịch sử nhà Lý, ông hiện thân của tinh thần và bản lĩnh dân tộc, là một trong những đại diện tiêu biểu của nền văn hoá Thăng Long.

Bước vào diễn đàn chính trị ngay trong thời kỳ mà yêu cầu của lịch sử đặt ra là vừa đấu tranh quân sự vừa xây dựng củng cố thiết chế xã hội, Lý Thường Kiệt đã không chỉ khẳng định được nhân cách và bản lĩnh của mình mà còn trở thành người hùng của đất Thăng Long. Là một trong những con người đại diện tiêu biểu của thời Lý, được nhìn nhận như nhiều đại diện khác của triều đại này đó là sự lưỡng sinh những giá trị về nhân cách: anh hùng - thi nhân; anh hùng quân sự - anh hùng văn hoá; nhà quân sự - nhà chính trị, những giá trị lưỡng sinh này không chỉ bó hẹp trong phạm vi một triều đại nhà Lý mà phổ biến trong những đại diện tiêu biểu từ thời đại này.

Về sau Lý Thường Kiệt đã tỏ rõ tài năng cầm quân của mình trong kế hoạch “tiên phát chế nhân” (chủ động tiến công hậu phương địch làm tiêu hao sinh lực và nhụt ý chí chiến đấu). Nghệ thuật quân sự trước thời Lý chủ yếu đề cao vai trò của yếu tố thời thế, địa linh, nhân kiệt nên ứng phó trong chiến tranh thường đơn giản, dễ bại, nhưng với Lý Thường Kiệt, ông không chỉ đánh giặc bằng võ mà còn làm bại địch bằng văn, không chỉ có “binh nhẫn ký tiếp” mà còn cả “mưu phạt nhi tâm công” mà Nam Quốc Sơn Hà là một mẫu mực của đường lối quân sự này. Về sau, Nguyễn Trãi và Quang Trung kế thừa và đưa lên đỉnh cao thành nghệ thuật quân sự.

Trong cuộc đời của mình, Lý Thường kiệt còn là một bậc hiền tể trị nước. Với vai trò là người phò tá vua nhỏ, Thường Kiệt vừa khôi phục lại những đất đã mất vừa đòi lại những châu động đã bị nhập vào nhà Tống, mặt khác lại lo tu bổ đê điều, đường xá, đình chùa hư hỏng vì chiến tranh. Về hành chính ông cũng tuyển thêm người giúp việc công sở. Chỉ trong vòng 6 năm giữ chức tể tướng trong triều ông ra sức củng cố chính trị, xếp đặt kỷ cương quốc gia, xây dựng những cơ sở quan trọng cho một thể chế phong kiến chính quy từ phát triển kinh tế - xã hội, đến việc học hành thi cử tuyển chọn nhân tài quan lại...

Văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn đã viết về ông như sau: "Thái uý trong thì sáng suốt khoan hoà, ngoài thì nhân từ giản dị. Những việc đổi dời phong tục nào có quản công, làm việc thì siêng năng sai bảo dân thì ôn hậu, cho nên dân được nhờ vậy.... dùng oai vũ để trừ bọn gian, đem minh chính để giải quyết ngục tụng, biết lấy dân no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, tài giỏi mà không khoe khoang, nuôi cả đến người già nơi thôn dã, phép tắc như thể gọi là cái gốc trị nước, cái thuật yêu dân sự đẹp tốt đều ở đấy cả"

Lý Thường Kiệt là hiện thân của văn hoá Thăng Long bắt đầu từ thời đại Lý, Trần, vừa là một nhân tố góp phần tạo nên văn hoá đó. Đó là một bản lĩnh, một cá nhân không bị phong bế, gò trói trong một khuôn khổ hạn hẹp mà lan toả, hưng trưởng trong cái cầu trường văn hoá rất mở rất thoáng là văn hoá Thăng Long.

Theo Thudo. gov

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lý Thường Kiệt - người hiện thân của nền văn hóa Thăng Long

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.