Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lý Sơn-Vững vàng nơi đầu sóng (tiếp theo kỳ trước)

Thành Vinh| 05/05/2015 06:28

(HNM) - Cùng với việc đóng mới đội tàu công suất lớn đủ sức vươn khơi, bám biển dài ngày, người dân Lý Sơn đang đánh thức tiềm năng mọi mặt của hòn đảo nơi đầu sóng với ăm ắp địa chỉ văn hóa để phát triển dịch vụ du lịch...


Hướng đến một đô thị biển

1. Con đường từ An Vĩnh đến An Hải, hai bên là những hàng cây bàng vuông, những cánh đồng hành, ngô xanh ngút ngát. Đứng ở núi Thới Lới - ngọn núi cao nhất đảo, có thể cảm nhận rất nhiều và đập vào mắt là một bức tranh rực rỡ với sức sống mãnh liệt được phác họa trên nền biển xanh. Tạo ra cảnh đẹp đó là mồ hôi, công sức của bao thế hệ người dân nơi đây. 

Tàu thuyền cập cảng cá Lý Sơn.


Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Tài Luân cho biết, để có được những ruộng hành, tỏi đã trở thành thương hiệu nổi tiếng cả nước, người Lý Sơn phải lấy đất cát từ biển vào, rồi nguồn nước ngọt rất thiếu vào mùa khô nên nhiều hộ phải mua từ đất liền ra. Thế nhưng sự tần tảo, miệt mài lao động của người dân nơi đây cũng được đền đáp xứng đáng. Chị Nguyễn Thị Út cho biết, diện tích ruộng không nhiều, khoảng 5 sào, gia đình chị trồng một năm được một vụ hành, một vụ tỏi và xen giữa là một vụ ngô cũng cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng.

Theo báo cáo của huyện Lý Sơn, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện với hai loại cây chủ lực trong năm 2014 đều tăng về cả diện tích và sản lượng. Cây tỏi trồng được 343ha (tăng 40,5ha), năng suất đạt 65,5 tạ/ha (tăng 4,6 tạ/ha); cây hành trồng 467ha (tăng 70ha), năng suất đạt 109,25 tạ/ha (tăng 2,25 tạ/ha). Đặc biệt, dù năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, đồng thời tàu của họ ngăn cản hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân tại các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng sản lượng khai thác thủy sản của toàn huyện vẫn tăng, đạt gần 40.000 tấn, tăng hơn 6% so với năm 2013. Giá trị sản xuất thủy sản đạt gần 277 tỷ đồng, gấp 10 lần giá trị trồng trọt. Hiện ngư dân Lý Sơn có đội tàu lên tới hơn 400 chiếc, tổng công suất hơn 55 nghìn mã lực. Số tàu công suất lớn, có thể vươn khơi bám biển dài ngày đang được bổ sung. Lãnh đạo huyện cũng cho biết, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt việc cho ngư dân vay vốn đóng mới 5 tàu vỏ thép với công suất 500 - 1.900 mã lực và huyện tiếp tục trình tỉnh phê duyệt để có thể đóng mới thêm 15 chiếc tàu, gồm 1 tàu vỏ thép và 14 tàu vỏ gỗ với công suất từ 400 mã lực trở lên. Cùng với phát triển đánh bắt cá xa bờ, người dân đảo tiền tiêu cũng đang tận dụng lợi thế để phát triển chăn nuôi thủy sản, bước đầu đưa vào nuôi tôm hùm và hàu Thái Bình Dương...

2. Có lẽ ấn tượng hơn cả đối với những người đã từng đến Lý Sơn là tốc độ phát triển nhanh của dịch vụ du lịch, đặc biệt là sau khi lưới điện của huyện được nâng cấp và hòa vào lưới điện quốc gia (ngày 28-9-2014). Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Tài Luân nói: Có điện lưới là tiền đề quan trọng để huyện đẩy mạnh phát triển du lịch dịch vụ. Đây sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Trên đảo ken đặc các di tích văn hóa lịch sử với bản sắc văn hóa độc đáo. Đặc biệt, Lý Sơn không những là một hòn đảo tươi đẹp mà còn lưu giữ rất nhiều giá trị truyền thống của người Việt trong việc khai phá, bảo vệ biển đảo. Bản sắc riêng có của Lý Sơn chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách và ngược lại, phát triển du lịch sẽ giúp Lý Sơn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, giúp các thế hệ nhân dân đảo có ý thức gìn giữ những giá trị vật thể và phi vật thể của địa phương, giúp nhân dân yên tâm vươn khơi bám biển... Lượng du khách đến thăm đảo ngày càng tăng, dù vào ngày thường nhưng khách sạn Central Lý Sơn - khách sạn 3 sao đầu tiên của đảo mới đi vào hoạt động cũng không còn phòng trống. Ngay tại cổng Chùa Hang, chúng tôi đã gặp Phạm Thị Thu, nguyên sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Thu vui vẻ cho biết, đã nghe và đọc nhiều về Lý Sơn nên cùng em gái vượt chặng đường dài từ Hà Nội vào để khám phá hòn đảo này. Cảm nhận ban đầu về hòn đảo thật tuyệt, đẹp, thanh bình, người dân nhiệt tình và Thu muốn ở lại lâu hơn dự định.

Qua các con số cũng có thể nhận thấy tốc độ phát triển du lịch dịch vụ khá nhanh của huyện khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2014 đạt hơn 400 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với năm 2013. Đến hết quý I-2015, toàn huyện có 865 hộ kinh doanh dịch vụ, thu hút hơn 1.222 lao động tham gia, tăng 60 hộ kinh doanh và gần 100 lao động so với đầu năm 2014. Có điện ổn định, nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp địa phương đã mạnh dạn đầu tư xây khách sạn, nhà nghỉ nhằm đáp ứng lượng du khách đến đảo ngày càng tăng. Bí thư Đảng ủy xã An Vĩnh Lê Văn Châu cho biết, đã có 10 khách sạn, nhà nghỉ đóng trên địa bàn xã, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Được biết, Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh và một số doanh nghiệp lớn đang có ý định đầu tư phát triển dịch vụ du lịch tại đảo. Lãnh đạo huyện cũng mong muốn sẽ có thêm các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước phát triển cơ sở lưu trú cũng như cơ sở hạ tầng và dịch vụ để thu hút đông đảo du khách đến với huyện đảo.

Tiềm năng phát triển lớn nhưng khó khăn, thách thức đặt ra trước mắt cũng không ít. Trao đổi với chúng tôi, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Trần Văn Minh, Trưởng ban Chỉ đạo phát triển huyện Lý Sơn nói: Để Lý Sơn tiến bước trong thời kỳ mới, huyện cần tư duy mới, hành động mới, huy động sự tham gia của người dân, tập trung phát triển kinh tế biển đồng bộ cả dịch vụ, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản theo chiến lược biển Việt Nam; đồng thời tận dụng tốt những ưu đãi theo Nghị định 67 của Chính phủ, đặc biệt là Quyết định 1995 ngày 4-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách để phát triển huyện đảo. Lý Sơn cũng cần khẩn trương hoàn thành quy hoạch tích hợp phát triển đồng bộ, tranh thủ các nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, xây dựng đảo thành đô thị biển xanh - sạch - đẹp, văn minh, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đặc biệt là xây dựng nếp sống thân thiện, lịch thiệp trong nhân dân, làm tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa...

Rời Lý Sơn vào buổi sáng khi bến cảng đang tấp nập tàu cá trở về sau những ngày vươn khơi và những con tàu vận tải từ đất liền ra chở đầy những vật dụng, hàng hóa, chúng tôi đều thấy sức sống mạnh mẽ của huyện đảo tiền tiêu. Hướng phát triển đã rõ, tin tưởng rằng người dân Lý Sơn sẽ phát huy thế mạnh của mình, xây dựng huyện đảo ngày càng giàu đẹp, gắn phát triển kinh tế với củng cố vững chắc quốc phòng - an ninh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lý Sơn-Vững vàng nơi đầu sóng (tiếp theo kỳ trước)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.