Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lý Sơn nghẹt thở chờ đợi

Đức Trường| 19/10/2010 07:22

(HNM)- Gần 20 ngày nay, mẹ, vợ, các con của 9 ngư dân đi trên tàu cá mang số hiệu QNg 66478 TS do ông Mai Phụng Lưu (người thôn Tây, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn) làm thuyền trưởng vẫn khắc khoải mong đợi người thân về đoàn tụ với gia đình. Nỗi tuyệt vọng mỗi ngày một dâng đầy…


Nỗi tuyệt vọng mỗi ngày một dâng đầy… Rồi chợt vỡ òa niềm vui khi trưa ngày 16-10, họ nhận được tin ông Lưu cùng 8 ngư dân vẫn còn sống và đang trú tạm tại đảo Trụ Cẩu (Hoàng Sa). Nhưng niềm vui chưa trọn, 9 ngư dân vẫn chưa thể về đất liền, trong khi đó "siêu bão" đang xồng xộc lao vào biển Đông. Lại thêm một lần nữa người Lý Sơn phải sống trong đợi chờ, lo lắng đến nghẹt thở.


Sự chờ đợi khắc khoải hằn rõ trong ánh mắt hai người phụ nữ là mẹ, vợ ông Lưu. Ảnh: Đức Trường

Bà Đợi mòn mỏi chờ chồng, con

Chiều 18-10, đi qua những mảnh ruộng tỏi đang chờ xuống giống trắng lóa trong nắng biển, chúng tôi tìm được vào nhà thuyền trưởng Mai Phụng Lưu ở thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn. Gọi cửa mấy lần không thấy ai ra tiếp, chúng tôi đánh bạo bước lên thềm nhà. Người đàn bà đang nằm một mình nhìn ra cửa hỏi "Ai đó?" rồi uể oải ngồi dậy tiếp chuyện. Đó là bà Phạm Thị Đợi (còn gọi là Lan) vợ ông Lưu. Đôi mắt đờ dại chỉ thoáng vui khi biết chúng tôi ở tận Hà Nội vào rồi lại đờ đẫn như cũ.

Đã nhiều đêm bà Đợi thức trắng, đã nhiều bữa bà không nuốt nổi miếng cơm, cứ cầm bát lên là nước mắt lại tuôn trào, bà nghĩ đến ông Lưu, chồng bà cùng hai người con trai là Mai Chí Tâm, Mai Văn Hảo và cậu con rể Bùi Văn Hải đang mắc nạn với chiếc tàu tại Hoàng Sa. Đã bao mùa biển, chưa bao giờ bà phải chờ đợi chồng con lâu đến thế. Tính từ ngày chồng con bà xuất bến đến giờ đã gần hai tháng trời. Nỗi khắc khoải của bà như càng nặng hơn khi hai lần nhận được tin chồng con còn sống mà chưa thể về được vì biển động.

Từ ngày chiếc tàu QNg 66478 TS rời bến, bà Đợi đã sốt ruột. Linh tính của một người đàn bà vốn đã quen chờ chồng đi biển về như mách bảo bà chuyến đi này không an toàn. Chờ đợi hơn một tháng, ngày 11-10, bà Đợi cùng hai cô con gái đang làm thuê ở TP Hồ Chí Minh vui mừng khôn xiết khi nhận được tin ông Lưu và các con vẫn còn sống sau một tháng bị bắt giữ tại Hoàng Sa đã được thả. Bà vui, các con bà vui, mẹ chồng của bà cũng vui. Bà con chòm xóm cũng mừng cho gia đình bà. Cả đảo Lý Sơn cùng vui. Nhưng niềm vui chưa kịp xua đi những mệt mỏi do chờ đợi, bà cùng gia đình lại rơi vào nỗi lo mới. Người và tàu đã được thả nhưng không về bến sau hai ngày theo như lịch trình dự đoán. Bà thức từ đêm 13-10 đến sáng 14-10 bên cầu cảng mà không thấy bóng chồng con. Cả đảo Lý Sơn tìm cách liên lạc bằng mọi cách mà người vẫn bặt vô âm tín. Lúc đó, gia đình bà lại rơi vào vô vọng.

Rồi đến trưa 16-10, gia đình bà Đợi lại mừng mừng tủi tủi khi ông Lưu điện thoại về cho cô con gái Phạm Thị Bích Huệ, báo là ông và 8 ngư dân vẫn an toàn ở trên đảo Trụ Cẩu. Bà Lan kể, con gái bà ngay sau khi nhận được điện thoại của bố đã gọi ngay cho bà. Ông Lưu kể rằng, sau khi được Trung Quốc thả về, tàu chạy được gần 10 hải lý thì bị hỏng máy, lênh đênh trên biển mấy ngày trong đói khát lại được tàu Trung Quốc lai dắt về đảo Trụ Cẩu. Ở đó, ông Lưu đã mượn máy điện thoại của thuyền viên Trung Quốc gọi về cho con gái.

Và đến giờ, bà Đợi cùng nhiều hộ dân trên đảo Lý Sơn ngày ngày vẫn đỏ mắt ngóng ra biển, thấp thỏm với từng con sóng, mong ngóng chồng, con sớm trở về được nhà.

"Thà tôi chết để con và cháu được sống"


Đó là lời bà Phan Thị Lên, mẹ anh Lưu. Bà Lên sinh được 6 người con trai, mất một và một người con gái. Chuyến đi này các con, cháu bà đang ở trên biển. Từ bữa bặt tin anh Lưu và mấy đứa cháu, bà Lên khóc sưng cả hai con mắt. Bà già gần 70 tuổi bảo, nếu con và cháu bà không về, bà chỉ muốn chết vì chết còn sướng hơn. Từ khi biết tin con và cháu còn sống, bà Lên mừng lắm! Nhưng bà vẫn lo. Ngày nào bà cũng thắp hương khấn Phật cầu trời để con cháu bà sớm về.

Quay lại câu chuyện với bà Đợi, ngồi trong căn nhà khá khang trang xây từ năm 2004 bằng tiền tích góp của vợ chồng sau bao chuyến đi biển, bà Đợi xót xa: "Tôi thà sống trong túp lều ngày xưa mà chồng con tôi được yên ổn còn hơn là phải ngồi trong ngôi nhà to mà chỉ toàn gió với mình tôi như thế này".

Đã có lúc ông ở nhà hơn một năm trời nhưng phần vì "máu" đi biển, phần vì mọi người thấy ông đi biển có nghề nên hùn vốn giúp ông đóng tàu để ra khơi. Dù bà Đợi có ngăn cản đến mấy, ông Lưu vẫn khăng khăng đi. Bà Đợi phàn nàn, hồi năm 2009, khi ông Lưu làm lại tàu, bà bảo nghề ghe cực quá nhưng chồng bà vẫn cố đi. Mà đi về rồi chia nhau cũng không được là bao.

Giờ đây, trong những ngày chồng con còn chưa về, ở nhà, bà Đợi chỉ trông vào ruộng tỏi, làm mướn cho hàng xóm để kiếm đồng ra đồng vào. Chỉ vào ruộng sả đang lên um tùm quanh nhà, bà bảo mấy cây sả này là cấy nhờ trên đất hàng xóm đang để trống chờ làm nhà. "Nếu không có mấy cây sả này thì không biết trông vào đâu", bà Đợi nói. Mỗi cân sả bán được 5 nghìn đồng, mỗi lần ra chợ bán bà cũng được hơn trăm nghìn đồng mua thức ăn. Mấy bữa nay ăn không vào nên bà chỉ nấu cơm ăn với bát canh mồng tơi hái ngay hàng rào bên nhà.

Đáng nhẽ chuyến đi này phải có 12 người, nhưng 3 người không nhận được tiền trước khi lên tàu nên đã rút. Tiền trong nhà không có để trả cho họ. Cậu con rể thấy bố mẹ vợ khó khăn nên đã ráng đi giúp bố không ngờ lại gặp rủi. Trong khi đó, vợ anh đang mang bầu tháng thứ hai. Chị Bích Huệ đã khóc ngất lên ngất xuống khi biết bố cùng chồng và hai em trai bị bắt. Đã có lúc Huệ thốt lên: "Mẹ ơi. Con điên mất rồi!".

Sẽ tìm mọi cách đưa 9 ngư dân trở về an toàn

Những ngày này, trong khi cả nước đang hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt còn gồng mình chịu đựng đợt lũ kép lịch sử tệ hại nhất trong vòng 100 năm qua, nhân dân khắp nơi vẫn không ngừng lo lắng cho số phận của 9 ngư dân Lý Sơn đang mắc kẹt tại Hoàng Sa. Chính phủ vào cuộc. Bộ Ngoại giao vào cuộc. UBND tỉnh Quảng Ngãi cùng huyện đảo Lý Sơn không lúc nào dừng mong ngóng 9 ngư dân của mình. Ông Trần Ngọc Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, trong những ngày này, huyện tích cực chỉ đạo các phòng, ban chức năng tìm mọi cách liên lạc với tàu của ông Mai Phụng Lưu. Đồng thời, huyện đã báo cáo với UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ để đề nghị Bộ Ngoại giao tìm cách yêu cầu phía Trung Quốc bảo đảm lương thực, thuốc men cho 9 ngư dân.

Thời gian qua, UBND huyện Lý Sơn liên tục cử cán bộ đến thăm hỏi, động viên gia đình ông Lưu. Đồng thời, liên tục liên lạc với gia đình và cộng đồng ngư dân để nắm thêm tình hình của 9 ngư dân. Huyện cũng đã chuẩn bị mọi điều kiện để đón họ về với gia đình. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đang xem xét mức hỗ trợ nhằm giúp 9 ngư dân ngay sau khi trở về đến đất liền để họ sớm vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống.

Vừa ký duyệt phương án phòng chống cơn bão số 6 để báo cáo với UBND tỉnh, ông Nguyên vừa ngần ngại nói, "siêu bão" vào thế này thì không biết bao giờ họ mới về được. "Có lẽ phải chờ biển êm sau cơn bão thì mới có phương án lai dắt tàu QNg 66478 TS về Lý Sơn được", ông Nguyên dự đoán.

Cho đến ngày hôm nay, Sở Ngoại vụ vẫn chưa thể xác định lịch trình đưa tàu về. Mẹ, vợ và các con, nhân dân đảo Lý Sơn, nhân dân Quảng Ngãi cùng đồng bào cả nước vẫn ngày đêm mong ngóng họ.

Đêm xuống. Vầng trăng quầng thâm như mắt những người mẹ, người vợ, người con chờ 9 ngư dân trở về hắt ánh sáng mờ mờ xuống đảo Lý Sơn như thể để báo hiệu những ngày mưa to, gió lớn do cơn bão Megi sắp đổ vào. 9 ngư dân vẫn chưa biết chính xác ngày nào về. Nhưng đất liền đang làm hết sức để sớm đón những người con trở về đoàn tụ với gia đình.

9 ngư dân bị phía Trung Quốc bắt ngày 11-9
1. Mai Phụng Lưu (1970), ở thôn Tây, xã An Hải - đảo Lý Sơn
2. Mai Chí Tâm (1992), ở thôn Tây, xã An Hải - Lý Sơn
3. Mai Văn Hảo (1993), thôn Tây, xã An Hải - Lý Sơn
4. Nguyễn Đảng (1947), thôn Đông, xã An Hải - Lý Sơn
5. Bùi Văn Minh (1983), thôn Tây - An Hải - Lý Sơn
6. Dương Văn Dũng (1984), thôn Đông, xã An Vĩnh - Lý Sơn
7. Trần Văn Đạo (1992), thôn Đông, xã An Vĩnh - Lý Sơn
8. Trần Văn Đủ (1993), thôn Tây, xã An Hải - Lý Sơn
9. Bùi Văn Hải (1992), thôn Tây, xã An Vĩnh - Lý Sơn.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lý Sơn nghẹt thở chờ đợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.