Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Lý luận Kịch”: Một công trình nghiên cứu giá trị

Trần Thành| 18/07/2010 08:05

(HNM) - Lý luận kịch (kịch nói, kịch thơ, kịch hát dân tộc) không chỉ là nền tảng cho các nhà nghiên cứu kịch - tác phẩm văn học, mà còn giúp các nhà hoạt động sân khấu hiểu các đặc trưng thể loại, ngôn ngữ, hành động...


Từ lâu, lý luận kịch được không ít các nhà nghiên cứu văn học trong nước quan tâm và dành thời gian, trí tuệ cho vấn đề này. Song nghiên cứu về kịch đòi hỏi phải có phông văn hóa, biết ngoại ngữ để có thể tham khảo các tài liệu nước ngoài và cuối cùng là lòng đam mê bởi kịch nói, kịch thơ, kịch hát - ngoài tính văn học còn chứa đựng trong tác phẩm các thuộc tính khác. Chính vì thế các bài viết được công bố vẫn chỉ dừng lại ở các nghiên cứu lẻ chưa tập hợp thành một công trình. Từ khi công tác tại Viện Văn học, PGS Tất Thắng đã nghiên cứu kịch. Không chỉ mổ xẻ kịch nói, kịch thơ, mà ông còn dành nhiều công sức nghiên cứu kịch hát dân tộc (tuồng, chèo, cải lương...).

Chuyển về công tác tại Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, ông vẫn tiếp tục công việc vất vả và khó khăn này. Nhờ tham gia vào các hoạt động sân khấu từ Bắc đến Nam, ông đã tích lũy được kiến thức về sân khấu, điều này giúp công việc nghiên cứu của ông thuận lợi hơn, đồng thời có giá trị hơn. Công trình "Lý luận kịch" dày hơn 600 trang được chia làm hai phần. Phần I: "Kịch - một thể loại văn học" bao gồm 5 chương với các kiến thức vừa cơ bản vừa sâu về kịch - một thể loại văn học; kịch viết cho sân khấu; tính hành động; tính xung đột... Phần II gồm 4 chương bao gồm: bi kịch, hài kịch, chính kịch và nhận diện cùng các yếu tố thi pháp cốt tử.

Trong phần II còn có hẳn 2 chương về Vấn đề kịch chủng trong kịch Việt Nam và Các kịch chủng các kịch hát truyền thống. Ở các phần nghiên cứu về kịch hát truyền thống, ông đã có những so sánh, đối chiếu với kịch phương Tây để tìm ra cái hay, cái độc đáo của bộ môn này. Ông dành nhiều thời gian, chất xám cho tuồng và chèo, hai thể loại ra đời lâu nhất và có giai đoạn phát triển rực rỡ, song ông cũng không bỏ qua các thể loại mới ra đời như Hát dặm Nghệ Tĩnh, Dù kê Nam bộ.

Có thể nói "Lý luận kịch" của PGS Tất Thắng không chỉ là cuốn cẩm nang cho những ai muốn hiểu về kịch, mà còn cho giới nghiên cứu sân khấu. Và hiểu "Lý luận kịch" cũng sẽ giúp cho việc bảo tồn và phát triển sân khấu nước nhà vốn đang gặp khó khăn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Lý luận Kịch”: Một công trình nghiên cứu giá trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.