(HNM) - Ông Nguyễn Viết Tuynh là thành viên tích cực của Đội Tuồng xã An Khánh, từng đoạt Huy chương Bạc tại Hội diễn Sân khấu tuồng toàn quốc năm 2006 tổ chức tại thành phố biển Nha Trang, với vai già làng trong vở
Ông Thuấn cùng con cháu về thăm quê sau 42 năm xa cách. |
Trong nhà ông dán nhiều giấy công nhận "Gia đình văn hóa". Anh em ông sống rất có tình, có nghĩa, giữ được nền nếp gia phong. Ngày nhận giấy báo tin Nguyễn Viết Thuấn hy sinh, cả nhà chìm trong nước mắt, không khí hết sức nặng nề. Chính quyền địa phương và xóm giềng đã thực hiện đầy đủ chính sách người có công, chia sẻ với gia đình cụ Điểu. Tâm nguyện của hai cụ là một ngày nào đó tìm được mộ, đưa con về quê. Anh em ông Tuynh thấu hiểu nguyện vọng của cha mẹ nhưng ngặt vì nhà nghèo, không đủ thông tin, khi ấy Nhà nước cũng chưa có chủ trương cho đưa hài cốt liệt sĩ về quê nên đành ngậm ngùi vô vọng. Đau đáu chờ con, cụ bà qua đời năm 1987, đến năm 2000, cụ ông cũng quy tiên, những mong đoàn tụ cùng con nơi chín suối.
Theo thời gian, làng quê An Khánh từ chỗ là "vùng sâu vùng xa" trở nên khá giả. Đường cao tốc Láng - Hòa Lạc chạy qua làng, Công viên Thiên đường Bảo Sơn, Khu đô thị Nam An Khánh… đem lại bộ mặt mới cho làng quê nghèo. Anh em nhà Nguyễn Viết cũng mở mày mở mặt một phần nhờ dự án, có nhà ngói sân gạch, con cháu thoát khỏi nghề nông, thu nhập ổn định. Nỗi niềm đau đáu tìm hài cốt người anh liệt sĩ đưa về quê, thực hiện lời cha mẹ dặn lại lúc lâm chung với ông Tuynh đến lúc có điều kiện thực hiện.
Cuối những năm 2000, phong trào tìm mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm nở rộ, nhiều gia đình đã tìm được hài cốt người thân đưa về yên nghỉ ở quê nhà. Anh em ông Tuynh bàn nhau, được giới thiệu đến gặp nhà ngoại cảm N. Đ. P. ở phố Thụy Khuê (Hà Nội) nhờ giúp đỡ. Sau khi tìm hiểu thông tin ngày sinh tháng đẻ, quê quán, thời gian nhập ngũ, địa bàn hoạt động, nhà ngoại cảm đưa cho anh em ông Tuynh sơ đồ Nghĩa trang Liệt sĩ Di Xá, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước. Sơ đồ vẽ chi tiết, đánh dấu đỏ ngôi mộ của liệt sĩ Nguyễn Viết Thuấn.
Ông Tuynh kể, ngày 20-6 âm lịch năm 2008, sau khi nhận được sơ đồ của nhà ngoại cảm, làm lễ khấn xin tổ tiên, cha mẹ và vong linh người anh liệt sĩ phù hộ, ông Tuynh và người em út là Nhật và một người bạn nhập ngũ cùng ngày với ông Thuấn ra ga Hà Nội, lên tàu Thống Nhất vào Nam. Họ tìm đến Nghĩa trang Liệt sĩ Di Xá. Bà quản trang cho biết, người nằm dưới ngôi mộ hàng dọc số 9, hàng ngang số 7 là anh bộ đội người miền Bắc. Ngôi mộ ghi liệt sĩ chưa xác định tên. Tin tưởng ở chỉ dẫn của nhà ngoại cảm, mừng mừng tủi tủi, họ xin phép chính quyền địa phương cho đưa hài cốt về quê. Mấy anh em làm đầy đủ thủ tục tâm linh, thắp hương cho người dưới mộ, xin phép chào đồng đội của anh để ra về. Trên chuyến tàu đêm ấy, cả ba không ngủ. Họ ôm chiếc túi du lịch chứa hài cốt, thầm khấn anh phù hộ cho chuyến đi suôn sẻ. Chính quyền xã An Khánh tổ chức trọng thể lễ đón nhận hài cốt người con của quê hương đã hy sinh vì độc lập - tự do của Tổ quốc. Hài cốt được đặt trong ngôi mộ có tấm bia ghi tên liệt sĩ Nguyễn Viết Thuấn trong khu nghĩa trang vừa khánh thành. Từ đó, anh em ông Tuynh và cả chi họ Nguyễn Viết sống trong niềm thanh thản đã làm tròn bổn phận với người đã khuất. Họ cho mình còn may mắn hơn bao gia đình khác chưa tìm được hài cốt người thân.
Rồi đầu tháng 5-2013 thì có thông tin ông Thuấn còn sống.
Có người thợ hồ tên là Đinh Văn Toán, quê ở Nam Định, làm thuê tại Mai Động, Hà Nội. Tháng 5 vừa rồi, anh Toán vào thăm người em gái lấy chồng ở thị trấn An Phú (Châu Đốc, An Giang). Trong bữa rượu mừng gặp mặt, anh Toán được gia đình người em rể cho biết láng giềng có anh bộ đội người Bắc, lâu lắm không thấy về quê, cũng không thấy liên lạc với bà con ruột thịt. Anh Toán ngỏ ý muốn gặp, ông già thông gia cho người mời ông Thuấn sang chơi. Trò chuyện hồi lâu, ông Thuấn cho biết mình quê ở An Khánh, Hoài Đức, Hà Tây. Ông Thuấn nói tên cha mẹ, bác ruột, em Tuynh…, nhờ Toán liên hệ hộ, lại dặn mình nghèo, nếu các em vào đón phải cho tiền vé. Anh Toán ghi chép đầy đủ lời ông Thuấn. Trở về Hà Nội, anh Toán liên lạc với Công an Hoài Đức, kể rõ tình đầu, nhờ xác minh. Huyện cho Toán số máy của xã. Gọi nhiều lần, lần nào Toán cũng bị mắng là dở hơi, người ta hy sinh bao nhiêu năm, có giấy báo tử hẳn hoi, lại tìm được cả hài cốt đưa về. Có lần vừa nhắc đến chuyện, Toán đã bị cúp máy, không nghe. Năm lần bảy lượt, cuối cùng Toán xin được số máy của trưởng thôn rồi liên lạc được với ông Tuynh, cho số điện thoại, số chứng minh thư… Ngày 15-4 âm lịch, nghe thông tin Toán kể, ngay tối 16 ông Tuynh cùng hai em Huỳnh, Thanh (tức Nhật) và người anh con ông bác trưởng họ là Nguyễn Viết Tăng cùng Đinh Văn Toán bay thẳng vào TP Hồ Chí Minh rồi thuê taxi về An Giang. Khỏi nói họ hồi hộp thế nào. Khoảng 7 giờ sáng, xe về đến An Phú. Theo kịch bản đã thống nhất từ trước, họ đi taxi quá cửa nhà ông Thuấn khoảng 100m thì dừng, xuống đi bộ. Qua nhà ông Thuấn, thấy bà chị dâu đang bán bún, nhìn vào không thấy anh, cả đoàn sang nhà bà cụ hàng xóm kề bên, thấy có người đàn ông nhỏ bé, quần đùi, áo may ô đang ngồi chơi. Ông Tuynh nhận ra ngay đó là anh mình. Thấy có người nói giọng Bắc vào, ông Thuấn hỏi: "Các anh ngoài Bắc vô có việc chi", ông Tuynh trả lời vào Châu Đốc có chút việc. Thuấn mời mấy anh em ngồi ghế rồi nhìn Tuynh chằm chằm, ông Tuynh gai hết cả người, gợi chuyện: "Nghe nói ở đây có anh người Bắc quê ở An Khánh…", Thuấn trả lời: "Tôi đây, mời các anh qua nhà chơi". Về đến nhà, Thuấn kể tên cha mẹ, em Tuynh, tên làng xóm, tả lại quang cảnh làng quê, sân kho hợp tác, ruộng trồng, cây dấp nuôi lợn, đường về chùa Tổng… Ông Tuynh khóc nấc, em là thằng Tuynh đây anh Thuấn ơi, rồi anh em ôm nhau khóc. Bà Nhanh bán nốt chỗ bún, rồi mới vào nhận anh em chồng. Hàn huyên một ngày một đêm, bà con An Phú kéo đến chia vui, ai cũng mừng tủi chứng kiến cảnh đoàn viên. Tối 18, ông Thuấn và đứa con gái, vợ chồng thằng Sang và đứa cháu nội theo các em ra sân bay Tân Sơn Nhất về quê. Rạng sáng ngày 19, cả đoàn về đến nhà trong niềm xúc động của cả họ và dân làng An Thọ. Câu chuyện người liệt sĩ trở về sau 42 năm biệt tăm tích trở thành chuyện thời sự nóng hổi vượt ra khỏi lũy tre làng An Khánh. Đón anh về được mấy hôm, ông Tuynh gọi điện cho nhà ngoại cảm, nhưng không ai thưa máy.
Vì sao lại có giấy báo tử khi ông Thuấn còn sống, còn phục vụ đến ngày ra quân với đầy đủ thủ tục? Vì sao ông Thuấn không về quê ngay, phải chăng do quá nghèo khổ hay còn những uẩn khúc nào khác? Sau những ngày mừng vui đoàn tụ là những lo toan thực tế. Tôi hỏi ông Thuấn có định về hẳn quê không, ông bảo từ từ rồi tính. Hai người em, ông Tuynh, ông Huỳnh đều mong anh thu xếp về quê, còn hương hỏa, cúng giỗ, nhưng anh về rồi thì ở đâu lại là chuyện đang bàn. Chính quyền xã đã thăm hỏi chia vui nhưng chưa có ý kiến gì. Đất dãn dân có còn không, nếu ông Thuấn và gia đình trở về sinh sống những ngày cuối đời trên quê cha đất tổ? Hài cốt người liệt sĩ dưới nấm mộ mang tên ông Thuấn bao giờ tìm được người thân?…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.