Nút “Dislike” (Không thích) là một trong những tính năng được rất nhiều người dùng Facebook mong muốn xuất hiện trên mạng xã hội này, tuy nhiên Facebook vẫn “phớt lờ” mong muốn này của người dùng? Vậy nguyên nhân thực sự của điều này là gì?
Nếu nút bấm “Like” (Thích) từ lâu đã được xem là một biểu tượng đặc trưng của mạng xã hội Facebook, thì nút bấm “Dislike” (Không thích) lại là tính năng được nhiều người mong muốn nhất xuất hiện trên Facebook.
Hàng triệu người đã từng gửi các kiến nghị lên Facebook với mong muốn mạng xã hội này trang bị thêm tính năng “Dislike” để người dùng có thể phản ánh được chính xác những gì họ đọc được trên Facebook, thay vì chỉ có thể nhấn “Like” để thích các nội dung đó. Tuy nhiên, dường như Facebook vẫn đang phớt lờ điều này và vẫn không trang bị nút “Dislike” cho mạng xã hội của mình.
Nguyên nhân cho điều này mới đây đã được giải thích bởi chính người đã phát minh ra nút “Like” trên Facebook, Bret Taylor.
Facebook lo ngại nút “Dislike” có thể mang đến những mối quan hệ không tốt đẹp giữa nhiều người |
Trả lời phỏng vấn trang công nghệ Tech Radar, Bret Taylor, cựu Giám đốc công nghệ của Facebook và cũng là “cha đẻ” của nút “Like” quen thuộc trên Facebook cho biết việc ra đời nút “Dislike” có thể dẫn đến những “hậu quả đáng tiếc” trên Facebook.
Theo Taylor, tại Facebook đã có nhiều tranh cãi trong quá trình tạo ra nút bấm “Like” về việc có trang bị thêm nút bấm “Dislike” để người dùng có thể phản ánh toàn diện hơn về những nội dung trên Facebook hay không, và cuối cùng mạng xã hội này đã quyết định nút “Dislike” không phù hợp để xuất hiện.
“Lý do chúng tôi mang nút “Like” đến Facebook bởi lẽ nhiều người muốn thừa nhận một điều gì mà ai đó đã làm, nhưng không muốn nói ra hoặc không biết nói gì. Và thay vì những bình luận hưởng ứng như ‘tuyệt quá’ hoặc ‘wow’, chúng tôi mang đến nút “Like” để mọi người có thể thay lời nói chỉ bằng một cú kích chuột”, Bret Taylor chia sẻ.
Trong khi đó, Taylor cho biết nút bấm “Dislike” sẽ không thể hiện được nhiều quan điểm như nút “Like” và chỉ khuyến khích những mối quan hệ không tốt giữa những người dùng với nhau.
“Tôi có cảm giác rằng nếu có thêm nút bấm “Dislike” sẽ dẫn đến những tiêu cực và mối quan hệ xã hội không tốt đẹp”, Taylor giải thích. “Nếu bạn không thích điều gì chia sẻ trên Facebook, đơn giản hãy viết ra bình luận, bởi vì đó là những gì mà bạn muốn nói. Dù sao nút “Like” cũng không mang lại những cảm xúc tiêu cực và phức tạp như nút “Dislike” có thể mang lại”.
“Nếu bạn không thể nói điều gì tốt đẹp, tốt hơn là không nói gì cả”, Taylor chia sẻ thêm.
Bret Taylor, “cha đẻ” của nút bấm “Like” trên Facebook |
Bên cạnh đó, Taylor cũng thẳng thắn thừa nhận rằng nút “Dislike” sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho Facebook giống như nút “Like”, bởi lẽ Facebook có thể dựa vào những nội dung mà người dùng nhấn “Like” để từ đó biết được người dùng thích gì và đưa ra những nội dung quảng cáo phù hợp hơn với họ.
Rõ ràng với mục đích là một mạng xã hội kết nối mọi người, nhiệm vụ của Facebook là giúp cho mối quan hệ giữa mọi người trở nên tốt đẹp hơn, thay vì làm cho họ trở nên hiềm khích và rời xa nhau. Đó cũng có thể là một lý do khiến nút “Dislike” không được ra đời.
Bret Taylor (35 tuổi) là một lập trình viên người Mỹ. Ngoài vai trò “cha đẻ” của nút “Like” quen thuộc trên Facebook, Taylor cũng là “cha đẻ” của bản đồ Google Maps, trước khi rời khỏi Google vào năm 2007. Sau khi rời khỏi Google, Bret Taylor một vài đồng nghiệp cũ tại Google đã cùng nhau tạo nên mạng xã hội FriendFeed và làm CEO tại đây đến tháng 8/2009, khi công ty được mua lại bởi Facebook với giá 50 triệu USD. Sau khi sáp nhập với Facebook, Taylor được ngồi vào chiếc ghế Giám đốc công nghệ của Facebook. Tại đây, chính Taylor là người đưa ra ý tưởng về nút “Like” trên Facebook. Nút “Like” được xuất hiện lần đầu tiên trên Facebook vào tháng 8/2009. Taylor sau đó rời khởi Facebook vào mùa hè năm 2012 và thành lập ứng dụng Quip. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.