Lối sống, sinh hoạt kém lành mạnh cộng với áp lực công việc, cuộc sống khiến ngày càng có nhiều thanh niên chỉ mới 20-30 tuổi đã mắc các bệnh của người già như: Tiểu đường, ung thư, đột quỵ, cao huyết áp, tim mạch…
Trước đây, bệnh tiểu đường type 2 được mô tả là bệnh tiểu đường khởi phát ở người lớn tuổi. Thế nhưng, những năm gần đây, căn bệnh này cũng dần xuất hiện ở nhiều người trẻ.
Một nữ bệnh nhân sinh năm 1986 cân nặng 68,5kg, cao 1m60 vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán đái tháo đường type 2, gan nhiễm mỡ. Từ ca bệnh này, Thạc sĩ - bác sĩ Đặng Bích Ngọc, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đái tháo đường type 2 và béo phì có mối liên quan chặt chẽ. Nếu người bệnh không kiểm soát tốt cân nặng để giảm đường huyết, huyết áp, mỡ máu sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng và tử vong.
Nhiều chuyên gia y tế cũng cho rằng, cuộc sống bận rộn khiến nhiều gia đình ưa chuộng những đồ ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ, chất bảo quản, các loại thức uống có lượng calo cao cùng thói quen sống không khoa học, lười vận động đang làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường type 2 ở cả trẻ em. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Nếu lượng đường trong máu ở mức cao trong một thời gian dài, các mô và cơ quan trong cơ thể có thể bị tổn thương nghiêm trọng và phải đối mặt với một số biến chứng nguy hiểm...
Cùng với tiểu đường, trước đây, đột quỵ là căn bệnh thường gặp ở những người trên 65 tuổi. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, căn bệnh này đang có xu hướng “trẻ hóa”. Theo thống kê của Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, có đến 10% người bị đột quỵ thuộc độ tuổi 18-35. Điều đáng nói là tỷ lệ đột quỵ gia tăng ở giới trẻ là do lối sống không lành mạnh như tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, ít tập thể dục, hút thuốc, uống rượu bia...
Bên cạnh đó, độ tuổi mắc các bệnh ung thư về đường tiêu hóa cũng ngày càng “trẻ hóa”. Bác sĩ Lê Văn Khoa, chuyên gia Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Medlatec) cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân còn rất trẻ, chỉ mới hơn 23, 24 tuổi đã mắc các bệnh ung thư dạ dày, ung thư trực tràng. Nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp từ việc sử dụng rượu, bia, thuốc lá trong thời gian dài. Ngoài ra, với chế độ ăn uống không hợp lý, thường xuyên sử dụng đồ ăn nướng, hun khói, chiên rán, ăn ít rau xanh và lười vận động là nguy cơ lớn gây bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, sự gia tăng của nhiều bệnh lý nguy hiểm ở người trẻ hầu hết là do hình thành từ những thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Tuy nhiên, phần lớn mọi người đều chủ quan với những căn bệnh này bởi chúng thường diễn biến âm thầm, không gây đau đớn. Khi có biểu hiện rõ rệt thì bệnh đã diễn biến nặng và khó có thể cứu chữa.
Để ngăn ngừa và giảm thiểu nguy cơ mắc những căn bệnh nguy hiểm, các chuyên gia đưa ra lời khuyên, mỗi bạn trẻ nên xây dựng và duy trì lối sống khoa học, rèn luyện những thói quen tốt như tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh, hạn chế rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích... Cùng với đó, nên duy trì thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ hằng ngày. Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ. Đặc biệt, kiểm tra sức khỏe thường xuyên chính là cách nhanh nhất giúp phòng chống và phát hiện kịp thời những bất thường của cơ thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.