Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luxembourg: Chao đảo vì bê bối nghe lén

Phương Quỳnh| 13/07/2013 07:01

(HNM) - Luxembourg vừa phải trải qua một cơn chấn động trên chính trường sau khi vị Thủ tướng cầm quyền suốt gần hai thập kỷ buộc phải từ chức vì bê bối nghe lén của cơ quan mật vụ nước này.

Quyết định được đưa ra sau khi đảng Xã hội, một thành viên trong liên minh cầm quyền, kêu gọi giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm vì những áp lực không mong muốn của vụ bê bối chính trị hiếm thấy ở Luxembourg trong nhiều năm qua.

Thủ tướng J.Juncker



Trước đó, Quốc hội nước này đã điều tra báo cáo khẳng định Sở Mật vụ SREL, do thủ tướng trực tiếp kiểm soát, đã thực hiện hàng loạt sai phạm trong giai đoạn 2003-2009, như nghe lén điện thoại, tham nhũng... Kết quả điều tra cho thấy, cơ quan mật vụ Luxembourg lập hồ sơ theo dõi 13.000 cá nhân và doanh nghiệp, nghe lén bất hợp pháp các doanh nhân, thực hiện một chiến dịch tình báo giúp một tỷ phú Nga trả 10 triệu USD cho một gián điệp Tây Ban Nha. Báo cáo cho rằng Thủ tướng J.Juncker, với tư cách là người giám sát SREL, đã không quản lý hiệu quả cơ quan này và cũng không thông báo cho Quốc hội về các sai phạm của SREL.

Trước sức ép của dư luận, Thủ tướng J.Juncker đã triệu tập cuộc họp nội các và gặp Đại công tước Henri để đề xuất kế hoạch tổ chức bầu cử dự kiến vào ngày 20-10 tới, tức là sớm 7 tháng so với thời hạn. Tuy nhiên, để tránh xảy ra khoảng trống quyền lực, Quốc hội vẫn sẽ hoạt động cho đến ngày 8-10 và nội các Luxembourg vẫn họp theo định kỳ hằng tuần.

Các nhà quan sát nhận định, nhiều khả năng đảng Nhân dân Xã hội Thiên chúa giáo sẽ tiếp tục tín nhiệm đề cử Thủ tướng J.Juncker là ứng viên trong cuộc bầu cử sắp tới. Vì ngay sau khi ông tuyên bố từ chức, nhiều thành viên của đảng này vẫn thể hiện sự ủng hộ với Thủ tướng. Trên thực tế, vào thời điểm hiện nay, ít có đối thủ nào được cho là "ngang sức, ngang tài", đủ để cạnh tranh với Thủ tướng vừa từ nhiệm J.Juncker. Mặc dù mới 58 tuổi, nhưng nhà lãnh đạo này đã có tới 30 năm đảm nhiệm các vị trí trong Chính phủ, trong đó 18 năm liên tục đứng đầu nội các. Không chỉ là Thủ tướng tại chức lâu nhất ở Châu Âu, ông J.Juncker cũng mới vừa chấm dứt nhiệm kỳ 8 năm làm Chủ tịch nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).

Sự lựa chọn thứ hai của đảng Nhân dân Xã hội Thiên chúa giáo có thể là bà Viviane Reding - một ủy viên của Ủy ban Châu Âu (EC) trong suốt 15 năm qua. Tuy nhiên, nữ chính trị gia này đã tỏ ý ủng hộ ông J.Juncker trở lại chính trường và không có ý định từ bỏ công việc tại Brussels.

Với dân số chỉ nửa triệu người sống trên mảnh đất màu mỡ nằm giữa Bỉ, Đức và Pháp, quốc gia Tây Âu này là một trong những đất nước yên bình và giàu có nhất Cựu lục địa cũng như hội tụ đủ mọi điều kiện để trở thành trung tâm tài chính của khu vực. Trong "kỷ nguyên Juncker", sức mạnh về kinh tế của quốc gia có diện tích hơn 2,5 nghìn ki lô mét vuông này liên tục được khẳng định. Các con số thống kê cho thấy, hệ thống ngân hàng Luxembourg có quy mô lên tới 44 tỷ USD, gấp 22 lần sản lượng kinh tế hằng năm. Điều này giúp Luxembourg trở thành quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Châu Âu. Luxembourg cũng là trung tâm hội tụ lớn thứ hai thế giới của các quỹ đầu tư (khoảng 3.800 quỹ) với trị giá trên 3,2 nghìn tỷ USD - gấp 55 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này.

Trong bối cảnh vụ nghe lén xuyên lục địa mang tên Snowden đang làm rung động nhiều chính trường Âu - Mỹ, sự kiện Thủ tướng J.Juncker từ chức dù không mấy ảnh hưởng tới sự ổn định về tài chính và an ninh của Luxembourg nhưng cũng đủ cảnh báo về sự đổ vỡ có thể không chỉ tại một quốc gia từ các hoạt động tình báo nghe lén. Khả năng nhà lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm chính trường của Luxembourg tái đắc cử trong cuộc đua sắp tới cũng không phải là quá bất ngờ. Nhưng vụ bê bối nghe lén sẽ là một điểm trừ đáng tiếc trong sự nghiệp chính trị của Thủ tướng J.Juncker.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luxembourg: Chao đảo vì bê bối nghe lén

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.