Ban đầu chị Anh cho bé dùng núm cao su, có mùi khó chịu nên bé không chịu dùng. Đổi qua núm silicon đầu tròn, dùng được một thời gian bé không chịu bú nữa. Cuối cùng mẹ phải thay đến núm đầu dẹp thì bé mới bú tốt.
Cũng như chị Anh, nhiều bà mẹ băn khoăn trong việc chọn bình bú cho bé để đảm bảo sự an toàn, tiện lợi. Hiện nay tại các cửa hàng sản phẩm cho bé, có nhiều loại bình bú và núm vú với kiểu dáng, chất lượng, dung tích, chất liệu khác nhau. Không ít mẹ bị “rối” và không biết phải chọn loại nào tốt nhất cho con. Có mẹ do chọn bình sữa không phù hợp khiến cho việc mọc răng, lợi của bé bị ảnh hưởng xấu.
Chọn được bình sữa tốt nhất cho con là băn khoăn của không ít bà mẹ
Theo các bác sĩ dinh dưỡng, sử dụng bình bú cho trẻ dễ ảnh hưởng không tốt đến việc nuôi con bằng sữa mẹ. Trong trường hợp phải dùng sữa ngoài, khi cho bé uống sữa, mẹ nên pha trong ly rồi bón bằng thìa cho bé uống. Nhãn mác bao bì của một số bình bú bán trên thị trường cũng đồng thời ghi một số câu khuyến cáo như “việc sử dụng bình bú có thể làm trẻ từ bỏ bú mẹ và có nguy cơ bị tiêu chảy”, “việc sử dụng núm vú giả gây ảnh hưởng không tốt tới việc nuôi trẻ bằng sữa mẹ”.
Thực tế, không phải bà mẹ nào cũng có đủ lượng sữa cho con bú trong những tháng đầu tiên. Hơn nữa, mẹ phải trở lại với công việc sau thời gian 4 tháng nghỉ sinh hay lúc bé phải cai sữa mẹ thì việc cho bé bú bình là không thể tránh khỏi. Do đó, mỗi bà mẹ cần phải trang bị cho mình một số kiến thức khi chọn bình sữa cho bé.
Theo chủ một cửa hàng các sản phẩm dành cho trẻ em tại quận 2, TP HCM, bình bú tốt phải phù hợp với độ tuổi, sở thích của từng bé, tạo cho bé cảm giác giống như đang bú mẹ, không ảnh hưởng đến sự phát triển của cấu trúc vòm miệng, sự phát triển của răng và lợi trẻ.
"Bình sữa tốt có lỗ thông sữa phù hợp, lượng sữa đưa vào miệng bé vừa phải để cơ thể bé có thể hấp thu tốt. Việc đo lường sữa cho bé rất quan trọng, nên chọn bình loại tốt để các vạch chỉ dẫn không bị bong tróc trong khi dùng", chủ cửa hàng này chia sẻ.
Một số điều cần lưu ý để chọn bình bú cho bé:
Về kích cỡ và hình dáng:
- Chọn mua loại bình có thể tích rộng để dễ dàng cọ rửa, vệ sinh bình.
- Nên chọn chiếc bình vừa với tay cầm của bé
- Dung tích bình nên vừa đủ với một cữ bú của bé. Thông thường nên chọn theo độ tuổi của bé. Nên dùng bình 50-120 ml cho bé 0-3 tháng tuổi, bình 120-180 ml cho bé 3-12 tháng tuổi, bình 180-250 ml cho bé trên 1 tuổi. Đối với một số bé bú bình tốt, hoặc khi bé lớn, có thể tự cầm nắm, nên sử dụng loại bình 300-330 ml.
Loại cổ:
Nên chọn loại bình cổ rộng vì nó tiện lợi hơn trong việc vệ sinh bình, pha sữa cho bé cũng dễ dàng hơn. Bình cổ hẹp thì dễ cầm hơn, gọn gàng hơn. Với một số loại sữa bột có thìa đong sữa không thuận tiện, khi đổ sữa dạng bột vào bình cổ hẹp sẽ rất khó khăn, sữa dễ rớt ra ngoài.
Khuyến khích chọn những loại bình sữa có lỗ thông hơi bên trong để ngăn bé không nuốt phải bọt khí. Trên thị trường hiện nay còn có loại bình cổ cong với tác dụng thông khí, giúp bé giảm tình trạng đầy hơi sau khi bú.
Núm vú:
- Chất liệu núm vú
Với những bé đã mọc răng rất thích cắn, hoặc bé mút mạnh thì nên chọn đầu ti bằng silicon vì nó cứng, bền và giữ dáng lâu, có thể kiểm soát dòng sữa tốt hơn và có ít mùi hơn. Bé còn nhỏ, mẹ nên chọn núm vú bằng cao su vì nó mềm mại hơn, có cảm giác giống với ti mẹ.
Núm vú bằng cao su có thể có mùi cao su nên nhiều bé sẽ không chịu bú. Núm vú quá cứng hoặc to sẽ không tốt cho vòm miệng và lợi của bé cũng như sự phát triển răng. Nếu bé đang vừa ti mẹ vừa ti bình nên núm cao su là hợp lý hơn.
- Kích cỡ núm vú
Trên vành của núm ti thay có ký hiệu S, M, L… hoặc các số 1, 2, 3, 4…tức là lỗ chảy sữa to nhỏ tùy vào tháng tuổi của bé. Nên quan sát bé bú bình để chọn loại núm vú phù hợp với bé. Với trẻ sơ sinh, phải mua núm vú có kích thước nhỏ nhất và nên chọn loại núm vú có tốc độ sữa chảy chậm, từ 2 đến 3 giọt trong 1 giây là vừa. Sữa chảy thành tia là do lỗ quá rộng, nên thay núm vú. Với các em bé lớn tuổi hơn (từ 12 đến 24 tháng tuổi), có thể chọn các loại núm vú có tốc độ sữa chảy nhanh hơn.
- Hình dáng núm vú
Nên chọn núm vú có đáy rộng để bé có cảm giác giống như đang ti mẹ, hỗ trợ rất nhiều đặc biệt đối với những bé không quen bú bình khi còn nhỏ. Hơn nữa, loại núm vú này cũng rất dễ làm vệ sinh.
Nên thay cái mới nếu núm bị bạc màu hoặc mòn, có thể gây nghẹn cho bé. Thông thường, khoảng 2-3 tháng, phải thay mới một lần để đảm bảo vệ sinh ăn uống. Nếu bé thường xuyên bị nôn (trớ), nên chọn loại núm vú có tác dụng chống nôn (trớ) dành cho bé.
Chất liệu bình sữa
- Có thể chọn giữa hai chất liệu là thủy tinh hoặc nhựa. Bình nhựa nhẹ, chắc chắn, khó bị vỡ, có giá cả phải chăng hơn nhưng không thật sự an toàn khi chứa sữa còn nóng và nhanh phải thay bình mới. Bình thủy tinh bền hơn bình nhựa và duy trì thành phần của sữa tốt hơn bình nhựa, và có thể luộc lên để khử trùng. Phải cẩn thận trong khi cho trẻ bú, vì bình thủy tinh vỡ sẽ rất nguy hiểm. Với những bé đã quá hiếu động, hay ném đồ đạc thì bình nhựa vẫn an toàn hơn.
- Đối với bình sữa cho bé được làm bằng chất liệu nhựa, nên tìm bình nhựa có đề nhãn “không BPA”. Chất BPA (bisphenol-A) - một loại hóa chất nhân tạo dùng để sản xuất nhựa PC (polycarbonate). BPA làm cho hệ sinh dục và não của động vật sơ sinh phát triển không bình thường.
Lưu ý, không nên dùng bình của hãng này lắp với núm vú hãng kia vì kết cấu khác nhau.
Trong quá trình sử dụng, cần vệ sinh bình thật kỹ trước khi cho sữa vào bình bú bằng cách tráng qua nước nóng và rửa sạch bình sau mỗi lần cho bé bú. Khi vệ sinh bình, cần tháo rời để lau chùi kỹ từng bộ phận. Phần núm vú là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với miệng bé và dễ lây truyền các vi khuẩn gây bệnh nên cần được vệ sinh kỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.