(HNM) - Sáng 17-5, hơn 300 công nhân Công ty TNHH May mặc Macallan (100% vốn nước ngoài) tại xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã đình công đòi quyền lợi.
Những người đình công cho biết, họ phải làm việc từ 7h sáng đến 20h hằng ngày mới đạt mức thu nhập 1,6 triệu đồng/tháng. Gần đây, công ty đã cắt bữa ăn tối giữa ca. Vì vậy, ngày 12-5, tập thể người lao động (NLĐ) đã làm đơn kiến nghị yêu cầu công ty điều chỉnh tăng lương cho NLĐ và thanh toán đầy đủ tiền nghỉ phép, tiền làm thêm giờ, tiền BHXH...
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Chương Mỹ xác nhận, NLĐ đình công là do tiền lương không đủ bảo đảm cuộc sống. Mức lương cao nhất của NLĐ tại công ty mới đạt hơn 1,6 triệu đồng, có người chỉ đạt dưới 1,1 triệu đồng/tháng, không đúng quy định về mức lương tối thiểu vùng 3. Năm 2008, hơn 500 công nhân cũng đã đình công 4 ngày do lương thấp. Lần đình công này, NLĐ đã đưa ra 4 đề nghị: công ty phải nâng lương, thanh toán đầy đủ chế độ phép hằng năm; thanh toán chế độ làm thêm giờ và thanh toán chế độ BHXH cho NLĐ.
Trước đó, ngày 15-5, sau khi nắm tình hình, các cơ quan chức năng huyện Chương Mỹ, LĐLĐ Dệt may HN đã làm việc với đại diện công ty và chủ công ty đã chấp nhận xem xét những đề nghị của NLĐ để giải quyết, song không có thời hạn ra quyết định bằng văn bản trả lời NLĐ chưa thỏa mãn nên đến sáng 17-5, hơn 300 công nhân đã đình công.
Ngay sau khi đình công xảy ra, lãnh đạo huyện Chương Mỹ cùng LĐLĐ huyện đã làm việc với doanh nghiệp. Ông Thành cho biết, đại diện doanh nghiệp sẽ đối thoại với đại diện NLĐ và cơ quan chức năng vào sáng 18-5. Là Chủ tịch LĐLĐ huyện, ông Thành cho rằng, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc những đề nghị của NLĐ nếu những đề nghị đó đúng pháp luật. Nếu không, LĐLĐ huyện sẽ đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, buộc doanh nghiệp phải thực hiện để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ. Ngược lại, nếu những đề nghị của NLĐ chưa đúng sẽ được giải thích để họ yên tâm làm việc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.