(HNM) - Một lãnh đạo Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) nhận định:
Dự kiến, từ năm 2013 đến 2020, chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức được cải cách cơ bản.Ảnh: Đàm Duy
Công cụ đo hiệu quả công việc
Trong dự thảo mới đây do Bộ Nội vụ soạn thảo trình hội nghị lần thứ V BCH Trung ương Đảng khóa XI (diễn ra vào tháng 4 tới) đã đề cập đến vấn đề lương của cán bộ công chức sẽ được trả theo bảng mô tả công việc. Với việc cung cấp đầy đủ các nội dung: thông tin chung, mục đích công việc, nhiệm vụ cụ thể cùng các thông tin chi tiết về trình độ kiến thức, kỹ năng… bản mô tả vị trí việc làm sẽ là cơ sở đánh giá một cách khách quan nhất công việc của công chức, là công cụ để những lãnh đạo các cơ quan nhà nước mạnh dạn đưa ra những quyết định cho thôi việc với những công chức nhiều lần không hoàn thành nhiệm vụ. Điều này góp phần thực hiện công tác tinh giản biên chế mà thời gian qua thực hiện chưa hiệu quả. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: "Việc trả lương theo bảng mô tả công việc sẽ xóa bỏ cơ chế xin - cho từ khâu đầu vào là tuyển dụng đến đầu ra là đánh giá chất lượng, hiệu quả lao động của chính công chức ấy. Bảng mô tả vị trí công việc được ví như một công thức chuẩn để chấm điểm công chức. Tính hiệu quả của bản mô tả là thước đo định lượng về chất lượng công chức mà không dựa trên sự bằng lòng hay qua những yếu tố khác. Điều này sẽ tạo điều kiện cho người quản lý giao việc cho công chức một cách chính xác hơn, hiệu quả hơn".
Xóa bỏ tư duy cũ
Khi dựa trên bản mô tả cần phải sửa đổi những bất hợp lý trong chế độ tiền lương công chức, sự bất hợp lý ấy chính là tư duy "đến hẹn lại lên", "sống lâu lên lão làng"… mà không dựa trên kết quả công việc. Đây là một trong những bất cập trong hệ thống thang, bảng lương hiện nay. Theo ông Đoàn Cường, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ), trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tiền lương của cán bộ, công chức phải đặt trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương, thu nhập của thị trường chứ không thể theo cơ chế cũ, bởi nếu không thỏa mãn tốt quan hệ này, tiền lương của cán bộ, công chức quá thấp thì sẽ xảy ra hội chứng "tước đoạt để bù đắp" trong thực thi công việc, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng và "chảy máu chất xám". Ông Cường cũng cho biết, hiện Bộ Nội vụ đang cùng các cơ quan chức năng hoàn thiện Đề án "Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013-2020", trong đó, đặc biệt chú trọng vấn đề trả lương theo vị trí việc làm.
Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã thực hiện thí điểm việc xác định vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ và phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xác định vị trí việc làm trong ngành bảo hiểm xã hội. Kết quả thí điểm này đã được đánh giá cao và Bộ Nội vụ đang nghiên cứu hướng triển khai rộng rãi trên toàn quốc.
Nếu quá nhiều cán bộ, công chức hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước (trong đó bao gồm cả những người làm việc không có hiệu quả), thì tiền lương công chức khó được cải thiện và nếu bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả sẽ có cơ sở để cải thiện lương cho cán bộ, công chức. Vì vậy, việc xác định vị trí việc làm cần sớm đưa thành việc bắt buộc thực hiện trong các cơ quan hành chính nhà nước. Qua đó xác định biên chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi và đối tượng quản lý trong từng cơ quan nhà nước, nhằm tạo cơ sở cho cải cách tiền lương có tính khả thi.
Hướng tới bảo đảm CBCC sống được bằng lương |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.