Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quốc phòng, bảo vệ Thủ đô trong mọi tình huống, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cùng các ngành, địa phương đã tích cực đổi mới công tác diễn tập, luôn sát với thực tế. Qua đó, lực lượng quân đội, công an và các thành phần khác phối hợp ngày càng nhịp nhàng, chặt chẽ, nâng cao hiệu quả trong xử lý các tình huống...
Phối hợp chặt chẽ
Dù trời nắng nóng nhưng Tiểu đoàn bộ đội địa phương thuộc các quận Thanh Xuân và Đống Đa vẫn theo sát từng bước tiến của “địch” dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng, Thiếu tá Trần Đức Tới. Ngay sát trận địa, lực lượng dân quân cơ động phối hợp chặt chẽ từ vòng ngoài cùng tiểu đoàn triển khai đội hình tiến công, tích cực chiến đấu và làm chủ trận đánh. Sau khi nhận lệnh, các mũi tiến công đồng loạt nổ súng, 100% mục tiêu trúng đạn.
Thiếu tá Trần Đức Tới, Ban Chỉ huy quân sự quận Thanh Xuân cho biết: “Để hoàn thành màn thực binh với tình huống giả định: Địch tiến công đổ bộ đường không xuống địa bàn giáp ranh 2 quận Thanh Xuân và Đống Đa, chúng tôi đã huy động quân nhân dự bị, bộ đội địa phương theo đúng biên chế, xây dựng kế hoạch luyện tập các nội dung thực hành về kỹ thuật, chiến thuật từng người cho đến cấp đại đội. Do đó, các chiến sĩ đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh, sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị và hiệp đồng tác chiến rất hiệu quả”.
Màn thực binh trên chỉ là một trong những nội dung trong diễn tập tác chiến phòng thủ cụm Tây Nam khu vực phòng thủ then chốt của thành phố Hà Nội gồm 3 quận: Đống Đa, Thanh Xuân và Hà Đông. Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết: Đây là lần đầu tiên thành phố tổ chức chỉ đạo diễn tập cụm tác chiến nội đô; kết hợp diễn tập thiết quân luật, giới nghiêm với diễn tập khu vực phòng thủ, phát triển theo các trạng thái quốc phòng của địa phương, từ khẩn cấp lên thời chiến. Quận Đống Đa đã phối hợp hiệp đồng và xử lý tình huống chặt chẽ với các địa phương. Phần vận hành cơ chế, nhiều cuộc họp đã phát huy được trí tuệ tập thể trong thảo luận, kết luận, nội dung ngắn gọn, gắn tình huống đặt ra với thực tế của quận.
Năm nay, Ban Chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội đã chỉ đạo huyện Ba Vì tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự với đề mục: Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự huyện tổ chức chỉ huy, điều hành lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn khi địch tiến công hỏa lực. Đây là cuộc diễn tập phòng thủ dân sự cấp huyện đầu tiên có quy mô lớn và cũng là cuộc diễn tập phòng thủ dân sự đầu tiên được tổ chức tại Ba Vì.
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết: Ban Chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ huyện đã xây dựng thao trường, bãi tập tại các khu vực bố trí tạo giả cháy nhà, cháy rừng, sập đổ công trình, thuốc nổ... Đặc biệt, Ban Chỉ huy quân sự huyện huy động, luyện tập, hợp luyện cho hơn 500 người. Dù cuộc diễn tập với quy mô lớn, nhiều lực lượng, thành phần tham gia, thời tiết nắng nóng nhưng công tác chỉ huy, điều hành của huyện luôn thống nhất, đồng bộ, có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng theo từng giai đoạn.
Nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành
Theo kế hoạch, năm 2023, thành phố Hà Nội có 9 quận, huyện và 2 sở thực hiện diễn tập theo các loại hình: Diễn tập bảo đảm tác chiến khu vực phòng thủ (Sở Xây dựng và Sở Giao thông - Vận tải); diễn tập khu vực phòng thủ (các huyện Ba Vì, Thường Tín, Phúc Thọ); diễn tập tác chiến phòng thủ cụm phía Đông (quận Hoàng Mai, huyện Gia Lâm, huyện Thanh Trì và Sư đoàn Bộ binh 301); diễn tập cụm Tây Nam khu vực phòng thủ then chốt (các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông). Đến thời điểm hiện tại, thành phố đã chỉ đạo 5/9 đơn vị tổ chức diễn tập thành công, các địa phương, đơn vị còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 10.
Ngoài diễn tập cấp quận, huyện, thị xã, trung bình mỗi năm, Hà Nội có hơn 100 xã, phường tổ chức diễn tập chiến đấu trong khu vực phòng thủ. Nhiều địa phương có những mô hình, sáng kiến huy động nhiều lực lượng và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, đạt chất lượng tốt.
Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết: “Đổi mới trong công tác diễn tập của thành phố trong những năm gần đây là diễn tập khu vực phòng thủ và diễn tập chiến đấu. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương thực hành diễn tập, sự phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị bạn cùng tham gia”.
Diễn tập theo mô hình mới tuy vất vả nhưng đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, năng lực tham mưu của các cấp, các ngành trong xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, khả năng ứng phó của các ban, ngành, đoàn thể địa phương khi xảy ra thảm họa, sự cố trên địa bàn. Cùng với đó, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về phòng thủ dân sự, phòng, chống và xử lý các sự cố thảm họa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.