(HNM) - Từ năm 2009, Hà Nội đã triển khai một loạt dự án hạ ngầm hạ tầng kỹ thuật và cải tạo, sắp xếp lại đường dây, cáp đi nổi trên địa bàn. Việc làm này không chỉ nhằm chỉnh trang lại bộ mặt đô thị đón Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mà còn làm nền móng để các doanh nghiệp (DN) kinh doanh thực hiện theo quy chuẩn.
Dây cáp thừa sau khi hạ ngầm vẫn bề bộn trên đường Láng Hạ.Ảnh: Đàm Duy
Để đánh giá lại quá trình thực hiện các dự án trên, thành phố đã giao các đơn vị quản lý chuyên ngành do Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội chủ trì thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành khảo sát, đánh giá các công trình hạ ngầm hạ tầng kỹ thuật, đường dây, cáp đi nổi trên địa bàn vào cuối tháng 5 vừa qua. Đoàn đã kiểm tra các dự án hạ ngầm tại 16 tuyến phố và kiểm tra việc sắp xếp các đường dây, cáp đi nổi tại 18 tuyến phố.
Theo kết quả bước đầu, tại những tuyến phố có các dự án hạ ngầm đã triển khai trong giai đoạn 2009-2010, cho thấy các đơn vị thi công và đơn vị chủ quản (là các DN viễn thông, truyền hình cáp...) sau khi chuyển sang hệ thống ngầm đã không thu hồi các vật dụng còn thừa, như tủ, hộp và dây cáp, gây mất an toàn và mỹ quan đô thị, trong đó phải kể đến các tuyến Nguyễn Trãi, Xuân Thủy - Cầu Giấy, Giảng Võ - Láng Hạ…). Nhưng, đó mới chỉ là các vật dụng nho nhỏ, đáng bàn ở chỗ một số cột điện lực, cột chiếu sáng và cả cột bưu điện sau khi hạ ngầm, đơn vị chủ quản vẫn để lại. Đó là cách làm việc luộm thuộm. Song, cũng từ việc kiểm tra này, cơ quan quản lý đã phát hiện ra một số việc khác nữa. Cụ thể, đã có hạ tầng đầy đủ, nhưng một số đơn vị kinh doanh viễn thông, truyền hình cáp hoặc các DN khác lại không thèm thuê, cứ "chọn" cách chăng dây "vô tội vạ" như cũ. Thành ra, mới có chuyện mặc dù phố đã có công trình ngầm, nhưng dây "vô chủ" vẫn nhằng nhịt trên các tuyến Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai, Văn Cao, Thụy Khuê - Tây Hồ... Đặc biệt, quá trình kiểm tra còn phát hiện một số DN mặc dù không có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông do Bộ TT-TT cấp, nhưng vẫn cung cấp dịch vụ thiết lập, bán, cho thuê và bảo trì các kênh cáp quang, cáp đồng nội hạt cho nhiều đơn vị tại Hà Nội, như Công ty Somonet kéo cáp quang tại tuyến Xuân Thủy - Cầu Giấy. Việc thực hiện sắp xếp các đường dây, cáp đi nổi cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Tuy nhiên, trước hết phải kể đến trách nhiệm của các DN viễn thông, truyền hình cáp. Đó là khi có yêu cầu thống kê và gắn biển, các đơn vị này lại không làm, gây khó khăn cho quản lý nhà nước khi thực hiện thống kê... trong khi chính các DN này trước đó từng đồng loạt "than phiền" bị ngành điện sắp xếp bằng cách bó gọn các sợi dây lại có thể dễ gây cháy, đứt cáp. Ngoài ra, chính các đơn vị cũng là "thủ phạm" chăng dây thoải mái ở các đầu cột điện (chờ để khi phát triển thuê bao mới chỉ việc kéo tiếp), thậm chí khi dây dư thừa, cũng không thu hồi.
Theo lãnh đạo Sở TT-TT, bên cạnh những tồn tại kể trên, hầu hết để xảy ra những lỗi kỹ thuật như vậy bắt nguồn từ quá trình xây dựng (do các ban quản lý dự án của TP thực hiện) mà không có sự tham gia của cơ quan chuyên ngành (cụ thể là Sở TT-TT) nên có một số quy chuẩn của ngành bưu chính, viễn thông không được tính tới. Do vậy, khi các DN thực hiện ngầm hóa hạ tầng của mình đã nảy sinh những bất cập. Những thiếu sót này đã được Đoàn kiểm tra đề xuất để TP yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị thi công và DN khắc phục tồn tại. Mặt khác, để không lặp lại những lỗi kỹ thuật không đáng có này, Đoàn kiểm tra liên ngành cũng đề xuất, từ năm 2011 trở đi, với các dự án ngầm hóa hạ tầng, đều phải có ý kiến của Sở TT-TT (đơn vị quản lý nhà nước của một ngành có hầu hết các hạ tầng cần hạ ngầm). Một vấn đề nữa là các DN cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình cáp, cần nâng cao ý thức trong việc quản lý hệ thống hạ tầng mạng lưới, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng xấu gây mất mỹ quan đô thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.