(HNM) - Đoàn kiểm tra liên ngành Sở NN&PTNT và Sở Tài nguyên và Môi trường vừa kết thúc đợt kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội về xử lý vi phạm hành lang sông Nhuệ.
Đổ cột bê tông xây nhà lấn chiếm lòng sông tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì.
Ảnh: Đỗ Hà
Công bố số liệu thống kê tại cuộc họp mới đây của UBND TP Hà Nội, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ (Công ty Sông Nhuệ) cho thấy trên hành lang sông Nhuệ còn tồn tại khoảng 4.700 vụ vi phạm, nhiều nhất là huyện Từ Liêm gần 2.000 vụ, tiếp đến là quận Hà Đông 921, huyện Phú Xuyên 540 vụ... Trong số này có khoảng 1.800 vụ vi phạm trước năm 2003; 1.500 vụ trong giai đoạn 2003-2007 và hơn 1.300 vụ từ năm 2007 đến nay. Trong tổng số vụ vi phạm có 3.667 vụ là nhà cấp 3 với diện tích 34.689m2; nhà cấp 4 là 1.913 vụ với 80.221m2; còn lại là các vi phạm xây dựng lều lán, lò gạch, trồng cây... Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, hầu hết địa phương chưa đánh giá được mức độ cũng như phân loại cụ thể vi phạm, số liệu còn vênh so với thống kê của Công ty Sông Nhuệ. Tại các huyện Phú Xuyên, Từ Liêm, tình hình vi phạm khá phức tạp nhưng đến ngày 23-5, Công ty Sông Nhuệ và các địa phương này vẫn chưa thống nhất được số liệu về các vụ vi phạm. Tại huyện Ứng Hòa, mặc dù UBND huyện đã ban hành kế hoạch triển khai xử lý bài bản, nhưng khi làm việc với Sở NN&PTNT thì huyện chỉ có một báo cáo do Phòng Kinh tế soạn thảo với số liệu thống kê vi phạm vênh khá lớn với Công ty Sông Nhuệ. Tương tự, tại huyện Thanh Trì, UBND huyện thống kê tổng công trình vi phạm lên đến 595 vụ (trong đó có 476 công trình vi phạm trước năm 2008 và 119 công trình vi phạm mới phát sinh từ năm 2008 đến nay), nhưng số liệu của Công ty Sông Nhuệ lại chỉ có 396 vụ.
Như vậy, mặc dù Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã liên tục chỉ đạo nhằm xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm hành lang sông Nhuệ nhưng hầu như các địa phương vẫn chưa rốt ráo vào cuộc; việc phối hợp giữa Công ty Sông Nhuệ và chính quyền sở tại trong phát hiện và lập biên bản xử lý còn hạn chế. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trịnh Duy Hùng, vi phạm không giảm mà có chiều hướng gia tăng nghiêm trọng, lớp nọ chồng lớp kia với hình thức phức tạp, từ lấn chiếm đến giao đất trái thẩm quyền, mua bán, chuyển nhượng chui gây mất ổn định trật tự xã hội... Vi phạm diễn ra qua nhiều mốc thời gian, có hộ vi phạm trước năm 1980 liên quan đến nhiều chế tài, pháp lệnh, luật về xử lý vi phạm đất đai, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Giám đốc Công ty Sông Nhuệ Nguyễn Quốc Hội cho rằng, vấn đề các địa phương quan tâm nhất là mốc giới hành lang và lòng sông cũng chưa rõ. Ông Hội cho biết, hệ thống sông Nhuệ đã được cắm mốc giới hành lang bảo vệ từ cống Liên Mạc (Từ Liêm) đến quận Hà Đông. Tuy nhiên, do thời gian cắm mốc giới quá lâu (trước năm 1990) nên đến nay không còn mốc giới trên thực địa mà chỉ còn trên giấy tờ, việc quản lý và xác định vi phạm vì thế gặp khó khăn.
Cần thời gian và lộ trình để xử lý
Sông Nhuệ chảy qua 7 quận, huyện của Hà Nội, gồm Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai và Ứng Hòa. Vi phạm phức tạp và khó xử lý nhất hiện nay là những đoạn chảy qua khu dân cư đông đúc ở huyện Từ Liêm, quận Hà Đông và huyện Thanh Trì. Phó Chủ tịch Trịnh Duy Hùng nhận định, công tác xử lý cần thời gian và lộ trình thích hợp. Theo đó, quá trình xử lý phải thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tập trung hoàn chỉnh hồ sơ quản lý về vi phạm hành lang sông Nhuệ, công trình sông Nhuệ. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở NN&PTNT cập nhật đầy đủ thông tin liên quan đến việc tiêu thoát nước; xác định chỉ giới hành lang sông, hành lang bảo vệ an toàn sông Nhuệ dọc tuyến từ huyện Từ Liêm đến huyện Phú Xuyên; phối hợp với chính quyền địa phương hoàn chỉnh hồ sơ quản lý đất đai dọc hành lang sông Nhuệ để phục vụ cho công tác quản lý, xử lý. Đặc biệt, trên cơ sở đề án "Quản lý, bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng đất đai lưu vực sông Nhuệ" đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành hồ sơ quản lý đất đai dọc hành lanh sông trong quý III-2011, sau đó, tiến hành cắm mốc giới hành lang sông ngoài thực địa, giao cho các địa phương quản lý. Đồng thời công bố công khai quy hoạch sông Nhuệ; hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý về quản lý đất đai, công trình, giao cho Công ty Sông Nhuệ quản lý. Giai đoạn 2, các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra, kiểm đếm, thiết lập hồ sơ quản lý đất đai, hồ sơ vi phạm đối với các hộ nằm trong chỉ giới hành lang sông; phân loại các dạng sử dụng đất, đối tượng vi phạm, thời điểm vi phạm… đối chiếu với quy định của pháp luật để đề xuất biện pháp xử lý.
Một vấn đề khác được các địa phương quan tâm, kiến nghị với đoàn kiểm tra là UBND TP cần có cơ chế, chính sách phù hợp với những trường hợp xây dựng nhà cửa trên đất hành lang sông đã được hợp pháp để bảo đảm quyền lợi cho nhân dân; và đề xuất xây dựng kè 2 bên sông.
Sông Nhuệ là tuyến thoát nước quan trọng của Hà Nội trong mùa mưa bão. Trước đây sông có chiều rộng trung bình 60m thì nay chỉ còn 40m đến 50m, một số nơi chỉ được 20m đến 25m. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiêu thoát nước vì lưu lượng dòng chảy giảm đáng kể. Tại đoạn sông từ Liên Mạc tới Hà Đông, mức tiêu nước được thiết kế là trên 100m3/giây nhưng thực tế chỉ còn 50m3/giây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.