(HNM) - Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo cả nước tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, cùng với cả nước, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có nhiệm vụ phát triển đội ngũ nhà giáo - lực lượng chủ lực, quyết định thành công việc đổi mới công tác tổ chức dạy - học và chất lượng giáo dục...
Cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có gần 1,5 triệu cán bộ quản lý, giáo viên; trong đó, thành phố Hà Nội có 150.000 cán bộ quản lý, giáo viên, công tác ở hơn 2.800 cơ sở giáo dục.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, năm học 2020-2021, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác tổ chức dạy học trực tiếp của các nhà trường bị gián đoạn, việc dạy và học trực tuyến gặp không ít khó khăn, song các đơn vị đều hoàn thành chương trình, bảo đảm chất lượng. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Hầu hết giáo viên đều có chuyên môn vững, kỹ năng tốt, nhiệt huyết và có trách nhiệm, thích ứng linh hoạt với điều kiện tổ chức dạy học ở các cấp độ dịch bệnh.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận, ngành Giáo dục quận Ba Đình có gần 2.200 cán bộ quản lý, giáo viên. Số giáo viên các cấp học hiện nay cơ bản đủ để đáp ứng yêu cầu dạy và học; đa số có năng lực chuyên môn tốt, đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó, tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn đạt 25%.
Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu, hơn 3.000 cán bộ quản lý, giáo viên hiện nay của huyện Mê Linh cơ bản đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng của công tác giảng dạy. Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục mới, áp dụng từ ngày 1-7-2020, quy định chuẩn trình độ đào tạo giáo viên các cấp học đều nâng lên, nên còn một số giáo viên chưa đạt yêu cầu này. Cụ thể, trình độ giáo viên mầm non phải nâng từ trung cấp lên cao đẳng; trình độ giáo viên tiểu học từ trung cấp lên đại học; trình độ giáo viên trung học cơ sở từ cao đẳng lên đại học.
Bà Nguyễn Thu Hoài, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) chia sẻ: “Một trong những lý do dẫn đến tình trạng phụ huynh có tâm lý chọn trường, chọn lớp cho con là năng lực của đội ngũ giáo viên chưa đồng đều...”.
Chú trọng tự bồi dưỡng
Yêu cầu đổi mới giáo dục, sự kỳ vọng của phụ huynh học sinh đang đặt ra những đòi hỏi ngày càng lớn đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh, là địa bàn có nhiều trường đào tạo giáo viên, phòng đã tham mưu cho lãnh đạo quận Cầu Giấy liên kết với các trường để đội ngũ nhà giáo được cung cấp, bồi dưỡng những kiến thức giảng dạy mới nhất. Quận cũng lựa chọn, tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp thủ khoa, tốt nghiệp loại giỏi về công tác tại các nhà trường; đồng thời, chú trọng tổ chức bồi dưỡng các chuyên đề gắn với thực tế, như: Kỹ năng giao tiếp với phụ huynh học sinh; cách xử lý các tình huống phát sinh…
Trong khi đó, theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) Khuất Thị Hồng Điệp, đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường đang nỗ lực, gương mẫu trong việc tự bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ, trau dồi kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao chất lượng bài giảng trực tuyến và đáp ứng tốt việc dạy học theo chương trình, sách giáo khoa mới.
Thể hiện quyết tâm khắc phục khó khăn trong điều kiện dịch bệnh còn có thể kéo dài, thầy giáo Nguyễn Công Đức, giáo viên Trường Trung học cơ sở Quảng An (quận Tây Hồ) khẳng định: "Cùng với tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng do cơ quan quản lý tổ chức, tôi và các đồng nghiệp cũng luôn xác định việc tự học ngay trong quá trình giảng dạy là quan trọng, bền vững nhất để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ".
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến khẳng định, việc đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên luôn được thành phố, ngành Giáo dục Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên. Năm 2021, thành phố đã tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho gần 74.000 cán bộ quản lý, giáo viên; đào tạo nâng chuẩn IELTS quốc tế cho hơn 3.600 giáo viên tiếng Anh và hơn 50.000 giáo viên dạy chương trình, sách giáo khoa mới.
“Thực hiện Luật Giáo dục mới, Sở đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo cho khoảng gần 8.500 giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 2021-2026, trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Đồng thời, tạo điều kiện, động viên nhà giáo tự bồi dưỡng, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Toàn ngành Giáo dục đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021-2022”, ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.