Chính trị

Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo sức bật mới cho Hà Nội phát triển

Nhóm phóng viên 30/06/2024 - 06:26

Tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), gồm 7 Chương với 54 Điều, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô cũng như chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025.

Bạn đọc Báo Hànộimới bày tỏ tin tưởng, Luật sẽ tạo sức bật mới cho Hà Nội phát triển xứng tầm với vai trò trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục... của cả nước.

khi-luat-thu-do-sua-doi-chinh-thuc-di-vao-doi-song-se-la-co-so-phap-ly-de-thanh-pho-thuc-hien-khat-vong-xay-dung-ha-noi-van-hien-van-minh-hien-dai-.-anh-trong-hieu.jpg
Khi Luật Thủ đô (sửa đổi) chính thức đi vào đời sống sẽ là cơ sở pháp lý để thành phố thực hiện khát vọng xây dựng Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Ảnh: Trọng Hiếu

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm: Kim chỉ nam cho Thủ đô bứt phá

Trên thế giới không quá 10 nước có luật riêng cho thủ đô. Vì vậy, với việc Thủ đô Hà Nội có được một bộ luật cho riêng mình thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Cùng với các nghị quyết quan trọng của Trung ương liên quan tới Thủ đô Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua được xem như kim chỉ nam để Thủ đô bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Đáng chú ý, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có riêng một điều về không gian ngầm, tạo thuận lợi rất lớn cho khai thác không gian tiềm năng mới trong phát triển Thủ đô. Luật cũng quy định rất rõ vai trò, trách nhiệm của từng cấp, ngành trong thực hiện cải tạo, tái thiết đô thị.

Đặc biệt, UBND thành phố được thành lập và quy định tổ chức, hoạt động của Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử. Đây là một yếu tố quan trọng để hiện thực hóa chủ trương cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa khu vực nội đô lịch sử.

Ủy viên Thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội Trần Huy Ánh:
Kiên định lấy con người làm trung tâm

Phạm vi điều chỉnh của Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Như vậy, luật tạo hành lang pháp lý để hiện thực hóa Quy hoạch Thủ đô.

Đặc biệt, Luật sẽ tạo hành lang pháp lý bảo vệ cuộc sống an toàn, công bằng cho người Thủ đô hôm nay, tạo nhiều cơ hội đóng góp cho Thủ đô ngày mai, một Thủ đô giàu bản sắc và có khả năng thích ứng trước nhiều thách thức mới của thiên tai và nhân tai như khô hạn, nắng nóng, ô nhiễm môi trường cùng những biến đổi kinh tế, chính trị toàn cầu…

Hơn nữa, Luật Thủ đô (sửa đổi) có những ưu tiên cho việc tái thiết Hà Nội hiện hữu bằng cách nâng cao chất lượng sống cho con người, kiên định lấy con người làm trung tâm phát triển. Trong đó, Hà Nội cần lưu ý đến bảo đảm không gian cư trú an toàn, nâng cao chất lượng sống cho hàng triệu người lao động, lao động tự do, học sinh, sinh viên... đang sống trong các khu nhà trọ bởi họ đã và sẽ đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của Thủ đô.

Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội Trương Minh Tiến:
Hiện thực hóa nhiều khát vọng

Thủ đô là trái tim của đất nước, là trung tâm hành chính, chính trị, là bộ mặt quốc gia do đó cần phải có những cơ chế, chính sách đặc thù được phân cấp mạnh mẽ cho lãnh đạo Thủ đô có những quyết sách sớm, điều chỉnh ngay những bất hợp lý. Luật Thủ đô (sửa đổi) là một trong những cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”.

Việc Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết để tạo ra hành lang pháp lý phù hợp, thuận lợi hơn cho sự phát triển không chỉ riêng cho Thủ đô Hà Nội mà còn chung cho cả đất nước.

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật là chính sách phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và an sinh xã hội. Đây là những chính sách góp phần xây dựng văn hóa người

Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đưa văn hóa con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với một số cơ chế đặc thù mới để phát triển văn hóa. Đó là xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa theo quy hoạch. Ngoài ra, để huy động nguồn lực

cho phát triển văn hóa trên địa bàn Thủ đô, Luật cho phép áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, đồng thời quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục...

Cá nhân tôi cho rằng, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) chính thức đi vào đời sống sẽ là cơ sở pháp lý để thành phố Hà Nội hiện thực hóa nhiều khát vọng, trong đó có mục tiêu xây dựng Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Công ty Luật TNHH Hoàng Sa (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội):
Phân quyền mạnh mẽ

Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội họp, thông qua có nhiều quy định mới so với Luật Thủ đô năm 2012, trong đó nổi bật là những nội dung mang tính chất phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố, tạo điều kiện để thành phố giải quyết được nhiều vướng mắc hiện nay.

Có thể kể đến quy định tại Luật Thủ đô (sửa đổi): "Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với một số công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh sai phạm".

Quy định như vậy có thể hiểu rằng, chủ tịch UBND các cấp có quyền yêu cầu "cắt điện, cắt nước" đối với công trình, cơ sở kinh doanh sai phạm. Quy định này rất cần thiết cho công tác quản lý đô thị có tính đặc thù của Thủ đô, bởi trên thực tế tình trạng xây dựng không phép, sai phép đối với các dự án, công trình, hoặc vấn đề phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh (quán karaoke, quán bar, nhà hàng, chung cư mini...) rất phức tạp. Do thiếu chế tài xử lý nên nhiều chủ đầu tư chây ỳ, chậm khắc phục, trong khi cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn trong xử lý kịp thời vi phạm từ lúc phát sinh...

Tôi cho rằng, quy định này là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các cơ quan chức năng ngăn chặn được sớm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy... Tuy nhiên, Luật Thủ đô khi trao quyền "cắt điện, cắt nước" cũng cần sớm có hướng dẫn cụ thể để tránh việc lạm quyền, gây bức xúc, thiệt hại cho chủ đầu tư, cơ sở kinh doanh...

Bà Đinh Thị Mai Phương (phường Láng Hạ, quận Đống Đa):
Chính sách vượt trội thu hút nhân lực

Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua là niềm vui với người dân Thủ đô. Cá nhân tôi đặc biệt chú ý đến các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao bởi đây là một trong những nội dung quan trọng của Luật. Ngoài thu hút công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, đang làm việc ở trong và ngoài nước, thành phố còn trọng dụng, ký hợp đồng với người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn…

Theo đó, HĐND thành phố Hà Nội cần sớm thiết kế các chính sách thực sự vượt trội, đặc thù để làm sao thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng dụng được họ, giữ chân được họ lâu dài với tình cảm, sự gắn bó và dành trọn tâm huyết cho sự phát triển của Thủ đô. Trong quá trình trọng dụng, thu hút cũng cần phải có sát hạch, đánh giá hiệu quả của nguồn nhân lực này trong thực tiễn công tác. Có như vậy chính sách này mới thật sự phát huy hiệu quả.

Nhóm phóng viên ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo sức bật mới cho Hà Nội phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.