Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Phải tránh được cơ chế xin - cho

Đặng Loan| 10/06/2016 06:06

(HNM) - Ngày 9-6, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo tham vấn về Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tiếp thu ý kiến đóng góp để hoàn thiện luật.

Sản xuất thiết bị gia dụng tại công ty cổ phần Kim khí Thăng Long.


Được chọn áp dụng luật có lợi cho mình

Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV dự kiến sẽ được trình Chính phủ vào tháng 7-2016 và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (dự kiến vào tháng 10-2016). Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng, thời điểm ban hành luật đã là trễ, nhưng "muộn còn hơn không". Từ trước đến nay đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho DNNVV nhưng nằm rải rác ở nhiều văn bản của các bộ, ngành và chỉ là chính sách chung cho tất cả DN chứ không riêng cho DNNVV. Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời sẽ bảo đảm tính liên tục, nhất quán và toàn diện của chính sách. Thêm nữa, việc luật hóa sẽ tránh tình trạng xin - cho vốn đang tồn tại trong quan hệ giữa cơ quan quản lý và DN. Theo Thứ trưởng, luật sẽ lấy DN làm trung tâm phục vụ, và đây là một dịch vụ công chính yếu mà chính quyền phải cung cấp cho DN.

Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV có 7 chương với 49 điều. Các nội dung hỗ trợ, gồm: Cải thiện môi trường kinh doanh; tiếp cận tín dụng; hỗ trợ thuế thu nhập DN; hỗ trợ năng lực công nghệ; đào tạo, tư vấn và thông tin; mua sắm công; xúc tiến mở rộng thị trường… Ngoài ra, dự thảo cũng xác định các biện pháp hỗ trợ mang tính chuyên biệt hướng tới những DNNVV có tiềm năng phát triển trong một số ngành, lĩnh vực là lợi thế của Việt Nam… Có 5 chương trình hỗ trợ, gồm: Hỗ trợ khởi nghiệp; tư vấn nâng cao hiệu quả sản xuất; phát triển liên kết ngành và chuỗi giá trị; đổi mới sáng tạo và hỗ trợ hội nhập.

Trong điều kiện các luật, chính sách của Việt Nam còn chồng chéo, thì điểm mới trong Luật Hỗ trợ DNNVV là nếu có sự khác nhau giữa luật này và luật khác có liên quan về cùng một nội dung hỗ trợ thì DNNVV được lựa chọn áp dụng theo quy định có lợi nhất 3 nhóm nội dung hỗ trợ DN.

Còn nhiều băn khoăn

Theo ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, DNNVV chưa được quan tâm đúng mức, do đó cần phải xác định rõ việc hỗ trợ không phải vì đối tượng này yếu thế mà phải xem đây là chiến lược quốc gia để phát triển. Cũng theo ông Trần Du Lịch, các nội dung hỗ trợ đã được biên soạn khá kỹ nhưng không nên dàn trải mà cần tập trung vào 4 nhóm chính là: Tín dụng, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và tiếp cận thị trường. Về hỗ trợ tín dụng không phải chỉ liên quan đến ngân hàng mà là quỹ tín dụng DNNVV và quỹ bảo lãnh tín dụng. Trong đó, quỹ bảo lãnh phải vận hành với tính chất bảo lãnh chứ không buộc các DN phải thế chấp như chính sách TP Hồ Chí Minh đang vận hành chưa đúng cách khiến quỹ hoạt động không hiệu quả. Kinh nghiệm ở nhiều nước hỗ trợ DNNVV thành công thì tín dụng địa phương đóng vai trò chính trong hỗ trợ tín dụng, vì vậy nên quy định và chế định rõ hơn trách nhiệm của chính quyền địa phương. Do đó, đề nghị đưa thêm vị trí vai trò của Quỹ phát triển DNNVV để quỹ thành chỗ dựa của DN.

Ông Trần Du Lịch cũng đề nghị gắn nội dung công nghiệp hỗ trợ (CNHT) vào luật, bởi DNNVV là đối tượng chính sản xuất CNHT. "Trong khi cốt tử là phải phát triển CNHT mới có thể phát triển và tận dụng được các hiệp định thương mại tự do thì chúng ta đang phải chờ Luật CNHT là rất lâu, nên cần gán vào Luật Hỗ trợ DNNVV", ông Lịch nói. Đại biểu tỉnh Vĩnh Long cho rằng, thời gian qua DNNVV tiếp cận chính sách rất thấp, cao nhất chỉ 21% và thấp chỉ có 2%. Vậy nên luật phải quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện luật để thực hiện nghiêm túc hơn và tránh cơ chế xin - cho.

Quan điểm về đối tượng hỗ trợ nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp. Theo ông Trần Du Lịch, cần xét lại đối tượng hỗ trợ có bao gồm hộ kinh doanh cá thể hay không. Việt Nam hiện có 550.000 DN đăng ký hoạt động theo Luật DN nhưng có 3 triệu hộ sản xuất kinh doanh dù không đăng ký theo Luật DN nhưng hiệu quả hoạt động lớn hơn một số công ty. Đây thực chất là những DN nhỏ và siêu nhỏ, nếu không đưa vào đối tượng hỗ trợ thì sẽ thành "ngoài lề". Trong khi đó, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam đề nghị không hỗ trợ hộ kinh doanh vì Nhà nước không đủ nguồn lực vật chất và con người để thực hiện trên số lượng quá đông.

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, ban soạn thảo cũng đã cân nhắc về đối tượng hỗ trợ; đồng thời chia sẻ quan điểm là ban soạn thảo luật hướng tới hộ kinh doanh, khuyến khích họ chuyển sang hoạt động theo mô hình DN. Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng cho biết, tất cả những đóng góp của DN sẽ được nghiêm túc xem xét trước khi trình Chính phủ và Quốc hội ban hành bộ luật quan trọng này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Phải tránh được cơ chế xin - cho

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.