Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luật Hải quan: 16 vấn đề lớn cần bổ sung và sửa đổi

HONGVAN| 20/12/2004 13:31

Tổng cục Hải quan vừa hoàn thành việc tập hợp kiến nghị của các đơn vị, địa phương về những vướng mắc, tồn tại khi thi hành Luật Hải quan (LHQ) hiện hành để trình Quốc hội bàn và sửa đổi vào kỳ họp đầu tiên của năm 2005.

Tổng cục Hải quan vừa hoàn thành việc tập hợp kiến nghị của các đơn vị, địa phương về những vướng mắc, tồn tại khi thi hành Luật Hải quan (LHQ) hiện hành để trình Quốc hội bàn và sửa đổi vào kỳ họp đầu tiên của năm 2005.

Báo cáo tổng hợp cho thấy, dù mới đi vào thực hiện được 3 năm, nhưng cơ chế pháp lý trong LHQ vẫn đang bộc lộ một số vấn đề chưa phù hợp với thực tế, chưa thực sự khuyến khích được hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Từ thực tiễn làm thủ tục cho doanh nghiệp, vấn đề được nhiều đơn vị hải quan phản ánh nhất xoay quanh đại lý làm thủ tục hải quan. Cơ chế hiện hành được đánh giá là khá lỏng lẻo, thiếu nhiều nghĩa vụ bắt buộc đối với đại lý làm thủ tục hải quan trong việc làm thủ tục hải quan uỷ quyền.

Cải cách thủ tục vẫn chưa hết chồng chéo

Mặc dù từng được coi là có sự cải cách mạnh mẽ về mặt giấy tờ, nhưng LHQ hiện nay vẫn còn khá rườm rà và chồng chéo về quy định hồ sơ hải quan, thời gian làm thủ tục. Đơn cử: giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), thời hạn nộp chậm không quá 60 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai, các chứng từ khác thuộc hồ sơ hải quan (trừ tờ khai hải quan), thời hạn này không quá 30 ngày.

Quy định này dẫn đến việc hoàn tất bộ hồ sơ hải quan kể từ ngày mở tờ khai (thông thường đồng thời là ngày thông quan hàng hóa) đến khi đưa vào lưu trữ là 60 ngày. Do các chứng từ được nợ không cùng thời gian nên việc tác nghiệp của cán bộ lưu trữ hồ sơ gặp khó khăn, nhất là ở những địa điểm làm thủ tục hải quan có số lượng tờ khai lớn.

Tương tự, việc thông quan hàng hóa, phương tiện vận tải theo quy định tại khoản 4, Điều 25, đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có trưng cầu giám định thì cơ quan căn cứ kết quả giám định để quyết định thông quan. Quy định về giám định, phân tích phân loại được quy định chi tiết trong Luật Thuế. Hiện vẫn còn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành về thời hạn bắt buộc phải có kết luận giám định, phân tích, phân loại, về kết quả giám định sai... Vì vậy, theo ý kiến một số cục hải quan như Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Trị,... LHQ sửa đổi cần đưa nội dung này để gắn trách nhiệm của người khai hải quan, của các tổ chức kinh doanh dịch vụ giám định đối với việc giám định, phân tích, phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu.

Về phía các doanh nghiệp, nhiều ý kiến phản ánh, phương thức kinh doanh đang ngày càng phổ biến là tạm xuất - tái nhập hoặc tạm nhập - tái xuất đang tồn tại một quy trình thủ tục khá phức tạp vì thế nhiều khi phía cơ quan hải quan thực hiện không thống nhất. Sở dĩ có tình trạng này là do các văn bản hướng dẫn còn thiếu sự đồng bộ, thống nhất, mỗi văn bản chỉ hướng dẫn cho một loại hoặc một số loại hàng hóa.


Ví dụ, Công văn số 3840/2002/TCHQ-GSQL hướng dẫn thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập; Công văn số 4201/TCHQ-GSQL thì hướng dẫn thủ tục hải quan đối với xe ôtô tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập, Công văn 0687TM/xuất nhập khẩu năm 2003 lại hướng dẫn việc đưa máy móc, thiết bị ra nước ngoài hoặc đưa vào trong nước để thi công công trình, bảo hành sửa chữa.

16 vấn đề lớn cần bổ sung và sửa đổi

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lê Mạnh Hùng, tập hợp lại những vướng mắc mà hải quan địa phương phản ánh thì có 16 vấn đề lớn trong Luật cần sửa đổi và bổ sung cho phù hợp với tình hình sau 3 năm triển khai. Đặc biệt là những vấn đề mới như khai hải quan điện tử, thông quan tự động, hệ thống tổ chức của hải quan theo sự quản lý của Bộ Tài chính, thay đổi phạm vi, trách nhiệm phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; bổ sung trách nhiệm của người khai hải quan cũng như cán bộ hải quan trong việc thu thuế và các khoản thu khác và bổ sung thêm một khoản về phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu và xác định thuế suất đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho biết đang có những khó khăn nhất định trong việc giải quyết các kiến nghị của hải quan cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Đầu tiên là vấn đề địa bàn hoạt động hải quan, còn bị bỏ trống về mặt pháp lý trong nhiều lĩnh vực như hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải vào ra các khu vực ưu đãi hải quan hoặc khu thương mại tự do. Việc tạo điều kiện cho lực lượng kiểm soát hải quan có địa bàn triển khai các biện pháp trinh sát quy định tại Quyết định 65/2004/QĐ-TTg khó có thể nhận được sự ủng hộ của các ngành thẩm định.

Trong khi đó, một số vấn đề cần đổi mới lại có thể gặp khó khi đi thực thi do điều kiện vật chất cũng như nhân lực của ngành này chưa đáp ứng được. Đó là các vấn đề khai hải quan điện tử, trang thiết bị chuẩn bị cho hải quan trở thành lực lượng bán vũ trang, cơ chế cho việc phân loại, phân tích các loại hàng hoá theo yêu cầu,...

Một số vấn đề mà doanh nghiệp đang quan tâm có thể được đáp ứng khi hải quan đã bổ sung khá phù hợp vào dự luật mới để trình lên. Đó là các vấn đề địa điểm làm thủ tục hải quan sẽ do Chính phủ quy định, như vậy tàu biển có thể dễ dàng làm thủ tục tại trụ sở chính hoặc văn phòng cảng vụ hàng hải, hoặc thực hiện kiểm tra 1 lần cho hàng hoá tại các cửa khẩu giữa 2 nước có chung đường biên giới đường bộ.

Đặc biệt, Chính phủ sẽ có những quyết định thông thoáng hơn trong việc thành lập các điểm thông quan nội địa (ICD), tổ chức hải quan tại các KCN, KCX.

Theo Vneconomy
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Hải quan: 16 vấn đề lớn cần bổ sung và sửa đổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.