(HNMO) - Sửa đổi luật BHXH như thế nào là vấn đề mà Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã, đang tổ chức đối thoại tham vấn thêm ý kiến. Trong đó, cách đóng, công thức tính hưởng BHXH, tuổi nghỉ hưu là những điểm mà người lao động rất quan tâm.
Mục tiêu sửa đổi Luật BHXH lần này chủ yếu hướng đến việc đảm bảo an sinh xã hội trên cơ sở giữ được cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội thông qua việc điều chỉnh công thức tính lương hưu, thời gian đóng, mức đóng BHXH kể cả quy định tuổi nghỉ hưu. Đồng thời, chú trọng tới đổi mới hoạt động của tổ chức bảo hiểm xã hội, quản lý quỹ BHXH sao cho an toàn, hiệu quả…
Luật BHXH sửa đổi nên nghiêng về người lao động (ảnh minh họa). Nguồn: vietstock.vn |
Nhìn chung các đối tượng đóng BHXH bắt buộc theo Luật quy định phần lớn là những người làm việc trong khu vực nhà nước. Đặc biệt, dự thảo sửa đổi lần này có mở rộng thêm các đối tượng làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng được giao kết bằng văn bản. Trên thực tế, những đối tượng này rất khó bắt buộc họ đóng BHXH vì đều là giao kèo bằng lời nói và thường xuyên biến động nên rất khó quản lý nếu BHXH không nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý.
Riêng khoản đề xuất lộ trình tính từ năm 2016 để tăng tuổi nghỉ hưu, nam lên 62 và nữ lên 60, nhằm kéo dài thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu của người lao động mà Dự thảo đề xuất tiếp tục bị dư luận không đồng tình. Lập luận cho lý do trên là bảo vệ cho quỹ BHXH không bị vỡ nhưng đã không thuyết phục được nhiều người. Họ cần chứng minh một cách minh bạch rằng làm thế nào mà quỹ BHXH sẽ bị vỡ, thế nào là vỡ, nguyên nhân là gì, cần điều chỉnh pháp luật chính sách như thế nào… để mọi người tự nguyện hành động để bảo vệ lương hưu. Đó cũng là yêu cầu chính đáng của nhiều người lao động.
Thực tế, trong điều kiện thị trường lao động hiện nay với lượng thất nghiệp của giới trẻ đang lớn, bộ máy hành chính của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước đang rất công kềnh, chưa sắp xếp tinh giản được thì kéo dài tuổi nghỉ hưu chẳng khác gì làm thiệt hại thêm cho ngân sách nhà nước. Vì chính nhà nước phải trả lương cho những tháng kéo dài này mà hiệu quả làm việc chẳng hề tương xứng. Điều này chỉ làm tăng thêm lợi ích cho một nhóm người mà thôi. Một số khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, tuyệt đại đa số công nhân lao động không đồng tình về việc nâng tuổi nghỉ hưu, nhất là lao động nữ. Bộ Luật Lao động 2012, mới có hiệu lực từ 01/5/2013 đã khẳng định tuổi nghỉ hưu của người lao động là nam 60, nữ 55, nay dự thảo Luật BHXH lại quy định tăng điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là không phù hợp.
Hiện nay, quỹ BHXH đang phải “gánh” cả lương hưu cho khu vực công an, quân đội cũng như giải quyết các trường hợp tinh giản biên chế, về hưu trước tuổi. Hầu hết những cán bộ, sỹ quan công tác trong quân đội, công an đều nghỉ hưu ở lứa tuổi rất trẻ, lương hưu cao nhất trong nhóm hưởng lương hưu, thời gian hưởng lương hưu dài là vấn đề mà BHXH phải giải quyết. Luật BHXH sửa đổi nên tính tách khối này ra, nếu thiếu chi trả thì ngân sách nhà nước phải bù vào hỗ trợ để đảm bảo chế độ hưu cho họ.
Một trong những điểm sửa đổi gây băn khoăn nữa đó là quy định lộ trình điều chỉnh cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu chưa phù hợp. Thay vì quy định hiện hành 15 năm đóng BHXH được hưởng 45%, từ năm thứ 16 trở đi mỗi năm đóng thêm sẽ được tính 2% đối với nam và 3% đối với nữ, thì tại điều 55 dự thảo luật sửa đổi, tỷ lệ hưởng lương hưu theo hướng giữ nguyên tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75%, tăng dần số năm đóng BHXH tương ứng với mức hưởng 45% mức bình quân tiền lương hằng tháng để tính lương hưu. Cụ thể, năm 2016, 16 năm đóng BHXH được 45% lương… và năm 2020, 20 năm đóng được 45%. Từ năm 2031 trở đi, mỗi năm đóng thêm được tính chung 2% cho cả nam và nữ.
Không rõ là cơ sở nào lại đề xuất lộ trình như vậy. Với cách tính này trước hết đã làm giảm quyền lợi của người nghỉ hưu và tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người nghỉ hưu trước và sau khi luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Cụ thể, nếu theo dự thảo thì NLĐ tối thiểu phải có 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ mới đạt được mức hưởng tối đa là 75% lương bình quân đóng BHXH. Từ năm 2031 trở đi, với tỷ lệ thay thế 2%/năm cho cả nam và nữ thì lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 phải có 35 năm đóng BHXH mới đạt mức hưởng tối đa 75%. So với luật hiện hành thì đây là một thiệt thòi rất lớn.
Việc sửa đổi Luật BHXH là cần thiết, nhưng nên nghiêng về phía lợi ích của người lao động. Đồng thời phải tính đến sự công bằng trong khi thi hành Luật, có như vậy Luật mới thực sự đi vào cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.