Xã hội

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Lam Giang 25/06/2023 08:06

Với 93,72% đại biểu tán thành, ngày 20-6, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua. Nhiều quy định đã được hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) Nguyễn Quỳnh Anh.

luat-1.jpg
Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia Nguyễn Quỳnh Anh.

Điều chỉnh các vấn đề mới

- Xin bà cho biết một số điểm mới đáng chú ý của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua?

- Với lần sửa đổi, bổ sung này, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được hoàn thiện toàn diện, kịp thời bổ sung nhiều quy định điều chỉnh các vấn đề mới, phù hợp với xu hướng phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong khu vực và trên thế giới.

Trong đó, lần đầu tiên, quy định về sản xuất, tiêu dùng bền vững được đề cập chính thức, cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để mở rộng phạm vi triển khai các hoạt động thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững tại Việt Nam. Đặc biệt, luật đã bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ… Luật đã quy định tách biệt, cụ thể trách nhiệm của UBND từng cấp; bổ sung trách nhiệm xây dựng và triển khai cơ chế phối hợp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại trung ương và các cấp địa phương...

Liên quan tới các phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng, Luật đã hoàn thiện quy định có tính đột phá, tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong việc áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng thì được giải quyết theo thủ tục rút gọn, nhằm giải quyết nhanh các vụ việc.

- Vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thương mại điện tử được người dân rất quan tâm khi mà lĩnh vực này phát triển mạnh thời gian qua. Nội dung này đã được thể hiện trong luật như thế nào, thưa bà?

- Việt Nam được đánh giá là thị trường có tiềm năng phát triển thương mại điện tử hàng đầu trong khu vực châu Á và trên thế giới. Tuy nhiên, môi trường thương mại điện tử đã và đang xuất hiện không ít rủi ro cho người tiêu dùng, nổi cộm là tệ nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm sở hữu trí tuệ... Báo cáo của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho thấy, phản ánh, khiếu nại về thương mại điện tử có số lượng nhiều thứ hai trong tổng số 22 nhóm hàng hóa, dịch vụ được phân loại năm 2022 (khoảng 14,7%).

Từ thực tiễn nêu trên, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã bổ sung các nhóm quy định để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng, như quy định về phân loại và xác định trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; phân loại trách nhiệm của một số mô hình kinh doanh có các yếu tố đặc thù. Cùng với đó, luật đã bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, cơ quan báo chí, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc công bố, công khai các thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng.

Chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức

- Thưa bà, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được thông qua có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

- Sau gần 12 năm triển khai, một số quy định trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã bộc lộ hạn chế, nhất là những phát sinh trong mối quan hệ giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Từ thực tiễn này, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu của quản lý nhà nước và bảo đảm hiệu quả hội nhập quốc tế. Việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh bảo đảm ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận. Đồng thời, luật cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trong việc bảo đảm phát triển kinh tế gắn liền với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, góp phần thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh và bền vững tại Việt Nam.

- Để Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đi vào đời sống, theo bà cần triển khai những giải pháp nào?

- Sau khi được thông qua, công tác tuyên truyền là hoạt động quan trọng, cần được ưu tiên thực hiện để bảo đảm mọi chủ thể đều hiểu và tuân thủ các quy định của luật.

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đã dự kiến một số hình thức triển khai, trong đó xác định hình thức tập trung chính, xuyên suốt là việc phối hợp với các cơ quan báo chí để tạo ra nội dung, cách thức tuyên truyền chất lượng và đáng tin cậy, dễ tiếp cận về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nói riêng và công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung.

Thông qua định hướng phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với cơ quan báo chí, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tin tưởng rằng hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật sẽ tiếp tục được phát huy, từ đó góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Bà có những kiến nghị gì để việc triển khai luật đạt hiệu quả cao thời gian tới?

- Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm, là hoạt động chung của cả xã hội. Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia sẽ chủ động đẩy mạnh, đồng thời kêu gọi các chủ thể liên quan cùng thực hiện các nhóm hoạt động để bảo đảm hiệu quả triển khai luật; nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, tạo điều kiện để người tiêu dùng có thể chủ động tự bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chủ động tạo điều kiện, hỗ trợ, hướng dẫn, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ người tiêu dùng cho toàn xã hội. Việc tuyên truyền, giáo dục cần thường xuyên và với nhiều cấp độ, nhiều hình thức. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan để phát hiện và xử lý toàn diện các vấn đề bất cập trong quá trình thực thi luật.

Trên cơ sở thực hiện đồng bộ, thống nhất các nội dung trên, việc triển khai luật nói riêng và hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung sẽ tiếp tục được thúc đẩy và có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần gia tăng niềm tin của người dân, tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.