Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luẩn quẩn “đầu vào”, “đầu ra”

Quỳnh Phạm| 22/06/2010 07:34

(HNM) - Đầu mùa tuyển sinh, một số chuyên gia đã dự đoán, tỷ lệ thí sinh đăng ký thi khối C sẽ tăng do trong số 6 môn thi tốt nghiệp THPT đã có tới 3 môn khối C. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lượng hồ sơ khối này vẫn rất ít ỏi, đang có xu hướng giảm. Nhiều người lo ngại,  ngành khoa học xã hội không hấp dẫn học sinh hay đang bị mất đi chỗ đứng trong xã hội?

Chương trình đào tạo chậm đổi mới cũng là một lý do khiến ngành KHXH mất ưu thế . Ảnh: Viết Thành


Khối C bị ghẻ lạnh
Nếu như năm 2009, lượng hồ sơ thi khối C chiếm 8% thì năm nay tỷ lệ này còn 7,6%. Riêng ở Hà Nội, số lượng hồ sơ khối C chỉ vỏn vẹn 5,2% trong khi khối A chiếm đến hơn 55%, khối D gần 22%, khối B 13%... Điều đáng chú ý là ngay cả những học sinh đang theo học ban Xã hội cũng "ghẻ lạnh" với khối C đến mức có lớp văn của một trường phía Nam mà hơn một nửa học sinh đăng ký dự thi khối A.

Những con số này phản ánh một thực tế là "đầu vào" các ngành có đào tạo khối C rất hạn chế. Trong gần 400 trường ĐH, CĐ cả nước, số trường tuyển sinh khối này chỉ khoảng vài chục. Các ngành học ít ỏi, không nhiều sự lựa chọn cho thí sinh, phổ biến nhất là các ngành luật, báo chí, Việt Nam học, sư phạm, xã hội học… Tuy nhiên, điểm trúng tuyển của một số ngành lại khá cao bởi chỉ tiêu có hạn. Điểm chuẩn vào Trường ĐH Luật Hà Nội đối với khối C thường 20-21 điểm, cao hơn cả khối A; khoa Luật của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng khoảng 19-20 điểm. Tương tự, điểm trúng tuyển vào khoa Báo chí Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Học viện Báo chí Tuyên truyền cũng ở mức 19 đến 21,5 điểm. Ngoài ra, các ngành khác của Trường ĐH KHXH&NV có điểm rất cao là sư phạm lịch sử 22,5 điểm, sư phạm ngữ văn 20,5 điểm, du lịch học 19,5… Ngược lại, vẫn có một số ngành học, dù điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn mà thí sinh vẫn không mặn mà, bởi tương lai nghề nghiệp không mấy sáng sủa: ngôn ngữ học, thông tin thư viện, triết học, Hán Nôm…

Thi khó, học vất vả, nhưng các sinh viên các ngành KHXH ra trường lại rất khó xin việc, thu nhập thường thấp hơn đáng kể so với các ngành học kinh tế, tài chính, kỹ thuật, công nghệ…

Thực tế trên, theo PGS-TS Nghiêm Đình Vỳ, một phần bắt nguồn từ việc xã hội chưa thực sự coi trọng ngành KHXH: "Hiện nay ngành học KHXH có vị trí rất thấp trong sự lựa chọn, định hướng nghề nghiệp cho con em của các bậc phụ huynh, trong đó có cả các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục".

Chương trình đào tạo chậm đổi mới
Giải thích thực trạng nói trên, bà Trần Thị Hải Yến ( ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: Trong dư luận xã hội đang tồn tại một quan niệm là chỉ khi không có năng lực học tập thì thí sinh mới thi vào các ngành thuộc lĩnh vực KHXH&NV. Số lượng đông và tỷ lệ chọi ở một số trường trong lĩnh vực này cao chỉ đơn thuần là vì số trường tuyển sinh khối C rất ít so với các khối khác. Trong khi đó, để trở thành cán bộ KHXH giỏi người học cần hội tụ các yếu tố cơ bản như thông minh, nhanh nhẹn, có tư duy logic và tư duy cảm nhận, say mê… tức là còn có yêu cầu cao hơn so với lĩnh vực khoa học tự nhiên. Thực trạng đối tượng tuyển sinh như trên khó có thể đáp ứng được những yêu cầu đó.

PGS-TS Nghiêm Đình Vỳ cũng chỉ ra: SV lựa chọn ngành học thuộc KHXH có xu hướng tâm lý chưa ổn định, thái độ và tinh thần học tập đối với các môn học thuộc KHXH chưa cao, thậm chí có người yêu thích các môn khoa học tự nhiên hơn chính ngành học mà họ đã lựa chọn. Từ đó dẫn tới tình trạng SV học theo kiểu đối phó để thi cử, chỉ để lấy bằng cấp. Và cái vòng luẩn quẩn lại tiếp tục: SV tốt nghiệp các chuyên ngành KHXH rất khó xin việc làm hoặc làm việc không phù hợp với chuyên môn.

Đề cập tới đặc thù của SV ngành xã hội, bà Trần Thị Hải Yến cho rằng, SV KHXH cần được nhấn mạnh ưu thế được học tập, nghiên cứu về các quy luật của xã hội nhiều hơn khối tự nhiên kỹ thuật. Đặc biệt, SV khối văn, sử, địa cần thiết phải có trình độ ngoại ngữ hơn hẳn các khoa khác, điều này vô cùng quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế. Bạn bè quốc tế rất cần tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, con đường đổi mới và đi lên CNXH ở Việt Nam, các di sản của Việt Nam.

Về các yếu tố quan trọng khác tác động tới chất lượng giảng dạy các môn KHXH, Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) đánh giá: So với các ngành khoa học khác trong các trường ĐH, KHXH được coi là chậm đổi mới nhất về phương pháp dạy và học; hệ thống giáo trình các môn KHXH lạc hậu, một số thiên về tuyên truyền, giáo dục tư tưởng. Nó lý giải vì sao SV không hứng thú trong học tập và nghiên cứu. Với những kết quả thu được sau một cuộc thăm dò các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, một trong những kết luận mà viện đưa ra là: Đổi mới hình thức thi cử các môn KHXH&NV theo hướng coi trọng kiến thức cơ bản, tư duy khoa học và liên hệ thực tiễn là việc cần được thực hiện trong các trường ĐH.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Luẩn quẩn “đầu vào”, “đầu ra”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.