Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luân Giói sau cơn bão “trắng”

Trần Hương| 15/06/2014 03:58

(HNM) - Nạn ma túy ở xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) được ví như một cơn bão



Cũng vì lẽ đó mà nhiều bản làng vắng bóng đàn ông, bởi họ đã "ra đi" khi độ tuổi còn rất trẻ (quãng 3 nam cộng lại mới tròn 100 tuổi), để lại những người đàn bà góa bụa cùng những đứa con trong cảnh đói nghèo, bệnh tật… Những người đàn bà ở nơi đây đang cố gồng mình thoát khỏi những tháng ngày cơ cực, đau thương để làm lại từ đầu.

Vợ chồng chị Lò Thị Dân bên ngôi nhà xơ xác chỉ vì ma túy.


Luân Giói - kinh hoàng

Có thời Luân Giói là một trong những xã phát triển kinh tế mạnh gần nhất huyện Điện Biên Đông, chỉ xếp sau xã Mường Luân. Nền kinh tế thị trường và những mặt trái của nó ồ ạt ập đến. Đám thanh niên ăn chơi, đua đòi thiếu sự kiểm soát… dần dà Luân Giói trở thành tiêu điểm về tệ nạn. Đám thanh niên trai tráng trong các bản, thậm chí cả những ông bố là trụ cột gia đình cũng bỏ bê làm ăn lao vào ma túy.

Ông Tòng Văn Ọi, già bản Giói B vẫn không hiểu nổi vì đâu mà thanh niên trai tráng bản ông đang sức vóc to khỏe, ức vồng chim câu, bỗng trở nên vàng vọt, xanh xao rồi chết. Nghe đâu là do con "ết". Ông đã sống qua hai thế kỷ, nào biết con "ết" nó mặt ngang mũi dọc ra sao. Chỉ lơ mơ biết rằng, nó đã "bò" vào ai thì nó sẽ hút máu cho đến chết. Chẳng có thuốc nào giết được con "ết". Ông Ọi kể: Trước đây trong bản cũng có vài người hút thuốc phiện bằng bộ bàn đèn tự chế, nhưng họ đâu có chết nhanh như bây giờ. Thế mà nay chỉ cần một chiếc bơm kim tiêm, trong tích tắc có thể vật ngã cả những thanh niên khỏe như trâu mộng. Hãi thật! - Ông Ọi rụt cổ rùng mình.

Năm 2009-2010, ở Luân Giói ban đầu chỉ có vài người chết nên có gia đình đã cố giấu nửa đêm khiêng xác con đi chôn trộm vì sợ người trong bản biết con mình chết vì "ết" sẽ bị xóm làng xa lánh. Nhưng rồi như một hiệu ứng dây chuyền, người chết theo trà lứa rầm rập mấy tháng liền, có tháng chết đến 3-4 người, toàn trẻ quãng 20-35 tuổi… Vừa nghe đầu bản có người chết, cuối bản lại có nhà rục tịch tang ma; bản này vừa hôm qua có đám mới chôn, hôm sau bản bên có nhà lại tính chuyện đưa ma… Người Luân Giói kinh hoàng. Bao trùm cả xã một không khí căng thẳng, nặng nề. Mọi người nhìn nhau dè chừng, không biết mình và người nhà có bị con "ết" "bò sang" không. Và không chỉ dừng lại ở xã Luân Giói, toàn bộ cụm ba Luân (gồm 3 xã giáp nhau Mường Luân, Luân Giói, Chiềng Sơ), số người nhiễm HIV/AISD cao nhất toàn huyện Điện Biên Đông, chiếm gần 30% so với tổng số người bị lây nhiễm của toàn huyện. Theo Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông số người có HIV mới và tích lũy của 3 xã đã lên đến 281 người, chưa kể những trường hợp chưa được phát hiện.

Gia đình chị Lò Thị Dân, (38 tuổi) bản Che Phai, xã Luân Giói, cả chồng và 3 người con trai đều lao vào con đường nghiện ngập; người con trai lớn sinh năm 1991, người con út sinh năm 1995. Xưa, vợ chồng chị cũng xếp vào hàng khá giả trong vùng, con cái học hành chăm chỉ. "Nhưng rồi cũng chẳng biết vì đâu mà cả chồng và con tôi đều lao vào ma túy". Chị Dân mếu máo kể. Nhiều đêm chị nằm khóc khi chứng kiến cảnh 4 bố con tranh nhau số tiền công ít ỏi từ việc cuốc ruộng thuê để mua ma túy. Ngôi nhà 5 gian lợp ngói đỏ, to nhất nhì bản đã bị 4 bố con thay nhau dỡ từng tấm ván, gỗ sàn mang bán đổi lấy một vài "tép" hút, chích. Và chỉ đến khi ngôi nhà trơ lại bộ khung thì người đàn ông lớn tuổi nhất nhà lấy quyền trụ cột gia đình mang bán nốt, lấy 18 triệu đồng nhằm thỏa mãn cơn nghiện. Ngày cuối cùng của tháng 12-2013, chị Dân đã phải tự tay chôn cất cậu con trai thứ của mình mới ngoài 20 tuổi vì HIV. Ngôi nhà chị Dân bây giờ chỉ là chiếc sạp tre kê vừa đủ cho 4 người nằm, mái lợp cỏ gianh mục nát gếch lên đồi, không có vách. Tài sản còn lại là 2 cái nồi nhôm méo mó không vung.

Ở Luân Giói có rất nhiều gia cảnh bi thương vì ma túy như nhà chị Dân. Gia đình bà Lò Thị Ói, bản Che Phai, vợ chồng bà mãi 30 tuổi mới sinh được một mụn con trai, thế mà giờ cũng mắc nghiện. "Hằng ngày ông con quý tử khoán cho bố mẹ phải nộp "sưu" 50 nghìn đồng để mua thuốc chích. Khổ vô cùng chị ạ". - Bà Ói vừa kể vừa đưa đôi bàn tay sạm đen, gầy guộc vuốt nước mắt.

Vượt lên số phận

Chị Lò Thị Thoạn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Luân Giói, cho biết: Tính đến 20-12-2013 toàn xã có 174 hộ không chồng. Trong đó, bản có số hộ không chồng trên 50% là bản Giói A, thứ đến là bản Na Cai và Co Đứa. Nhiều chị em biết mình bị nhiễm HIV từ chồng đã mất cân bằng cuộc sống. Sau khi được các tổ chức xã hội và những người làm công tác y tế về tận bản lấy máu xét nghiệm, tư vấn cách chăm sóc sức khỏe và cách phòng chống lây nhiễm HIV, họ đã dần lấy lại được niềm tin. Hội Phụ nữ cũng đã vận động chị em gây quỹ bằng cách lên nương trồng bông, sắn… bán sản phẩm để gây quỹ, giúp đỡ những chị em hoàn cảnh gia đình khó khăn thực sự muốn vươn lên làm lại từ đầu. Trong 2 năm phát động và gây dựng quỹ, Hội Phụ nữ xã Luân Giói đã quyên góp được hơn 100 triệu đồng giải quyết cho hơn 30 chị em vay mỗi suất từ 3 đến 5 triệu đồng. Ngoài ra, Hội còn nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên Đông bảo đảm tín chấp cho trên 80% chị em gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xã được vay vốn. Mỗi suất vay từ 10 đến 15 triệu đồng để chăn nuôi và sản xuất.

Người dân xã Luân Giói đã nhận ra rằng, chỉ có chăm chỉ siêng năng, chịu thương, chịu khó thì dù có cơ hàn đến đâu công sức lao động cũng sẽ được đền đáp. Chính vì lẽ đó mà nhiều người phụ nữ ở Luân Giói biết vươn lên, làm lại từ đầu. Điển hình là gia đình chị Lường Thị Thanh, bản Che Phai có chồng chết vì HIV năm 2011 để lại cho chị 2 đứa con thơ cùng bệnh tật. Sau một thời gian mất cân bằng cuộc sống, nhìn những đứa con nheo nhóc chị quyết tâm làm lại từ đầu. Chị được hỗ trợ vay 5 triệu đồng từ nguồn quỹ của Hội Phụ nữ xã để nuôi lợn nái. Lứa lợn đầu tiên đã cho mẹ con chị thu nhập 20 triệu đồng. Số tiền tuy không nhiều, nhưng đó là khoản tiền lớn đối với mẹ con chị. Với chị, chưa bao giờ trong nhà có được số tiền như thế từ khi chồng chị nghiện ma túy rồi qua đời.

Cùng cảnh ngộ với chị Thanh là chị Lò Thị Tươi, bản Giói A. Chồng chị Tươi nghiện ma túy rồi qua đời để lại cho chị căn bệnh thế kỷ cùng 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Chị đã quyết tâm làm lại từ đầu bằng tình mẫu tử. Chị vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện 15 triệu đồng để phát triển đàn gia súc, tập trung sản xuất gần 1.000m2 ruộng lúa nước với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Hiện nay, mẹ con chị Tươi không còn cảnh thiếu ăn trong những ngày giáp hạt mà đã có của ăn của để. Mẹ con chị hiện có 1 đàn lợn, 2 con trâu, 1 con bò. Ngôi nhà vốn tuềnh toàng cũng đã được mẹ con chị sửa sang lại khi mùa mưa vừa chớm; 2 đứa trẻ đều được đến trường. Được biết, ở Luân Giói không riêng gì gia đình chị Thanh, chị Tươi mà còn nhiều chị em khác có hoàn cảnh tương tự cũng đang thực hiện các mô hình trồng bông dệt thổ cẩm, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Họ đang cố gắng vượt qua số phận để nuôi dạy con cái.

Bên cạnh những nỗ lực của bản thân, những người đàn bà ở Luân Giói luôn được đoàn thể và chính quyền xã thường xuyên động viên tinh thần, thăm hỏi tạo điều kiện, cơ hội để họ làm lại từ đầu, bằng những việc làm thiết thực... Nhiều gia đình đã ký hương ước với bản, xã "nói không với ma túy". Cũng chính vì vậy mà 2 năm trở lại đây số thanh niên nghiện mới đã giảm rõ rệt so với giai đoạn 2008 - 2010; toàn xã có 135 người đã và đang tham gia học tập tại các trường chuyên nghiệp trên toàn quốc. Đó là một dấu hiệu đáng mừng khi nỗi buồn ở Luân Giói dường như đang lặn sâu vào ký ức của mỗi người dân nơi đây.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Luân Giói sau cơn bão “trắng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.