Điều động, luân chuyển cán bộ là công tác nhằm mục tiêu đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Thông qua công tác điều động, luân chuyển, cán bộ có điều kiện, môi trường rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành, phát triển nhanh và toàn diện hơn.
Thời gian qua, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch nhằm triển khai hiệu quả công tác quan trọng này. Đảng bộ thành phố đã bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ; khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín; giảm sức ỳ, phát huy sự đổi mới, tích cực, tạo động lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ; đồng thời, chú trọng tạo nguồn cán bộ bảo đảm tính liên thông, đồng bộ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn chỗ này, chỗ kia, cấp này, cấp khác, lĩnh vực này, lĩnh vực khác… chưa thực hiện tốt chủ trương luân chuyển cán bộ, bộc lộ một số mặt hạn chế, bất cập. Trong đó, một số cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị chưa bám sát quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng về công tác luân chuyển cán bộ; chưa đồng bộ, liên thông trong hệ thống chính trị. Một số nơi còn biểu hiện cục bộ, chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển thực hiện nhiệm vụ.
Khắc phục những bất cập trên, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 188-KH/TU, ngày 6-11-2023 về luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ các ban, ngành, sở thành phố và các quận, huyện, thị xã, cấp ủy trực thuộc Thành ủy giai đoạn 2024-2025. Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội đã có Công văn số 3211-CV/BTCTU để triển khai thực hiện Kế hoạch số 188-KH/TU.
Để công tác luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ của thành phố được triển khai một cách hiệu quả, trước hết cần làm tốt công tác chính trị tư tưởng, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng và đúng thẩm quyền. Trong đó, cách làm phải khoa học, thận trọng, chặt chẽ, có lộ trình cụ thể, phù hợp tình hình thực tiễn, hài hòa, bảo đảm giữ được sự ổn định, tránh xáo trộn lớn trong đội ngũ cán bộ các địa phương, đơn vị.
Cùng với đó, cần rà soát, đánh giá đúng, đầy đủ về thực trạng đội ngũ cán bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong đó, xác định rõ những hạn chế, khó khăn trong việc bố trí, sử dụng cán bộ, nhất là việc đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm. Tiếp đó là xây dựng, hoàn thiện, cụ thể hóa các tiêu chí, tiêu chuẩn chức danh, chức vụ và yêu cầu vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn công tác của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Việc luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ phải thống nhất, đồng bộ, liên thông trong hệ thống chính trị thành phố, gắn với công tác bố trí cán bộ chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Vì thế, những người được điều động, luân chuyển phải nhận thức đúng và đầy đủ, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong phạm vi công tác được phân công. Đặc biệt là chú trọng tự rèn luyện, tự đào tạo, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu công việc cao hơn khi được cấp trên sắp xếp, phân công.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, nhiều ý kiến cho rằng cần tập trung đưa cán bộ luân chuyển đến các địa bàn khó khăn để rèn luyện, qua đó có thể bộc lộ được tài năng, bản lĩnh của mình. Việc luân chuyển, điều động là phép thử đối với sự phấn đấu, trưởng thành của mỗi cán bộ; khi thực hiện hiệu quả không chỉ tạo chuyển biến rõ rệt cho các địa phương, đơn vị, mà còn hạn chế hiện tượng “chạy quy hoạch”, “chạy luân chuyển”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.