Ngày 11-2-2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết quan trọng với tựa đề “Tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030”. Bài viết nhấn mạnh các vấn đề “cốt tử” của Đảng, trong đó có công tác lựa chọn nhân sự tham gia cấp ủy các cấp; hoàn thiện nhân sự trong hệ thống cơ quan lãnh đạo của Đảng từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương.
1. Đối với mỗi một kỳ đại hội Đảng có các nội dung quan trọng là việc thảo luận, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng và bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Đảng (gọi tắt là công tác nhân sự). Với đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, trong bối cảnh chúng ta tích cực sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh một nội dung quan trọng nữa đó là, hoàn thiện nhân sự trong hệ thống cơ quan lãnh đạo của Đảng từ cấp cơ sở đến cấp trung ương.
Công tác nhân sự là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, "then chốt" của "then chốt", có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng ở mỗi địa phương, đơn vị nói riêng, toàn Đảng nói chung. Nhìn một cách toàn diện, trong suốt quá trình 95 năm xây dựng, trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhờ thực hiện tốt công tác nhân sự, Đảng ta đã tập trung trí tuệ và ý chí đoàn kết của cả dân tộc, làm nên những thắng lợi vẻ vang, để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hôm nay.
Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nhân sự vẫn còn có hạn chế, điều này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, đó là: “Tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa được khắc phục triệt để; tình trạng “nói không đi đôi với làm; nói một đằng, làm một nẻo”, “đánh trống bỏ dùi”, “lạc quan tếu”, báo cáo không trung thực, cán bộ thiếu năng lực, thiếu gương mẫu, cục bộ, bè phái…”.
Tinh thần lạc quan là một động lực quan trọng giúp con người vượt qua khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, khi sự lạc quan bị đẩy lên mức cực đoan, trở thành “lạc quan tếu”, đặt niềm tin thái quá vào những điều không có cơ sở vững chắc, nó không chỉ phản tác dụng mà còn gây ra những hệ lụy. Đáng nói, khi căn bệnh “lạc quan tếu” xuất hiện trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cùng với tình trạng “nói không đi đôi với làm, nói một đằng, làm một nẻo”, “đánh trống bỏ dùi” sẽ trở thành một rào cản lớn đối với sự phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương, rộng hơn là ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước.
Chưa kể, dù đã có nhiều cơ chế giám sát, nhưng tình trạng tham nhũng, tiêu cực… vẫn là vấn đề nhức nhối, đòi hỏi công tác kiểm soát quyền lực cần mạnh mẽ hơn để loại bỏ những cán bộ suy thoái, không còn xứng đáng đứng trong đội ngũ của Đảng.
2. Thời điểm hiện nay, công tác nhân sự có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì vậy, việc giới thiệu, lựa chọn nhân sự phải bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện; dựa trên cơ sở quy hoạch, quy chế, quy định, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn, uy tín, sản phẩm và hiệu quả công tác cụ thể để từ đó lựa chọn các thành viên “bộ tham mưu” chiến đấu thực sự xứng tầm, là hạt nhân lãnh đạo chính trị, trung tâm đoàn kết, thống nhất xung quanh người đứng đầu để lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Hà Nội với vị thế trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế, đòi hỏi bộ máy lãnh đạo tổ chức Đảng các cấp phải là những đồng chí thật sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, bản lĩnh, trí tuệ. Bên cạnh việc thực hiện đúng Điều lệ Đảng và các quy định hiện hành, các tổ chức cơ sở Đảng đề cao tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”; có tầm nhìn và tư duy chiến lược, khả năng phân tích, xử lý tình huống nhanh nhạy, phù hợp với sự vận động không ngừng của xã hội… để lựa chọn nhân sự.
Đặc biệt, Đảng bộ thành phố Hà Nội căn cứ Chỉ thị số 35-CT/TƯ, ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị về “Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng”, xây dựng các tiêu chí sàng lọc hiệu quả để không bỏ “sót” những người thực sự có đức, có tài, đồng thời kiên quyết không để “lọt” vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém, mất đoàn kết, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm… Đội ngũ nhân sự được lựa chọn phải thực sự trong sạch, có bản lĩnh kiên định trước cám dỗ quyền lực, lợi ích cá nhân; kiên quyết không vì cơ cấu mà bỏ qua tiêu chuẩn năng lực.
Để cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; thực hiện công cuộc chuyển đổi số, nhiều cấp ủy cơ sở ở Hà Nội, ngoài các tiêu chuẩn theo quy định đã coi trọng lựa chọn nhân sự phải đáp ứng được yêu cầu để thực hiện được chuyển đổi số.
Việc lựa chọn nhân sự các cấp ủy nhiệm kỳ 2025-2030 là vấn đề “cốt tử” để xây dựng một đội ngũ lãnh đạo đủ tâm, đủ tầm, hướng tới Đại hội XIV của Đảng. Chỉ khi có đội ngũ lãnh đạo xứng tầm, từng đơn vị, địa phương mới có thể phát triển mạnh mẽ, thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược trong giai đoạn mới. Đây là yếu tố quan trọng đưa Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, là kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng đất nước giàu mạnh, người dân ấm no, hạnh phúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.