Cái tên Lư trà quán đã từ lâu thân thuộc với những người thưởng trà ở Hà Nội, có những người khách từ phương xa khi nghe tiếng của Lư trà quán cũng ghé qua và không thể dễ dàng quên khi đã một lần tới quán. Ông Kiều Văn Lư - chủ quán trà nhỏ nằm ở nhà B6 Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội ấy còn đang tự mình thực hiện một sứ mệnh lớn lao: Lưu giữ và truyền bá Hồn trà Việt.
Cái tên Lư trà quán đã từ lâu thân thuộc với những người thưởng trà ở Hà Nội, có những người khách từ phương xa khi nghe tiếng của Lư trà quán cũng ghé qua và không thể dễ dàng quên khi đã một lần tới quán. Ông Kiều Văn Lư - chủ quán trà nhỏ nằm ở nhà B6 Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội ấy còn đang tự mình thực hiện một sứ mệnh lớn lao: Lưu giữ và truyền bá Hồn trà Việt.
Lư trà - “quán cóc” bên đường
Một quán nước nhỏ với chục bộ bàn ghế gỗ đơn sơ, vài chục chiếc chiếu cói, ấm pha trà, và 2 bếp than - 1 để đun nước pha trà và 1 để luộc rửa chén là toàn bộ tài sản của quán. Nhưng đó chưa phải là ngạc nhiên duy nhất, bất ngờ tiếp theo là lượng khách của cái quán nhỏ bé này, khách ngồi dưới chiếu chật ních. “Chiếu chè” ngày trước được xếp thành dãy ở vỉa hè trước quán, giờ thì phải xếp trong sân khu tập thể - một khoảng sân rộng với đủ mọi lứa tuổi, thành phần xã hội. Đặc biệt hơn nữa là lớp trẻ, giới sinh viên là thực khách khá đông. Thi thoảng có một vài người khách nước ngoài cũng ghé qua nhâm nhi ngụm trà và vài ba thanh kẹo lạc…
Lư trà quán có một lịch uống trà với đủ 7 loại trà ứng với 7 ngày trong tuần: thứ 2 - Trà mộc Tân Cương; thứ 3 - trà Sen; thứ 4 - Trà nhài; thứ 5 - trà Cúc, trà Mộc; thứ 6 - Trà thơm hương; thứ 7 - Trà Hồng đào và chủ nhật là trà Ngũ hương.
Thường thì khách của quán chia làm hai lượt trong một ngày. Ban ngày, đặc biệt là buổi sáng là những cán bộ lão thành, những người yêu thơ đến vừa uống trà, vừa đàm đạo về thơ và văn hóa. Buổi tối thì đông đủ loại khách - nhiều nhất là lớp trẻ.
Chủ Lư trà quán vừa rót nước cho khách, vừa vịnh thơ hay vừa nói về văn hóa và nghệ thuật thưởng trà mà ông đã tích luỹ được sau nhiều năm tìm tòi học hỏi cho những người muốn quan tâm và giải nghĩa những chữ treo ở quán trà của mình. Khách vào quán trà sẽ bị bắt mắt bởi những hàng chữ đố, những câu chữ ông Lư treo phía trên: Hòa - Kính - Thanh - Tĩnh, Hoa Tuyết Nguyệt và Chân, Thiện, Mỹ.
Vô thường tịch cốc
“Vô thường tịch cốc” là tên cơ sở 2 của Lư trà quán do con trai ông Lư - Kiều Quốc Khánh “điều hành” tại 456 đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. “Đại bản doanh” của Vô thường tịch cốc là một khu vườn chừng 500m2 với nhiều loại cây hoa quả khiến khách như lạc vào nơi khác tránh xa cái thế giới ầm ĩ, xô bồ của cuộc sống hiện đại bên ngoài. Những tiếng nhạc truyền thống, nhạc Trịnh Công Sơn nhè nhẹ, nhâm nhi ngụm trà, vài thanh kẹo lạc, ít hạt dưa quả thật là tuyệt thú. Về các loại trà, lịch thưởng trà cũng như Lư trà quán và “Giám đốc điều hành” - cái tên thân mật của khách hàng đặt cho Kiều Quốc Khánh cũng sẵn lòng giải đáp những kiến thức về văn hóa và nghệ thuật uống chè anh học được của cha mình.
Đặc biệt, ở Vô thường tịch cốc còn quy tụ được những cây bút thư pháp có tiếng ở miền Bắc, có những người đã từng đạt được giải thưởng tại cuộc thi “Tài năng trẻ thư pháp” như Nguyễn Hoàng Long, Nguyễn Quang Duy... và họ lập ra hội “Dĩ trà hội hữu” hoạt động thường xuyên trong quán với mục đích quảng bá và phát triển thư pháp Việt Nam. Nhóm thường xuyên có những buổi giảng dạy miễn phí cho những bạn trẻ, những người muốn học hay tìm hiểu về thư pháp nhằm góp phần nâng cao kiến thức về thư pháp cho họ, con số thành viên theo học ngày một tăng.
Vô thường tịch quán là một nơi lý tưởng của những cuộc gặp gỡ trong giới văn nghệ sĩ. Nhóm “Dĩ trà hội hữu” cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu gặp gỡ, hợp tác trên nhiều phương diện với “Việt Nam trí đức thư pháp học hội” của Nam Định hay hội “Unesco thư pháp Việt Nam”… và sắp tới sẽ kết hợp với Việt Nam trí đức thư pháp học hội và hội Nhà báo tỉnh Nam Định triển lãm hội báo Xuân và Thư pháp tại Nam Định.
Ông chủ họ Kiều
Phải đợi từ sáng đến gần trưa tôi mới có thể tiếp cận được ông Kiều Văn Lư bởi quán trà đông khách, chủ quán phải tiếp chuyện hết người này đến người khác. Ông Lư sinh năm 1930, quê gốc ở Hà Tây, dáng dấp nhỏ bé, mái tóc đã bạc trắng và nụ cười thân thiện. Cụ thân sinh ra ông là một cụ đồ Nho thường xuyên có khách trong nhà nên ông Lư sớm được đun nước pha trà mời khách, ngày ấy ở nhà ông luôn có vài ba loại chè như chè Triết Quan âm, chè Long Tĩnh…
Về hưu năm 1990, thầy giáo Lư nghĩ ra việc mở một quán trà nhỏ, một phần để giúp đỡ chút ít kinh tế cho gia đình và phần lớn mục đích để vui, để giao lưu văn hóa và biết thêm thông tin ngoài xã hội, và rồi cái tên Lư trà quán được ra đời.
Ông nghĩ, mở quán trà phải độc đáo so với các quán trà của những người bán ở góc phố khác, từ đó ông sắp xếp lịch uống trà trong tuần với 3 loại chè sẵn có là chè Thái Nguyên, chè Sen, chè Nhài. Thế rồi có người mách ông về chè Cúc, Hồng đào, Anh đào, ông bèn nhờ người mua. Sau khi thử thấy hương vị thơm ngon, ông liền bổ sung vào thực đơn của quán mình.
Ông nhớ ngày xưa các cụ thường uống trà Ngũ hương nhưng bây giờ chẳng có khách nào uống một lúc cả 5 chén trà để thưởng thức đầy đủ 5 mùi hương đặc trưng cả. Ông bèn nghĩ cách pha chế từng vị một với nhau để cho ra một thứ trà ngũ vị và đã thành công khiến những người khách khó tính cũng phải trầm trồ thán phục.
Cái tâm của người chủ quán với Hồn trà Việt
Kho tư liệu về trà của ông Lư là một chồng sách báo về nghệ thuật uống trà ở Việt Nam, Trung Quốc và trà đạo ở Nhật Bản. Theo ông, thưởng trà cũng là một nét văn hóa, pha chè phải chọn chè loại chè Tân Cương - Thái Nguyên, chè Tuyết San - Hà Giang, Phú Thọ…
Cho chè vào ấm (Ngọc diệp hồi cung) phải dùng thìa bằng tre, gỗ chứ không được dùng thìa kim loại. Nước để pha chè có nhiều loại, trong đó nước sương đêm và nước mưa là ngon nhất. Rửa chè phải rửa bằng nước sôi 60 độ, đổ từ trên cao (cách khoảng 20 - 30cm) xuống (Cao sơn trường thủy) rồi tráng chè cho sạch. Pha chè bằng loại nước sôi 100 độ, đổ thấp và đầy ấm (Hạ sơn nhập thủy), đậy nắp để từ 2 đến 3 phút là có thể uống được nước đầu.
Ông bảo: “Các cụ xưa kia thường cầm chén theo lối “Tam long giá ngọc”, ngón tay phải và ngón tay trỏ cầm miệng chén, ngón tay giữa đỡ lấy đít chén, cầm chén đưa sang trái, kéo sang phải là động tác “Du sơn lâm thủy” nhằm làm cho hương vị của chè bay lên theo làn gió. Sau đó đưa lên mũi thưởng thức trước, xoay bàn tay vào trong lòng nhằm che miệng khi uống và nhấp từng ngụm nhỏ…”.
Thế nhưng bây giờ thì mấy ai còn hiểu được cái cách uống trà thanh tao đó nữa? Ông Lư treo những chữ ở quán của mình cũng nhằm thức dậy trí tò mò của khách, rồi khi họ hỏi - ông sẽ giải thích những chữ nghĩa ấy, những câu chữ làm trong trẻo con người, hướng thiện, hướng Phật.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông Lư vẫn hàng ngày rót trà mời khách và sẵn lòng đàm đạo cũng như tiếp thu, tìm tòi trên sách báo khi có vấn đề liên quan đến nghệ thuật và văn hóa uống trà. Với những cố gắng của mình, khách đến Lư trà quán - theo ông là đã bước đầu biết về văn hóa uống trà. Ông bảo, uống trà cũng là một cách rèn tính con người. Và hiểu biết về văn hóa và nghệ thuật uống trà cũng để bảo tồn, phát huy một nét văn hóa trong ẩm thực người Việt - đấy là điều ông đang tâm niệm và gắng sức thực hiện với những người khách đến 2 quán trà của mình.
Ông cũng không giấu nổi niềm vui khi có những người khách dù đi xa quê hương nhiều năm khi trở về hoặc ghé qua Hà Nội vẫn tìm về đến quán ông ngồi uống trà và đàm đạo.
Nhiều người quý trọng đức tính cũng như nét đặc sắc hương vị Lư trà quán đã đề bút tặng thơ ông, xin trích ra đây 1 bài thơ mà nhiều người thích và tâm đắc của một khách qua đường:
“Chi quán phùng tương đối ẩm trà
Tao nhân ngâm vịnh hoán thi ca
Khởi hồi chủ khách do lưu luyến
Dạ bán thanh phong nguyệt dĩ tà”
Dịch thơ:
Quán nhỏ chung vui một chén trà
Cùng nhau trao đổi chuyện thơ ca
Ra về chủ khách còn lưu luyến
Gió mát trời khuya bóng trăng tà.
Theo VNN
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.