(HNM) - Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng những trận lũ lịch sử xảy ra tại miền Trung mới đây có nguyên nhân từ việc xả lũ của các hồ thủy điện. Từ mấy chục năm nay, miền Bắc đã có Thủy điện Thác Bà, Hòa Bình; miền Nam có Thủy điện Trị An và các hồ thủy điện này đều khẳng định được mục tiêu cắt lũ, chống hạn, sản xuất điện.
Người dân canh tác trong hành lang thoát lũ lòng sông Đa Nhim. Ảnh: Duy Anh
Khi lòng sông hạ du bị xâm lấn
Nhà máy Thủy điện Đa Nhim được xây dựng tháng 1-1962, đưa vào vận hành tháng 12-1964. Đây là công trình do người Nhật thiết kế, thi công và bao nhiêu năm nay vẫn vận hành hiệu quả. Nhà máy có 4 tổ máy, tổng công suất là 160MW, sản điện lượng bình quân hằng năm khoảng 1 tỷ kWh. Hồ tích nước là điểm hợp lưu hai sông Đa Nhim và Kronglet (ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, rộng 11-12 km², dung tích là 165 triệu mét khối nước, lưu lượng xả 4.500m3/s, khẩn cấp có thể lên tới 5.500m3/s) để cung cấp nước cho nhà máy. Nhà máy cung cấp điện cho các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và hòa vào hệ thống quốc gia. Nước từ Thủy điện Đa Nhim mỗi năm cung cấp hơn 550 triệu mét khối phục vụ tưới tiêu hơn 20.000ha đất canh tác của tỉnh Ninh Thuận. Năm 1995, Cơ quan Hợp tác kinh tế đối ngoại Nhật Bản (JICA) đã kiểm tra công trình thủy điện Đa Nhim, kết quả cho thấy lượng nước xả của sông đã giảm đáng kể. Do vậy, trong trường hợp có lũ lớn hơn 2.000m3/s sẽ xảy ra thiệt hại trên phạm vi rộng ở hạ du. Nguyên nhân là do đất đai vùng hạ du được sử dụng nhiều cho cư trú và canh tác.
Để không bị thiệt hại khi xả lũ, từ năm 2003 UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt dự án quy hoạch phòng, chống lũ hạ lưu hồ Đa Nhim (thực hiện đến năm 2020). Theo đó, việc thông đường tiêu thoát lũ gây thiệt hại cho hạ du khi hồ Đơn Dương xả ở mức 800m3/s (tiêu chuẩn lũ cấp 1 theo quy trình xả lũ của hồ). Tuy nhiên, 3 đợt xả lũ trong tháng 10, 11-2010, Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi mới xả mức cao nhất là 500m3/s đã gây ra thiệt hại về hoa màu phía hạ du (đoạn qua huyện Đơn Dương). Nguyên nhân, do nhiều diện tích hoa màu đang canh tác trên hành lang thoát lũ của sông Đa Nhim.
Tại biên bản gần nhất do Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (BCH PCLB) Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi và BCH PCLB huyện Đơn Dương lập ngày 12-7-2010 về kiểm tra thực trạng dòng chảy hạ lưu sông Đa Nhim đã xác định các vị trí xung yếu, như tại sát bên bờ trái phía thượng lưu phải của hạ lưu cầu Dran vẫn còn có hộ dân xây nhà lấn chiếm ra lòng sông Đa Nhim, rất dễ bị sạt lở khi hồ Đơn Dương xả lũ. Hai bên bãi bồi sông và vùng ven thấp ở khu đường mới Dran, thôn Kankil (thị trấn Dran), các cầu Châu Sơn, Ka Đô, Ông Thiều (thôn Hòa Lạc) có nhiều diện tích rau màu đang canh tác. Tại ngã ba Hòa Bình sát bờ sông có hộ dân xây dựng cơi nới nhà lấn chiếm ra lòng sông...
Giải thích để dân hiểu
Nhớ lại câu chuyện tai tiếng cách đây một năm do việc xả lũ của Công ty CP Thủy điện A Vương. Do lưu lượng nước lũ về quá mạnh (4.200m3), khi đó Thủy điện A Vương chỉ xả lũ có 2.600m3 theo đúng quy trình, nhưng vẫn chịu sức ép rất lớn của dư luận. Nguyên nhân là nhiều người chưa hiểu nhiều về quy trình vận hành hồ chứa. Vì vậy, trong năm 2010, ngoài việc tổ chức các cuộc hội thảo tại các địa phương để giải thích cho bà con, Thủy điện A Vương còn lập ban giám sát nhân dân, mỗi ngày có hai người cùng trực với thủy điện để công khai quy trình vận hành.
Thủ tướng Chính phủ đã quy định 11 lưu vực sông phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ, nhưng đến nay mới có 3 quy trình được xây dựng. Bên cạnh đó, còn có phương án PCLB theo kiểu đối phó. Các cơ quan PCLB nhiều nơi thiếu kiểm tra, thiếu phối hợp với chủ đầu tư trong điều hành hồ, không nắm được thông tin, nhất là khi xả lũ. Cá biệt một số cán bộ chuyên trách của cơ quan PCLB địa phương không nắm được thông tin về công trình cũng như nội dung quy trình vận hành hồ chứa thủy điện. Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ phê duyệt quy trình vận hành cho các công trình thủy điện trên toàn quốc. Bộ cũng giao cho Cục Kỹ thuật An toàn và môi trường công nghiệp kiểm tra, giám sát việc PCLB tại các hồ thủy điện, tổ chức diễn tập thường xuyên. Giải quyết dứt điểm hiện tượng vi phạm hành lang an toàn hồ chứa, rà soát các thủy điện nhỏ, nếu nhà máy nào phát điện ít mà gây ngập lụt nhiều sẽ loại bỏ; phối hợp với các ngành chức năng tăng cường mạng lưới các trạm đo trên lưu vực các sông có công trình thủy điện.
Cả nước đang vận hành 32 dự án thủy điện vừa và lớn, 86 dự án thủy điện nhỏ, với tổng công suất lắp máy gần 8.000MW, chiếm 35% công suất hệ thống điện quốc gia. Ngoài nhiệm vụ phát điện, các hồ thủy điện còn nhiệm vụ chống lũ mùa mưa bão, xả nước chống hạn cho vùng hạ du mùa khô. Nhiều năm qua, các hồ thủy điện đều phát huy hiệu quả việc điều tiết nước và phát điện. Tuy nhiên, hồ nào cũng chỉ có dung tích nhất định, nếu lượng nước về vượt quá sức chứa, các hồ phải xả xuống hạ du, nhưng thường lượng nước xả cũng ít hơn lượng nước về vì một phần nước được tích lại trong hồ. Vì vậy, không thể khẳng định nguyên nhân gây ra lũ lụt những năm gần đây là do các hồ thủy điện. Theo đại diện ngành chức năng, nhiều năm trước lũ đã rất lớn như cuối năm 1999, đầu năm 2000 hoặc năm 2003, khi đó miền Trung chưa có hồ thủy điện, nên đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản cho khu vực này. Các hồ thủy điện chỉ tham gia vào quá trình cắt lũ chứ không góp phần làm xấu hơn tác hại của lũ. Đợt lũ vừa rồi ở miền Trung không phải do thủy điện xả lũ, mà chủ yếu do các công trình hạ tầng phía hạ lưu chắn dòng thoát lũ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.