(HNM) - Chúng tôi nhớ đến khuôn mặt khắc khổ và câu nói đến đắng lòng của ông Trần Đình Nghĩa, ở thôn Thuận Hòa, xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình):
Đêm hãi hùng
Chúng tôi có mặt ở thôn Hà Sơn, xã Quảng Sơn (huyện Quảng Trạch) khi trời đã nhá nhem tối. Không điện, không bếp lửa mà chỉ vài ngọn đèn leo lét bên chiếc ban thờ của người mới nằm xuống do lốc xoáy. Vừa thấy chúng tôi, anh Phan Thanh Hải, em trai của nạn nhân Phan Xuân Sơn vội quệt ngang đôi mắt đỏ hoe: "Tan hoang quá các anh ạ!". Rồi anh Hải kể lại: Hôm ấy, anh Sơn cùng vợ là chị Trần Thị Lĩnh không về nhà mà ở lại quán bán hàng tạp hóa đầu làng. Run rủi thế nào mà hai cháu con anh chị về trông nhà thay bố mẹ. Bỗng dưng tai họa ập đến, cơn lốc xoáy kinh hoàng xảy ra vào lúc 1h ngày 16-10 quét ngang qua quán hàng tạp hóa khiến căn nhà đổ sập và anh Sơn vĩnh viễn ra đi".
Tan hoang sau bão lũ ở xã Quảng Sơn (Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Ngọc Hải |
Chị Trần Thị Lĩnh, vợ anh Sơn kể: "Tui nằm có biết chi. Nghe tiếng rẹt rẹt, anh Sơn chồm lên người tui rồi thấy rầm một cái". Sau khi cơn lốc đi qua, tìm kiếm trong căn nhà đổ nát, người ta thấy anh Sơn đã bị tường nhà đè chết tại chỗ, chị Lĩnh may mắn được chồng che nên chỉ bị gãy xương vai và xương cột sống. Đón nhận 5 triệu đồng từ Quỹ Trái tim nhân ái - Báo Hànộimới hỗ trợ, anh Hải không cầm nổi nước mắt: "Thương nhất thằng cháu Trung, mất bố, mẹ lại chấn thương cột sống, không biết em nó có bình phục được để chăm con?". Anh bảo, khi lốc xoáy đi qua thì bắt đầu mưa xối xả, ai cũng bật khóc chứng kiến cảnh cháu Trung đi trên đống đổ nát của ngôi nhà để nhặt những mẩu giấy rách nát còn sót lại do bị ngâm trong nước. Những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt trẻ thơ như nhát dao cứa vào tim người lớn.
Còn tại ngôi nhà anh Mai Xuân Phụ - người thứ hai bị chết trong trận lốc xoáy - khi chúng tôi đến với sự chia sẻ từ Quỹ Trái tim nhân ái, ngôi nhà chỉ còn mấy thanh vì kèo gá vào nhau xiêu vẹo, phần mái đã trống trơn. Người trong thôn cố gắng che tạm tấm bạt trước thềm để lập bàn thờ cho anh. Chị Phạm Thị Cúc, chị gái vợ anh Phụ kể lại: Hôm xảy ra lốc xoáy, anh Phụ ở nhà một mình, vợ và các con đi làm ăn xa. Khi lốc tới, cả bức tường đè lên người khiến anh Phụ chết tại chỗ. Hết lốc xoáy thì nước lũ lại ào ào đổ về nên mọi người đi mượn quan tài và khâm liệm một cách đơn giản để nhanh chóng đưa đi chôn cất. Thế nhưng, khi đưa quan tài lên đò để chuyển cữu đi thì đò chìm và mọi người phải buộc dây để di chuyển lên vùng núi và nhờ bộ đội chôn cất.
Rời Quảng Sơn, chúng tôi cùng các tình nguyện viên thuộc Câu lạc bộ Doanh nhân Sáng tạo, Câu lạc bộ MH, Tập đoàn Truyền thông Lê và Tổ chức từ thiện HHF chuyển những chuyến hàng cứu trợ đầu tiên lên xã miền núi Hóa Thanh, huyện Minh Hóa. Chị Nguyễn Bích Liên, trưởng đoàn tình nguyện cho biết, đoàn đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào Quảng Bình từ ngay sau cơn bão số 10 gây thiệt hại lớn. Thế nhưng chưa kịp chuyển hàng cứu trợ, cơn bão số 11 đã ập đến. Biết là đường còn khó đi, còn mưa lớn, nhưng thấy nhiều gia đình đang phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, thiếu lương thực, thiếu nước uống… đoàn đã quyết định lên đường ngay trong đêm. Hơn 130 triệu đồng và nhiều vật phẩm như: Quần áo, đường, sữa, gạo đã được chuyển đến tận tay từng người dân thuộc 4 thôn: Thanh Long, Thanh Lâm, Thanh Tâm, Thanh Sơn của xã Hóa Thanh (huyện Minh Hóa). Đoàn cũng đã dành 60 triệu đồng để xây lại 2 bể nước mới và sửa một cây cầu liên thôn… khắc phục thiệt hại sau bão lũ.
Ông Đinh Ngọc Báu, Trưởng thôn Thanh Long cho hay, sau 2 trận bão, xã Hóa Thanh là một trong 16 xã chịu nhiều thiệt hại nhất của huyện Minh Hóa với 171 nhà bị tốc mái hoặc bị lũ cuốn trôi, hàng chục héc ta cây ăn quả và hoa màu bị thiệt hại, các công trình công cộng đều bị thiệt hại, hệ thống nước sinh hoạt bị đứt tuyến. Anh Phạm Xuân Đinh, có nhà bị nước cuốn trôi lúc 5h sáng từ cơn bão số 10 vẫn chưa hết bàng hoàng kể: Trước đêm lũ vợ anh mới sinh, cán bộ xã thông báo kế hoạch sơ tán nên anh đưa cả hai mẹ con lên xóm trên. "May mà nghe được thông báo, sơ tán kịp thời. Không thì..." - anh Đinh chia sẻ. Những người trong xóm cũng xót xa, ngôi nhà của anh Đinh vừa dựng xong, chưa kịp trả hết nợ đã bị dòng lũ dữ cướp mất. Mất nhà, người dân trong thôn thương tình huy động sức người, sức của dựng lại cho nhưng đến nay vẫn chưa dựng xong. Tiếp nhận những tấm lòng từ Hà Nội, anh Đinh xúc động: "Mấy hôm nay vợ chồng tui chỉ ăn lương khô và mì tôm sống. Chừ có chút gạo rồi nhưng chưa biết nấu ra răng, mất hết cả xoong nồi rồi còn mô!".
Người dân xã Hóa Thanh (Minh Hóa, Quảng Bình) chờ nhận hàng cứu trợ. Ảnh: Chí Đạo |
Trắng tay vì cao su
Khu nông trường của Công ty TNHH một thành viên Lệ Ninh (huyện Lệ Thủy) là một trong 2 vựa cao su lớn nhất tỉnh Quảng Bình những ngày này nét buồn rầu hằn trên từng nét mặt của hàng trăm cán bộ, công nhân. Giám đốc Công ty Lệ Ninh Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, nông trường có hơn 1.300ha cây cao su thì có tới 600ha bị bão quật gãy hoàn toàn, số cây còn lại nghiêng ngả, nhiều cây khó phục hồi. Nỗi lo lớn nhất đối với những công nhân ở Nông trường cao su Lệ Ninh bây giờ là "Cây cao su chết thì việc làm của họ cũng hết". Chị Thanh, một công nhân tâm sự: "Phải tranh thủ làm, mình chậm ngày nào là tổn thất ngày đó. Bởi cây cao su bị bật gốc chỉ cần trời nắng lên, đất không còn độ ẩm là hết đường cứu".
Không chỉ nông trường chịu cảnh thiệt hại, hàng nghìn người dân ở Quảng Bình cũng đang đứng trước cảnh trắng tay sau bão. Theo những nông dân, trung bình một héc ta cao su từ khi trồng đến khi khai thác phải mất từ 7 đến 8 năm. Vậy mà, đứng trước vườn cao su 3ha với gần 2.000 gốc chuẩn bị được khai thác mủ, ông Trần Đình Nghĩa ở thôn Thuận Hòa, xã Thuận Đức (TP Đồng Hới) chua xót: "Vườn cao su của tui đã 5 năm tuổi, chỉ 2 đến 3 năm nữa là được thu hoạch. Chừ thì hết sạch. Chưa biết phải làm chi?". Vườn cao su của ông Nghĩa có khoảng 500 cây gãy ngang thân, còn lại là bị bật gốc. Cây nhỏ bị bật gốc còn có thể khắc phục được, cây lớn đổ gãy ngang thì không chống lại được, chỉ còn nước chặt làm củi. "Cưa cây cao su đi cũng như cưa vào chính tay chân mình vậy đó. Xót lắm!" - ông Nghĩa buồn bã nói.
Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, sau đợt doanh nghiệp và nông dân bị thiệt hại bởi cây cao su này, UBND tỉnh cần có một chính sách ưu đãi đối với người trồng cao su thì mới mong vực lại được nội lực của vùng cao su như cũ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tuân cho rằng, bão số 10 và 11 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho tỉnh Quảng Bình, nhất là ngành nông nghiệp và lâm nghiệp. Bão số 10 đã cướp đi hơn 21.000ha cây cao su và cây công nghiệp khác, trong đó diện tích cao su lên đến gần 14.000ha. Chưa hết bàng hoàng từ bão số 10 thì đến cơn bão số 11 ập đến, nông dân Quảng Bình lại chịu thiệt hại gần 200ha cây ăn quả và cây lâm nghiệp, trong đó diện tích cao su bị gãy đổ từ trước, nay càng trầm trọng hơn.
Trao đổi với chúng tôi chiều 19-10, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phụng cho biết: Bão số 10 làm 7 người chết và mất tích, 140 người bị thương, thiệt hại về vật chất lên đến hơn 8.000 tỷ đồng. Riêng bão số 11 cũng đã làm 7 người chết, 53 người bị thương, 243 nhà sập, cuốn trôi, hơn 700 ngôi nhà tốc mái, 15 tàu cá của ngư dân bị nhấn chìm trong nước biển, gần 160 tấn lương thực bị thiệt hại, gần 1.300 con gia súc, gia cầm bị chết, bị trôi cùng 93ha diện tích nuôi trồng thủy sản… Ước thiệt hại hơn 300 tỷ đồng. Nếu tính cả hai cơn bão, Quảng Bình mất đi gần 8.500 tỷ đồng.
Nước lũ đã và đang rút dần, công tác khắc phục hậu quả đang được tiến hành khẩn trương, nhiều nhà từ thiện bắt đầu đến với người dân Quảng Bình. Thế nhưng, sự mất mát, nỗi ám ảnh lũ quét, sạt lở đất thì đã hằn sâu với mỗi người dân vùng lũ nơi đây. Bao giờ người dân Quảng Bình gượng dậy sau bão dữ? Bao giờ thiên tai mới thôi khắc nghiệt với mảnh đất miền Trung vốn nghèo khó này? Thương lắm!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.