Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lotte với kế hoạch "khủng" giành thị trường bán lẻ

Thắng Ngọc| 05/03/2014 06:38

(HNM) - Không ít các đại gia bán lẻ ngoại đã

Hiện nay, ngoài hai nhà bán lẻ tên tuổi là Big C và Metro Cash&Carry đang hoạt động mạnh mẽ với tốc độ thâm nhập, mở rộng ngày một gia tăng, còn có một "ông lớn" bán lẻ ngoại khác đang ra sức triển khai hàng loạt kế hoạch kinh doanh chuẩn bị cho thời điểm mở cửa thị trường.

Người dân mua sắm tại siêu thị Big C. Ảnh: Như Ý


Có mặt tại Việt Nam từ năm 2007, nhưng đến cuối năm 2013, Lotte - tập đoàn bán lẻ tên tuổi thế giới của Hàn Quốc mới mở được 6 trung tâm thương mại (TTTM) trên cả nước. Tuy nhiên, với tiềm lực tài chính dồi dào, sự chuẩn bị kỹ, từ năm 2014 Lotte sẽ bung ra mạnh. Riêng năm 2014 Lotte sẽ khai trương 6 TTTM cỡ lớn. Theo kế hoạch, tháng 3-2014, Lotte sẽ khai trương TTTM tại 229 Tây Sơn (Đống Đa - Hà Nội) với diện tích sàn hơn 20.000m2. Đây là trung tâm được Lotte chuẩn bị rất kỹ trong hơn 1 năm qua, kể từ khi nhận chuyển nhượng địa điểm của DN bán lẻ nội địa là Pico. Tiếp sau là một TTTM nằm trong tòa nhà Lotte Center (Ba Đình, Hà Nội). Đặc biệt, ở khu vực phía Nam, Lotte đã thuê lại toàn bộ TTTM lớn mang tên Pico Plaza, tại số 20 đường Cộng Hòa, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh). Đây là TTTM do Pico đầu tư xây dựng với số vốn hơn 1.000 tỷ đồng, hiện là khu phức hợp thương mại có quy mô hàng đầu Việt Nam với diện tích 56.000 m2, gồm siêu thị tiêu dùng, siêu thị điện máy, cụm rạp chiếu phim, TTTM, văn phòng cho thuê. Riêng siêu thị tiêu dùng và siêu thị điện máy do Pico đang kinh doanh đã chiếm diện tích 10.000m2. Khi Lotte thuê lại toàn bộ khu trung tâm này thì siêu thị tiêu dùng, siêu thị điện máy của Pico sẽ phải tìm địa điểm mới. Cũng trong năm 2014, các TTTM tại Vũng Tàu, Cần Thơ... của Lotte sẽ đi vào hoạt động. Tất cả đều có diện tích sàn từ 10.000m2 trở lên và có vốn đầu tư 30-40 triệu USD/trung tâm. Kế hoạch của Lotte là đến năm 2020 khai trương tại thị trường Việt Nam 60 TTTM, nếu tính chi phí đầu tư mỗi TTTM 30-40 triệu USD thì số vốn mà Lotte đổ vào thị trường bán lẻ có thể lên tới hàng tỷ USD và chiếm vị trí hàng đầu tại Việt Nam.

So với các đại gia bán lẻ khác như Big C, Metro Cash&Carry, mức độ chuyên nghiệp của Lotte có thể chưa bằng, tuy nhiên năm 2011 giới kinh doanh bán lẻ thế giới chứng kiến hai "gã khổng lồ" Wal-Mart (Mỹ) và Carrefour (Pháp) phải rút khỏi thị trường Hàn Quốc vì không cạnh tranh nổi với Lotte, vốn có khả năng xoay xở nhanh và hiểu rõ thị hiếu tiêu dùng của người dân Hàn Quốc. Điều này càng giúp Lotte Mart thêm tự tin để thâm nhập thị trường Việt Nam. Đại diện của Lotte Việt Nam cho biết, trong bán lẻ phải hiểu được văn hóa tiêu dùng mới là người chiến thắng. Nếu Big C, Metro mang phong cách tiêu dùng của người Châu Âu, thì Lotte sẽ mang phong cách tiêu dùng Hàn Quốc, vốn có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Cách chiến thắng các tập đoàn khác sẽ là cách mà người tiêu dùng Việt Nam mong muốn bằng chất lượng, giá hàng hóa, thái độ phục vụ và môi trường mua sắm tiện ích nhất.

Ngoài việc chủ động đầu tư bằng nguồn tài chính dồi dào, Lotte đang liên kết với các DN Việt Nam để thâm nhập sâu vào thị trường, chuẩn bị cạnh tranh với những "ông lớn" khác như Wal Mart, tập đoàn bán lẻ của Mỹ hay Auchan - tập đoàn bán lẻ của Pháp (vừa tuyên bố sẽ đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong 10 năm tới). Không chỉ bắt tay với các DN Việt để sản xuất, cung cấp hàng cho hệ thống bán lẻ của mình, Lotte còn hợp tác với các nhà bán lẻ Việt Nam để chia sẻ những địa điểm thuận lợi cho việc mở các TTTM lớn. Chẳng hạn Lotte đang đàm phán hợp tác với Pico để phát triển hệ thống điện máy vốn đang là thế mạnh của Pico.

Nói về sự hợp tác này, ông Nguyễn Quang Đức, đại diện Công ty CP Pico cho biết, Pico và Lotte thời gian qua đã có những hợp tác về mặt bằng, chẳng hạn như TTTM tại tòa nhà Mipec số 229 Tây Sơn (Hà Nội) với diện tích sàn hơn 20.000m2. Ban đầu Pico thuê, sau đó đã chuyển nhượng cho Lotte. Tiếp đến là Pico Plaza, tại số 20 - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình do Pico đầu tư, sắp tới Pico sẽ di dời các siêu thị điện máy, siêu thị tiêu dùng để nhường mặt bằng cho Lotte mở TTTM.


Pico và Lotte cũng đang trong quá trình đàm phán để tiến tới hợp tác lâu dài trong lĩnh vực bán lẻ điện máy. Hợp tác với Lotte chắc chắn Pico sẽ nhận được sự hỗ trợ, những kinh nghiệm kinh doanh có giá trị, tận dụng được hình ảnh và thương hiệu của họ. Ngược lại, Lotte có được mặt bằng, mạng lưới sẵn có của Pico để tiếp cận khách hàng dễ hơn. Điều này giúp cả hai thâm nhập nhanh hơn và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đại diện Pico cho biết, dù bị rơi khỏi Top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, nhưng Việt Nam vẫn được coi là thị trường tiềm năng để các nhà đầu tư khai thác nhờ quy mô và số lượng người tiêu dùng. Không những thế, kênh bán lẻ hiện đại Việt Nam mới chỉ chiếm 25% thị phần, vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực như Philippines là 33%, Thái Lan 34%, Trung Quốc 51%, Malaysia 60%, Singapore 90%... vì vậy cơ hội khai thác thị trường còn rất lớn. Theo dự báo đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ lên 45%. Còn theo quy hoạch của Bộ Công thương, tới năm 2020 cả nước sẽ có 1.200-1.300 siêu thị, tăng gần 650 điểm so với năm 2011. Số TTTM và trung tâm mua sắm cũng tăng lần lượt lên 180 và 157 điểm. Các DN bán lẻ đang không ngừng lên kế hoạch, đổ tiền để giành thị trường và một "cuộc chiến" khốc liệt đã bắt đầu…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lotte với kế hoạch "khủng" giành thị trường bán lẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.