(HNM) - Dư luận đang
Khởi sự từ vụ chuyển nhượng 22% vốn điều lệ
Năm 1997, Công ty Great Water International Corporation Limited (Đài Loan - Trung Quốc) ký với Xí nghiệp Bò sữa An Phước (Long Thành - Đồng Nai) thành lập Công ty CP liên doanh bò sữa Đồng Nai (bên Việt Nam chiếm 30% vốn pháp định, phía Đài Loan 70% vốn). Năm 2006, sau khi cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty CP Bò sữa Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại liên doanh trên cho Dofico. Năm 2008, liên doanh trên tiếp tục chuyển đổi loại hình DN thành Công ty CP Lothamilk.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Sữa Lothamilk. |
Đáng lưu ý, trong quá trình chuyển đổi, sau khi thống nhất, ngày 5-6-2008, các bên đã ký văn bản thỏa thuận về việc Great Water International Corporation Limited chuyển nhượng cho Dofico phần vốn góp 22% (tương đương 5.404.200.000 đồng) vốn điều lệ của Lothamilk. Trên cơ sở thỏa thuận giữa đôi bên, việc chuyển nhượng này Dofico không phải thanh toán. Sau đó, được HĐQT giao trách nhiệm thực hiện các thủ tục chuyển đổi DN, ông Wang Tai Shan (Tổng Giám đốc Công ty liên doanh - đại diện cho các cổ đông Đài Loan) đã ký bản đăng ký chuyển đổi loại hình DN gửi UBND tỉnh Đồng Nai, trong đó ghi rõ: Công ty CP Bò sữa Đồng Nai chiếm 30% vốn điều lệ; Dofico chiếm 22% vốn và Công ty Great Water International Corporation Limited chỉ còn chiếm 48% vốn thay vì 70% như trước đây (vì đã chuyển nhượng 22% cho Dofico). Căn cứ theo bản đăng ký trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã cấp giấy chứng nhận đầu tư số 471033000125, hình thành Công ty CP Lothamilk. Do Công ty CP Bò sữa Đồng Nai là đơn vị trực thuộc nên Dofico đã chính thức nắm giữ 52% vốn điều lệ và là Công ty mẹ của Lothamilk. Ngày 30-7-2011, ông Wang Tai Shan nghỉ hưu. Phía Công ty Great Water International Corporation Limited đã có văn bản đề cử và HĐQT Lothamilk đã thống nhất bổ nhiệm bà Wang Juo Hsuan làm Tổng Giám đốc Lothamilk từ ngày 1-8-2011.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, bà Wang Juo Hsuan bất ngờ làm đơn khởi kiện tại tòa án các cấp vì cho rằng thỏa thuận chuyển nhượng 22% vốn không thanh toán tại Công ty CP Lothamilk là không hợp lệ. Năm 2012, cả TAND tỉnh Đồng Nai và tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP Hồ Chí Minh đều đình chỉ giải quyết vụ việc bởi lý do quá thời hạn để khởi kiện (hơn ba năm). Dù vậy, bà Wang Juo Hsuan tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến nhiều bộ, ngành liên quan của Việt Nam khiếu nại không chỉ vụ 22% vốn góp mà còn cho rằng việc cấp giấy phép đầu tư không hợp lệ, một số cơ quan chính quyền Đồng Nai đã hậu thuẫn để giúp Dofico chiếm đoạt Lothamilk…
UBND tỉnh Đồng Nai "phản pháo"…
Trước sự phức tạp của vụ việc và theo yêu cầu, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra và có Văn bản số 8685, 8686 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh ký gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại TP Hồ Chí Minh về khiếu nại của bà Wang Juo Hsuan.
Theo đó, với việc chuyển nhượng 22% vốn điều lệ, UBND tỉnh Đồng Nai xác định đã được ghi rõ trong bản đăng ký chuyển đổi DN do chính đại diện pháp luật phía Đài Loan là ông Wang Tai Shan ký. Hơn thế nữa, sau khi được UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đầu tư số 471033000125, trong văn bản đề cử nhân sự nắm giữ phần vốn tại Lothamilk, Chủ tịch HĐQT Công ty Water International Corporation Limited là ông Wang Yung Hong tiếp tục xác định phần vốn góp của các thành viên phía Đài Loan trong Lothamilk là 48%. Trong suốt 3 năm hoạt động (tính từ năm 2008 tới năm 2011 khi bà Wang Juo Hsuan kiện) Lothamilk đều tổ chức đại hội cổ đông thường niên, thực hiện cung cấp báo cáo tài chính và thông tin, đồng thời đều chia cổ tức cho các cổ đông Việt Nam và Great Water International Corporation đầy đủ. Như vậy, giấy chứng nhận đầu tư hoàn toàn được các bên thừa nhận hiệu lực pháp lý thực tế.
Mặt khác, theo "phản pháo" của UBND tỉnh Đồng Nai, bà Wang Juo Hsuan chính là con của ông Wang Tai Shan (Tổng Giám đốc Lothamilk). Trước khi thay cha làm Tổng Giám đốc Lothamilk, bà Wang Juo Hsuan là nhân viên Công ty liên doanh Bò sữa Đồng Nai, rồi Phó Tổng Giám đốc Lothamilk và cũng là một cổ đông của Lothamilk, đã tham gia đầy đủ các kỳ Đại hội đồng cổ đông từ năm 2008 đến năm 2011. Như vậy, việc bà Wang Juo Hsuan cho rằng lý do kéo dài thời hiệu khiếu nại (dẫn tới quá hạn phải đình chỉ giải quyết) vì tới khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT phía Đài Loan cuối năm 2011 mới phát hiện sự việc là không thuyết phục.
Không chỉ vậy, UBND tỉnh Đồng Nai còn cho biết thêm, bà Wang Juo Hsuan đã tự điều hành Lothamilk theo ý riêng như: Không tham gia và ngăn cản các cuộc họp của HĐQT, Đại hội đồng cổ đông công ty; ngăn cản không cung cấp các thông tin, kế hoạch, kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị cho HĐQT và Ban Kiểm soát; điều hành công ty trong tình trạng không có kế toán trưởng; tự ý ký quyết định cho nghỉ việc Phó Tổng Giám đốc bên Việt Nam không có lý do chính đáng trong khi việc bổ nhiệm thay thế chức danh này thuộc thẩm quyền HĐQT; không gửi báo cáo theo quy định cho các cơ quan chức năng; khi đoàn công tác liên ngành của Đồng Nai do Phó Giám đốc Sở KH&ĐT dẫn đầu đến giám sát đánh giá đầu tư định kỳ theo quy định Luật Đầu tư và Nghị định 113/2009/NĐ-CP của Chính phủ thì bị bà Wang Juo Hsuan bất hợp tác, khi thì cho người chặn ngay ngoài cổng với lý do chưa nhận được giấy mời qua bưu điện nên không tiếp, hoặc tiếp tại khu chòi tạm bợ gần cổng bảo vệ… "Lấy lý do khiếu nại, bà Wang Juo Hsuan đang làm cho một công ty với một thương hiệu đã xây dựng thành công 15 năm qua, trong đó có chính công sức của cha bà, đang trở thành một công ty đứng trước nguy cơ đổ vỡ do mâu thuẫn khó dung hòa giữa các cổ đông". Trong văn bản gần đây gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh đã viết như vậy.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước sự phức tạp và "độ nóng" của vụ việc liên quan không chỉ số vốn 22% mà còn cả môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhiều cơ quan chức năng đã vào cuộc. Cụ thể, tháng 4-2012 Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo và Thanh tra khu vực 3 (thuộc Thanh tra Chính phủ) đã làm việc với bà Wang Juo Hsuan liên quan tới tính pháp lý của việc thành lập Lothamilk.
Chưa hết, ngày 27-11-2012, Văn phòng Chính phủ có công văn số 9641/VPCP-V1, thực hiện ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, giao Thanh tra Chính phủ chủ trì kết hợp với Bộ KH&ĐT cùng UBND tỉnh Đồng Nai kiểm tra hồ sơ và quá trình chuyển đổi sang Công ty CP Lothamilk, làm rõ nội dung khiếu nại của bà Wang Juo Hsuan để có biện pháp giải quyết theo đúng quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 1-2013. Theo Dofico cũng như UBND tỉnh Đồng Nai, các cơ quan liên quan trên đã vào làm việc, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thấy kết luận gì.
Việc phán xét đúng sai thuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, vì thương hiệu Lothamilk, cao hơn nữa là vì môi trường đầu tư tại Đồng Nai - một tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn của cả nước (36 quốc gia vùng lãnh thổ đang đầu tư), thiết nghĩ cơ quan chức năng cần vào cuộc khẩn trương và quyết liệt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.