(HNM) - Mặc dù bị xua đuổi, đánh đập; không ít lần máu hòa nước biển nhưng ngư dân Lý Sơn vẫn ngày ngày vươn khơi, bám biển...
Ngư dân Lý sơn bám biển, khai thác hải sản, giữ vững chủ quyền biển đảo |
Từ thói quen mưu sinh
Đã 35 năm nay, ông Lê Hơn người xã An Hải đi đánh cá ở cả Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều lần đánh bắt ở Hoàng Sa “gặp” tàu và lính Trung Quốc. “Không biết bao nhiêu lần chúng tôi bị đàn áp, đánh đập, lấy đi nhiều tài sản”, ông Hơn than phiền. Gần đây, ngày 8-9-2015, thuyền ông đang đánh bắt ở vùng biển gần Hoàng Sa thì bị tàu Hải cảnh Trung Quốc 4502 đâm vỡ vỏ tàu và lấy hết tài sản. Ông Hơn nói thẳng: “Sinh ra trên đảo tứ bề là biển, chúng tôi chỉ biết cha ông dẫn ra Hoàng Sa đánh bắt từ bé thì giờ chúng tôi cũng vẫn cứ đánh bắt. Dù thắng, dù thua, dù lỗ, dù lời, chúng tôi vẫn đi”.
Mọi ngư dân trên Cù lao Ré này đều có thói quen mưu sinh và lí lẽ giản đơn như ông Hơn. Anh Trần Hiền ở bên xã An Vĩnh cũng vậy. Sau lần bị bắt giam 49 ngày ở đảo Hải Nam về, anh đã nghỉ một thời gian nhưng rồi lại vay mượn để sắm tàu ra khơi. Đi đánh bắt trở lại cũng có nghĩa lại phải đối mặt với nguy cơ bị xua đuổi, đập phá. Lần gần đây nhất là năm 2015, ăn Tết xong, anh Hiền vẫn đưa tàu ra Hoàng Sa và lại bị tàu hải cảnh của Trung Quốc áp sát, lính nhảy lên phá ngư lưới cụ rồi xua đuổi về. Những ngư dân như anh Hiền mỗi lần bị bắt thì đều muốn nghỉ nhưng nếu vậy thì họ không biết làm việc gì khác.
Mới học hết lớp 2, Trần Hiền đã phải bỏ học để đi làm cùng người chú chỉ vì một lẽ đơn giản bố anh đi lặn biển bắt hải sâm bị nước ép khiến liệt nửa người. Thế là, chưa kịp nuôi anh, con thứ 6 cũng là út, đến tuổi trưởng thành, ông bố đã trở thành gánh nặng cho vợ con. Anh Hiền buộc phải đi làm để giúp gia đình. Qua 10 tuổi, Trần Hiền đã theo người lớn đi biển, ban đầu chỉ ven biển, rồi đến 15 tuổi đã ra khơi xa. Từ đó đến nay, anh đã gắn bó với nghề biển hơn 20 năm. “Mình sống với nghề biển hồi giờ rồi nên chỉ biết làm nghề biển để nuôi vợ nuôi con chứ không biết làm nghề gì hết”, anh Hiền bộc bạch.
Thực tế bao nhiêu năm đi biển cho thấy, nếu những ngư dân như anh Hiền, ông Hơn chỉ đánh bắt quanh đảo Lý Sơn thì không thể nuôi nổi vợ con. “Chỉ có ra Hoàng Sa đánh bắt thì mới đủ tiền”, anh Hiền nói chắc nịch. Một chuyến biển đi Hoàng Sa thường kéo dài từ 15 đến 20 ngày rồi quay về bán hải sản đánh bắt được. Nghỉ ngơi vài ngày, tính toán lỗ lãi xong, anh lại đánh tiếp chuyến khác.
Ông Lê Khuân, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh khẳng định: “Từ đầu năm nay tàu cá Lý Sơn vẫn đi Hoàng Sa như mọi năm”. Cũng đã từng gắn bó với nghề biển hơn 22 năm và bị đánh một lần ở gần đảo Hai Trụ (Hoàng Sa), một lần ở gần đảo Chữ Thập (Trường Sa), ông Khuân nói ngắn gọn: “Biển của mình hà cớ gì mình không ra đó”.
Việc ngư dân Lý Sơn đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa hay Trường Sa là phụ thuộc vào kích cỡ tàu. Tàu lớn trữ được nhiều đá lạnh thì đi Trường Sa. Còn tàu nhỏ hơn trữ được ít đá hơn thì đi Hoàng Sa. Người Lý Sơn thường đi Hoàng Sa hơn chỉ đơn giản vì đó là ngư trường mà lứa đi biển trước đưa lứa đi biển sau ra đó đánh bắt từ bao đời. “Ra Hoàng Sa gần hơn Trường Sa nhiều, nếu gặp bão hoặc có sự cố gì thì vẫn có thể chạy kịp về Lý Sơn”, ông Khuân lập luận.
Đến ý thức chủ quyền
Cùng với những chuyến theo cha anh đi biển đánh bắt hải sản để mưu sinh, những người con của Lý Sơn còn được đắm mình trong không gian của những phong tục, tập quán, ngày giỗ chạp, đám hiếu, đám hỉ, khao lề trong tộc họ, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa… được duy trì từ ngày các vị tiên hiền đặt chân lên đảo. Ngồi trong đình làng An Vĩnh, ông Võ Hiển Đạt (mọi người thường gọi là cụ Hộ), người nắm vững lịch sử, văn hóa của huyện đảo thủng thẳng điểm những nét chính qua các thời kỳ lịch sử của Lý Sơn.
Theo lịch sử để lại, năm 1600, sau 8 năm quay lại Bắc Hà giúp nhà Lê đánh Mạc, bình định giặc dã, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã dứt khoát quay trở lại xứ Thuận Quảng, quyết lập công nghiệp riêng. Đến năm 1602, những vị tiên hiền bắt đầu định cư ở Cù Lao Ré. Họ hẳn là những người giỏi đi biển, giỏi thủy quân thì mới có gan xung phong đi khai phá, trấn giữ vùng đất mới ngoài biển. Kể từ đó, những đội thủy quân bắt đầu được tuyển, sau này gọi là Hải đội Hoàng Sa. Mỗi khi tuyển binh, ở Lý Sơn không đủ quân số nên phải tuyển mộ lính ở nhiều địa phương trải từ Quảng Nam cho tới Bình Định thuộc Đàng Trong. Lễ xuất quân luôn tổ chức tại Lý Sơn sau khi quân lính được tổ chức tập luyện ở vùng biển xung quanh đảo. Truyền thống này vẫn duy trì trong suốt cả thời kỳ Tây Sơn. Mãi đến khi quân đội Pháp xâm lược nước ta và dùng hải quân của chúng thì đội hùng binh Hoàng Sa mới chấm dứt.
Cả hai đình làng An Vĩnh và An Hải đều được xây dựng cùng một năm trong thời vua Gia Long. Ngày đó, sau khi tức vị, vua Gia Long có lệnh mỗi làng phải dựng một đình, một chùa. Ngày nay, đình An Hải còn được nguyên là vì năm 1945, đình An Vĩnh đang tu tạo dở dang thì ủy ban kháng chiến cách mạng lấy làm trụ sở liên xã. “Quân Pháp có mật thám báo tin nên tàu thủy ở ngoài khơi bắn canon vô trúng làm đình An Vĩnh bị sập luôn”, cụ Hộ kể lại mà không giấu nổi sự tiếc nuối. Đình làng An Vĩnh, nơi mà cụ Hộ vẫn hay ra ngồi trò chuyện với các tộc họ trong làng hoặc khách nơi xa tới mới được phục dựng từ năm 2009.
Thời xưa, những người tham gia Hải đội Hoàng Sa người đi thì nhiều mà quay về thì ít nên trước khi đi họ được làm Lễ khao lề thế lính ở Âm Linh tự. Cho đến giờ lời hát ru: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về” vẫn còn ám ảnh nhiều gia đình trên đảo. Trước kia, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa có 2 nội dung: Khao lề tế lính Hoàng Sa (tức là tế sống lúc xuất quân); Thế lính (tức là làm lễ tưởng niệm). Mỗi khi lễ khao lề thế lính được tổ chức, người dân Lý Sơn phải sắm sanh phục dựng mọi thứ từ tàu thuyền, đến các dụng cụ như chiếu, dây mây đến con ốc u được dùng làm tù giống như chuyến đi biển từ xưa để cúng tế triệu mọi vong linh về quê hương cố quốc.
“Lớp người nào, dòng tộc nào trên đảo này cũng có người chết ở Hoàng Sa”, cụ Hộ khẳng định, “nên dòng họ nào cũng lập mộ chiêu hồn”. Cụ giải thích cặn kẽ rằng báo chí gần đây cứ dùng từ “mộ gió” để thay cho “mộ chiêu hồn” là sai. Mộ gió hiểu đơn giản là mộ không có hài cốt thường được người ta vun lên để xí phần mộ ấy trước. Còn mộ chiêu hồn là mộ có hình nhân được chôn thế vào sau khi thầy pháp đã làm lễ chiêu hồn. Hàng năm, vào tháng 2 âm lịch, các tộc hộ làm khao lề cúng cầu siêu cho vong linh các tộc họ, trong đó, có những người đã chết ở ngoài biển.
Cụ Hộ kết một câu: “Dân Lý Sơn đã làm ăn ngoài Hoàng Sa, Trường Sa mấy trăm năm nay rồi. Bây giờ dù Trung Quốc hành động đến mức độ nào đi chăng nữa thì ngư dân Lý Sơn vẫn cứ ra ngư trường truyền thống để đánh bắt”.
Quả thực, người Lý Sơn ra Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ bởi vì thói quen mưu sinh mà còn bởi vì ở nơi đó xương máu của cha ông họ đã hòa cùng nước biển, linh hồn của cha ông hộ đã hòa cùng với gió mây. Và trên hết cả, ngư dân Lý Sơn xác định một mất một còn bám lấy ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là còn vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc. Ông Lê Khuân, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh, nghĩ giản dị: “Bao nhiêu ông cha đã từng ngã xuống ở Hoàng Sa nên mình là con cháu thì cứ bám biển mưu sinh và gìn giữ biển của mình”.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.