(HNM) - Mỗi dịp hè về, trẻ em ở thành phố có công viên để chơi, nhiều em được tham gia các câu lạc bộ đàn, hát, thể thao… nhưng ở nông thôn, khi cái ăn, cái mặc của nhiều gia đình vẫn còn thiếu thốn thì việc học, việc chơi của các em ít khi được quan tâm.
Xuất phát từ trăn trở đó, từ mùa hè năm ngoái ngôi chùa nhỏ mang tên chùa Bát Phúc, ở thôn Hạnh Đàn, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng đã mở rộng cửa đón các em đến học thêm cái chữ và học làm người.
Ngôi chùa nhỏ nằm phía cuối làng. Đưa chúng tôi vào thăm chùa, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập Bùi Ngọc Luân vui vẻ giới thiệu: Thôn Hạnh Đàn có 600 hộ dân với khoảng 2.000 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu trông vào nông nghiệp nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Từ mùa hè năm 2012, nhà chùa đã xin phép địa phương mở lớp dạy các môn văn hóa như toán, tiếng Việt, ngoại ngữ cho trẻ em. Thấy đây là việc có ích nên xã rất đồng tình, ủng hộ. Lớp học khi mới mở ra đã thu hút rất đông các cháu theo học, chủ yếu là học sinh tiểu học. Dần dần, các cháu nhỏ ở thôn khác cũng được phụ huynh đưa đến chùa xin học chữ, lúc đông có tới 300 em ở cả 3 cấp xin theo học. Tất cả những chỗ có thể như sân chùa, nhà Tổ, nhà mẫu, phòng khách và ngay cả hành lang... đều được trưng dụng làm nơi học tập. Không chỉ con trẻ mà phụ huynh cũng rất phấn khởi vì có nơi gửi gắm con em mà không phải lo các khoản đóng góp vì nhà chùa dạy học miễn phí.
Sư thầy Thích Diệu Bản trụ trì chùa không muốn nói nhiều về những việc mình làm. Với thầy, dạy chữ, dạy làm người cho các em xuất phát từ cái tâm của người tu hành chứ không vì cái danh. Trong dịp nghỉ hè, tất cả các ngày trong tuần, cửa chùa luôn mở đón các em. Sau kỳ nghỉ hè, bước vào năm học mới, thời gian học rút xuống còn 2 ngày thứ bảy và chủ nhật. Thầy Thích Diệu Bản tâm sự: "Ở trường các em đã được học kiến thức cơ bản nên đến với lớp học này, nhà chùa chỉ cho ôn lại kiến thức cũ để các em nắm vững hơn chứ không chạy trước chương trình, đồng thời củng cố kiến thức cho các em học kém". Ngoài bổ sung kiến thức, nhà chùa còn rèn luyện cho các em cách học và thái độ học, bên cạnh đó tạo sân chơi lành mạnh để các em không sa vào tệ nạn xã hội. Vào các ngày chủ nhật tuần cuối tháng âm lịch, các em còn được đích thân sư thầy và các sư bà, sư bác dạy kinh phật với mục đích hướng các em đến điều thiện, biết kính trên, nhường dưới, yêu thương con người; nhà chùa đãi cơm chay vào bữa trưa. Tất cả các thầy, cô giáo ở lớp học đặc biệt này đều là những người nhiệt tình, thiện tâm, trong đó có không ít sinh viên tình nguyện của nhiều trường đại học và giáo viên trong khu vực. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thoa, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức cũng sẵn lòng đến chùa dạy chữ cho các em nhỏ. Cùng với cô Thoa, cô Nguyễn Thị Thắng đã hỗ trợ 6 bộ bàn ghế cho các em…
Một mùa hè nữa lại về, nhiều học sinh lại tìm đến chùa học chữ. Sư thầy Thích Diệu Bản đã sắp xếp lịch học các môn để đón các em đến chùa học chữ. Số lượng học sinh tìm đến xin học ngày một đông, trong khi khuôn viên chùa có hạn nên nhà chùa phải chia ca cho các em. Thứ bảy dành cho khối cấp một với những môn học như toán, tiếng Việt, tiếng Anh và luyện chữ, khối cấp hai học vào ngày chủ nhật… Sư thầy mong muốn khuôn viên chùa được mở rộng hơn để đón các em đến học.
Chủ tịch UBND xã Tân Lập Nguyễn Hữu Quy nhận định, lớp học nơi cửa Phật này đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương, động viên tinh thần hiếu học của người dân thôn Hạnh Đàn nói riêng và xã Tân Lập nói chung. Từ những lớp học này, các em được xây "nền móng" tốt để sau này trở thành người có ích cho xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.