Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lớp chiến sĩ đầu tiên sau ngày Giải phóng

Mai Thế Chính| 10/10/2015 07:04

(HNM) - Ngày 10-10-1954, bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô thì đúng 4 năm sau, lớp thanh niên đầu tiên của Hà Nội sau hòa bình lập lại lên đường nhập ngũ.


Hàng nghìn học sinh vừa tốt nghiệp lớp 10 ở các trường trung học công và tư như Trường Phổ thông cấp 3A, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Tân Trào, Minh Tân… làm đơn xin vào quân ngũ, nhưng chỉ hơn 300 "cậu tú" có giấy gọi đến tập trung ở làng Hoàng Mai trong ngày 9-10.

Thanh niên Hà Nội nô nức lên đường nhập ngũ. Ảnh: Thái Ngọc Linh


Tối 10-10-1958, tại hội trường Câu lạc bộ Lao động (nay là Nhà Văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội) đã diễn ra cuộc gặp mặt thật cảm động. Đích thân Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố - bác sĩ Trần Duy Hưng - chủ trì Lễ gắn sao, động viên và căn dặn chiến sĩ mới: “Các em là những thanh niên đầu tiên của thành phố lên đường làm nhiệm vụ người chiến sĩ bảo vệ hòa bình...”. Một số học sinh miền Nam tập kết cũng hòa trong đội ngũ những thanh niên Hà Nội gia nhập quân đội. Thật phấn khởi, xúc động khi nghe vị Chủ tịch thành phố  ghi nhận: “Đây là những công dân danh dự của Thủ đô Hà Nội!”.

Sáng 11-10, tại đình làng Hoàng Mai, cuộc chia tay diễn ra thật  xúc động. Hơn 300 anh em cùng lên Sơn Tây một ngày, phần lớn được chia về các đơn vị bộ binh, pháo binh. 48 anh em chúng tôi về một đơn vị công binh. Trung đội trưởng đầu tiên của chúng tôi là anh Trần Điển, 28 tuổi, chưa vợ, một cán bộ nhân hậu, hiền lành nhưng rất nguyên tắc. Anh chính là người tiểu đội trưởng công binh cùng với tiểu đội phó Nguyễn Thuận (sau này là Đại tá, Phó Giáo sư - Tiến sĩ ở Học viện Quốc phòng) nhận trách nhiệm dựng lại cây cột để kéo lá cờ đỏ sao vàng trên Cột cờ thành Hà Nội buổi chiều 10-10-1954 trong lễ chào cờ của đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô. Anh được thủ trưởng Trung đoàn 229 giao cho phụ trách lớp chiến sĩ - học sinh Hà Nội này thật đúng là “chọn mặt gửi vàng”, vì cách xử sự “lạt mềm buộc chặt” của anh khiến hàng chục năm sau chúng tôi vẫn còn nhớ với tấm lòng mến yêu.

Từ đây, các chàng trai Hà Nội bắt đầu làm quen với vô vàn mới lạ, hấp dẫn, nhưng cũng thật vất vả. Nào tập tháo, lắp và bắn súng trường, tiểu liên, học cách bổ cuốc, xúc xẻng, ném lựu đạn, gói buộc lượng nổ. Nào tập đi đều, đi nghiêm, lăn lê bò toài, vượt sông, leo núi, báo động chạy vũ trang, đào chiến hào đánh phòng ngự, đào hố tản binh chiến đấu tấn công... Lại nữa, những đêm đông đứng gác trên đồi sỏi Sơn Tây giữa gió lạnh, mưa rây như cắt ruột vẫn nhớ về cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn. Dĩ vãng còn kéo chúng tôi nhớ về buổi đánh trận giả bên hồ Hoàn Kiếm đêm Trung thu năm 1946, ném vỏ bưởi dồn dập xuống “Thuyền xâm lăng” của đô đốc Pháp Đácgiăngliơ; về những buổi cắm trại ở Voi Phục, mà khi về muộn, phải ghé tai xuống đường ray để biết chắc chắn rằng đã hết giờ tàu điện chạy...

 Từ mảnh đất Sơn Tây ấy, chúng tôi đã lên Tuyên Quang, Lai Châu, vào Thanh Hóa, Quảng Bình, vào A Sầu, A Lưới, đến tận miền Đông, miền Tây Nam Bộ, sang Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng bên đất bạn Lào, cả Xiêm Riệp, Bátđomboong ở Campuchia. Thay bằng vỏ bưởi, ống phốc, súng cao su, bộc phá giả ngày nào là những súng AK, B40, đại pháo và phải đối mặt đủ loại bom bi, rốc két, đại bác, bom B52... trên các chiến trường. Từ những trò chơi, đã biến thành hiện thực trong cuộc chiến đấu để giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.

Thấm thoắt vậy mà đã hơn nửa thế kỷ. Có người chỉ ở quân ngũ vài năm, sau đó về tiếp tục đi học thành bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, làm công nhân, cán bộ quản lý. Có người còn ở lại quân đội ba, bốn chục năm. Những năm trước, bạn bè tuy nhớ nhau đấy, nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh, vì bận công ăn việc làm, hầu như chưa lần nào anh em có thể tập trung  đông đủ. Sau này, đã bước qua tuổi 50, rồi 60, 70, cuộc sống ổn định và rảnh rang hơn, anh em hẹn nhau mỗi năm gặp mặt một lần vào dịp 10-10 để cùng thăm hỏi nhau trong không khí kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô. Và năm nay, kỷ niệm 61 năm Giải phóng Thủ đô, cũng là 57 năm ngày nhập ngũ, cuộc gặp mặt càng đậm đà ý nghĩa. Tất cả đều đã nghỉ hưu. Tất cả mái đầu đều đã hói, đã bạc.

Tuy nhiên, mỗi người đều tự cảm thấy mình sống khỏe, sống vui, sống có ích. Nguyễn Hữu Chương nhà ở phố Bác Cổ (quận Hoàn Kiếm), là thầy giáo nghỉ hưu, liên tục được bầu là phụ lão gương mẫu, lại thường xuyên có mặt trong đội văn nghệ cựu chiến binh của phường, của quận. Đinh Văn Nghĩa nghỉ hưu từ Cục Tổ chức - Tổng cục Chính trị, nhiều năm làm Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Tân. Nguyễn Chính nghỉ hưu từ Vụ 1 - Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, đã mấy khóa làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hàng Bạc. Nguyễn Sĩ Vinh, người làng Hoàng Mai, nghỉ hưu từ Nhà in Báo Nhân Dân, nhiều năm có đố vui, tranh và chuyện vui đăng trên các báo... Rồi Đào Đình Phiếu, từng là Phó Giám đốc Viện Bảo tàng cách mạng Việt Nam; Vũ Bá Hùng, từng tốt nghiệp bằng đỏ Học viện Quybưsép (Liên Xô cũ), nguyên Cục phó Cục Kỹ thuật - Bộ Tư lệnh Công binh…

Ngô Đình Tâm ra quân làm cán bộ công đoàn ngành Giao thông - vận tải, nghỉ hưu vẫn hăng hái tự ứng cử và có tên trong danh sách qua mấy vòng hiệp thương bầu cử đại biểu Quốc hội khu vực TP Hồ Chí Minh. Đặng Tiết trở thành nhà kinh doanh hàng thêu ren xuất khẩu, cùng với vợ là cô giáo Nguyễn Thị Hảo cũng đã nghỉ hưu thành cặp vợ chồng hướng dẫn viên võ thể dục cho Câu lạc bộ Sức khỏe ngoài trời các quận, huyện của Thủ đô từ hàng chục năm nay. Anh em thường nói vui: Sáng nào cũng gặp vợ chồng Tiết - Hảo, vì cứ mở chương trình Thể dục buổi sáng của HTV là thấy! Bây giờ thì anh Tiết là Chủ tịch, chị Hảo là Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Huấn luyện Hội đồng Câu lạc bộ Sức khỏe ngoài trời toàn TP Hà Nội. Dịp này, anh chị Tiết - Hảo và các thành viên đang tích cực chuẩn bị cho Liên hoan văn hóa thể thao người cao tuổi từ ngày 8-10 đến 10-10 tại Cung Thể thao Quần Ngựa.

Trong niềm vui họp mặt hôm nay, nhớ xiết bao các bạn đã khuất. Nhớ Lê Hùng trước đây ở 150 phố Hàng Bông, mỗi lần cất tiếng hát  “Tình ca” của nhạc sĩ Hoàng Việt thì dù ở bãi tập hay sân khấu trung đoàn, mọi người đều lặng đi để rồi nhất loạt vỗ tay rầm rộ. Lê Hùng từng chiến đấu ở chiến trường Lào, chiến trường miền Nam và anh đã ra đi sau ngày chiến thắng. Nhớ Vũ Thượng Khanh (con trai luật gia Vũ Đình Hòe - Bộ trưởng Tư pháp sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945) thường bập bùng cây ghi ta với bài hát “Đảng đã cho ta một mùa xuân” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Vậy mà Khanh đã sớm giã biệt cuộc đời ở tuổi 34. Nhớ nhiều bạn đã mất vì bệnh hiểm nghèo: Nguyễn Huy Lư tức nhà thơ Lữ Huy Nguyên, Giám đốc của hai nhà xuất bản thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin (trước đây), “về” đài hóa thân Hoàn vũ tới nay đã 17 năm khi anh còn đang ấp ủ viết về các bạn đồng ngũ; Phạm Ngọc Chác sau khi phục viên, theo học Đại học Bách khoa, giữa chừng bị lòa, vẫn hướng dẫn cho các em học giỏi, có học sinh là Phạm Ngọc Ánh, “thần đồng” toán học một thời, từng được Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên quan tâm chăm sóc, nay là tiến sĩ toán, dạy ở Trường Đại học Tổng hợp Bielefeld (Đức); Phạm Ngô Huy - một thầy giáo đã nghĩ cách bện rơm thành chiếc mũ đội đầu, mở ra phong trào học sinh toàn miền Bắc đội mũ rơm trên đường đi học để tránh bom đạn Mỹ.

Rồi nhiều bạn khác nữa: Nguyễn Hữu Quý, Bí thư Đảng ủy phường Giáp Bát; Nguyễn Thanh Quân, Bí thư Đảng ủy Viện Công nghệ quốc gia; Nguyễn Thế Giáp, Trưởng phân xã Hải Phòng của Thông tấn xã Việt Nam; Bùi Quang Rực con trai cụ Bùi Hưng Gia - nhà tư sản dân tộc, nhân sĩ của Hà Nội những năm 60, Nguyễn Sự, nổi tiếng là “cây” ghita tài hoa của trung đoàn, ra đi để lại hai cô con gái cũng tài hoa (Mỹ Hạnh - giảng viên âm nhạc và Bảo Lan - ca sĩ trong nhóm nhạc Năm dòng kẻ)…

Giờ đây, các cựu chiến binh cùng nhau ôn lại, so sánh Hà Nội mở rộng hôm nay với Hà Nội nửa thế kỷ trước. Thủ đô ngày ấy đến Nghi Tàm, Quảng Bá phía bắc; Bạch Mai, Hoàng Mai phía nam; đền Voi Phục, Cầu Giấy phía tây; bên kia cầu Long Biên phía đông, đã thấy sao mà hoang sơ, xa vắng. Ngày ấy, người Hà Nội thường chỉ đi bộ, đi tàu điện, sang hơn thì đi xe đạp, xích lô, nay có tới hàng triệu xe máy, hàng chục vạn ô tô các loại. Chả thế, những năm trước, anh em đến gặp nhau bằng xe đạp, xe máy; sau lớn tuổi hơn thì đi “xe ôm”; từ mấy năm nay, ta xi, xe nhà (do con lái), xe buýt đã thành phương tiện chính đưa mọi người tới nơi họp mặt. Hà Nội hôm nay đang thay da đổi thịt mỗi ngày. “Thành phố vì hòa bình” đang phấn đấu sao cho ngày thêm “xanh - sạch - đẹp”, sao cho trật tự, kỷ cương mà vẫn khoáng đạt, thanh lịch, là điểm đến mong ước của du khách bốn phương…

Cũng vì vậy, dù nay đã tóc bạc, chân chậm, mắt mờ, nhưng lớp thanh niên lên đường nhập ngũ của Hà Nội năm xưa vẫn cảm thấy trong lòng sức sống tuổi thanh xuân. Các đợt tuyển quân của Hà Nội bây giờ vẫn thấy những khuôn mặt thật náo nức của các chiến sĩ mới, vẫn có những cái bắt tay siết chặt, những cái ôm hôn nồng nhiệt của các đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố… Hà Nội hôm nay, Hà Nội của “niềm tin và hy vọng”, đang tiếp thêm cho mỗi người niềm vui mới, sức sống mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lớp chiến sĩ đầu tiên sau ngày Giải phóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.