Nghị quyết và Đời sống

Longform: Mỗi bản làng ẩn chứa một bình minh

Bảo Hân 15/11/2022 08:59

Nơi ngủ dậy núi đã đầy trong mắt/ Trong chiêm bao còn vọng tiếng nai chiều/ Tiếng ngựa thồ gõ vào mây rậm rịch/ Em gội đầu để suối suốt đời reo… Câu thơ của Trần Mạnh Hảo dẫn chúng tôi vào cuộc kiếm tìm, khám phá vùng đất đã rất quen trong những bài học sử nhưng cũng rất lạ qua mỗi cung đường, mỗi bản làng… Đắm chìm trong cảnh sắc hùng vĩ , trong dòng chảy văn hóa bất tận, chia sẻ với người dân nơi đây về khát vọng “khai phá” thiên nhiên, bản sắc dân tộc như một nguyên liệu đặc trưng phát triển “công nghiệp không khói”, chất chứa trong mỗi chúng tôi là những niềm yêu và vô vàn trăn trở. Du lịch Tây Bắc đang đón chờ thời khắc hừng sáng và mỗi bản làng đều ẩn chứa một bình minh…

Bước ngoặt lớn nhất giúp người dân bản địa cùng hàng trăm hộ đồng bào di dân tái định cư thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La thay đổi cuộc sống là làm sống lại vùng chè lâu đời Tân Lập với diện tích gần 200ha.

Anh hùng lao động làm homestay

Nắng chiều vàng ruộm dần loang trên những sóng chè Kim Tuyên màu mỡ ôm quanh triền núi. Đường vào Bản Hoa homestay, cơ sở lưu trú du lịch cộng đồng đầu tiên của xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La những ngày cuối thu có hương trà thanh ngát và tiếng cười nói râm ran của bà con dân tộc Thái, Mông dẫn lối. 

Đón khách trong cơ ngơi rộng 5ha với khu nhà sàn đặc trưng Tây Bắc, ao cá, vườn cây và hoa tươi khoe sắc, câu chuyện của chủ nhân homestay, ông Hà Ngọc Quý (sinh năm 1957), người đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, quay ngược lại quãng thời gian hơn 38 năm 6 tháng công tác tại xã. Đặc biệt, trong 20 năm giữ các chức vụ chủ chốt: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, ông đã mạnh dạn thực hiện nhiều đột phá, xua cái đói cái nghèo đã bao đời đeo bám quê hương. Từ những năm 1989, giống lúa, ngô tăng sản ông mang về từ dưới xuôi cho năng suất gấp 4,5 lần giống bản địa nên từ chỗ thiếu đói, nhiều hộ đã đủ ăn, thậm chí dư hàng chục tấn ngô bán ra thị trường. Cũng nhờ ông dẫn dắt, người dân Tân Lập hôm nay biết tận dụng thổ nhưỡng để trồng nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam đường, chanh leo, hồng giòn…

Bước ngoặt lớn nhất giúp người dân bản địa cùng hàng trăm hộ đồng bào di dân tái định cư thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La thay đổi cuộc sống là nghe theo ông Quý, làm sống lại vùng chè lâu đời Tân Lập với diện tích gần 200ha. Từ hạt giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, hái lá chè cho đến bao tiêu thu mua toàn bộ đầu ra cho bà con đều được ông Quý lo liệu chu toàn. Những đồi chè Kim Tuyên bạt ngàn, màu mỡ khiến cảnh sắc thêm tươi đẹp, là điểm nhấn thu hút du khách thăm thú, trải nghiệm các công đoạn thu hái, chế biến chè tại Tân Lập.

Tới tuổi nghỉ hưu nhưng nhiệt huyết sát cánh cùng bà con dân bản xây dựng cuộc sống ấm no vẫn rực cháy. Từ năm 2012, ông “nhảy” sang làm du lịch khi bán hết nhà xây kiên cố ở trung tâm xã, gom vốn liếng để mua một mảnh đất ở Bản Hoa, dựng ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái.

Cuối năm 2014, Bản Hoa homestay chính thức đi vào hoạt động. Ông Quý vẫn nhớ nhóm du khách đến từ New Zealand là những người “xông đất”. Qua kết nối với một số doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội, ngày càng nhiều du khách, nhất là khách nước ngoài tìm đến Bản Hoa để được câu cá, đuổi lợn, bắt gà, hoà vào nhịp sống bà con cũng như tận hưởng cảnh sắc yên bình nơi đây. Chững lại sau 2 năm chịu ảnh hưởng của Covid-19, gần đây du khách trong và ngoài nước đã quay trở lại. Chủ nhân homestay khấp khởi mừng thầm vì khách đã đặt kín lịch từ tháng 11-2022. 

Trong hành trình dẫn khách đi “tour” từ Bản Hoa, ông Quý luôn chọn điểm đến là bản Dọi, bản du lịch cộng đồng của Tân Lập cách đó chỉ vài cây số. “Bản Dọi nghĩa là bản đẹp, được đặt theo tên của vách núi đá trắng bao quanh. Do địa hình bằng phẳng, có nguồn nước trong lành, đất đai phì nhiêu nên ban đầu từ vài hộ sinh sống, đã sinh sôi nảy nở thành bản đông đúc, quây tụ của hơn 250 hộ”, - ông Quý thuộc làu về lịch sử vùng đất. Những homestay ở Bản Dọi phát triển sau Bản Hoa nên có thêm kinh nghiệm để đầu tư bài bản hơn. Đáng chú ý, tại bản có 7 hộ nằm trong dự án do Action on Poverty (AOP), một tổ chức phi chính phủ Australia tài trợ.

Ông Hà Văn Quyết (sinh năm 1960), chủ nhân của homestay Hà Quyết phấn khởi kể: “Ban đầu tôi không biết làm du lịch là như thế nào. Nhờ quen biết, tôi được một công ty lữ hành ở Mã Mây, Hà Nội cử người lên “cầm tay chỉ việc”, giúp tôi trang trí nhà cửa, học cách nấu nướng… nên mới mạnh dạn mở homestay từ tháng 6-2020. Bước đầu khách đến ít do chỉ phụ thuộc vào công ty lữ hành này. Sau đó nhờ móc nối rộng với các đơn vị khác nên có thêm khách đi phượt, tây “ba lô”. Sau dịch Covid-19, các công ty lữ hành đã gọi điện liên hệ, biết tôi vẫn duy trì hoạt động nên họ nói sẽ tiếp tục dẫn khách. 

Dù nguồn thu nhập từ làm du lịch chưa đều và đủ để trang trải toàn bộ cuộc sống gia đình nhưng ông Quý, ông Quyết đều thấy vui vì đã tạo dựng được cơ ngơi bước đầu cho các thế hệ con cháu tiếp tục phát triển.

Yêu homestay như… bò sữa

Nếu như những người như ông Hà Ngọc Quý, Hà Văn Quyết là thế hệ đi trước, biết mở ra hướng làm du lịch nhưng còn chưa mạnh dạn đổi mới thì ở xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, “cửa ngõ” của Sơn La hôm nay đang có lớp con cháu kế cận làm du lịch chuyên nghiệp, bài bản hơn.  

Tráng A Chu (39 tuổi), dân tộc Mông là người tiên phong làm du lịch cộng đồng tại bản Hua Tạt. Anh tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm của Đại học Bách khoa Hà Nội, là người đầu tiên của bản có bằng cử nhân. Sau tốt nghiệp,  nhận thấy hướng phát triển của du lịch Mộc Châu, ngay khi huyện Vân Hồ thành lập năm 2013, vợ chồng A Chu bắt tay vào xây dựng homestay của riêng mình với số vốn đi vay lãi ít ỏi. Khi ấy, bố anh là ông Tráng A Súa, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hồ còn đang nằm viện chạy thận, khó khăn chồng chất. Biết ý định làm du lịch của A Chu, một người quen đã bán cho anh ngôi nhà sàn chỉ với giá 150 triệu đồng.

Tráng A Chu biểu diễn tiết mục văn nghệ đặc sắc của người Mông để đón khách

A Chu vẫn nói vui: Làm du lịch cộng đồng phải theo cách phát huy, “mài” bản sắc dân tộc mà ăn, phải đi đúng cách của chính dân tộc mình. Tập thể vợ con, bố mẹ, con chó, con mèo, con bò... cũng phải thân thiện như gia đình của khách.

Từ ngôi nhà cơ duyên ấy, hành trình làm du lịch của gia đình A Chu còn vấp phải nhiều khó khăn đến từ tư tưởng cổ hủ, những ý kiến trái chiều của dân bản vì họ đã quen với nếp sống cũ. May mắn lại đến khi bắt tay vào làm, anh được ông Dương Minh Bình, Giám đốc Công ty Phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam (CBT Travel), người được mệnh danh là “phù thủy” của những homestay, dìu dắt, đỡ đầu. Chính quyền địa phương cũng quan tâm, hỗ trợ anh làm cổng chào, con đường vào bản kiên cố. Hai bên đường có hệ thống đèn điện chạy bằng năng lượng mặt trời do một đơn vị của Hàn Quốc tài trợ. 

A Chu vẫn nói vui: “Làm du lịch cộng đồng phải theo cách phát huy, “mài” bản sắc dân tộc mà ăn, phải đi đúng cách của chính dân tộc mình. Tập thể vợ con, bố mẹ, con chó, con mèo, con bò... cũng phải thân thiện như gia đình của khách. Làm homestay cũng như nuôi bò sữa, phải yêu thương, chăm sóc bò sữa thì mới cho ra dòng sữa ngọt”.

Từ tâm niệm đơn giản ấy, khách đến với homestay của A Chu đều bị mê đắm trong  nếp văn hóa Mông đặc trưng, ở thổ cẩm hoa văn họa tiết trên trang phục, đến các loại nông cụ đan lát bằng vật liệu tre truyền thống, nếp nhà lợp mái tranh xưa cũ đông ấm hè mát, hài hòa với thiên nhiên. Đón khách quý, vợ chồng A Chu trực tiếp biểu diễn những điệu nhạc truyền thống như múa khèn, sáo Mông, đàn môi, múa bắt vợ hay những bài hát dân tộc phục vụ cho khách thưởng ngoạn. 

A Chu homestay dần đi vào hoạt động ổn định, du khách trong và ngoài nước đến kín phòng. Trong năm đầu tiên, sau khi trả gần hết nợ, anh mạnh dạn vay vốn tiếp để đầu tư mở rộng. Trong hai năm dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn, không có khách đến, vợ chồng anh tranh thủ nâng cấp cơ sở vật chất, xây thêm được 5 phòng riêng. Đến nay, A Chu có trong tay cơ ngơi 11 phòng riêng, 2 nhà sàn cộng đồng tiện nghi… với tổng đầu tư lên tới hơn 5 tỷ đồng.

Không chỉ là người Mông đầu tiên ở bản Hua Tạt tiên phong làm du lịch cộng đồng, để “trả ơn” quê hương và ân nghĩa từ những người đã giúp đỡ mình, anh đã hướng dẫn, giúp đỡ anh em, họ hàng, bà con trong bản và các bản khác cùng phát triển mô hình này. Tráng A Lồng, A Giàng, A Đua, A Sếnh… đến nhờ A Chu hướng dẫn xây dựng mô hình. 

Thung lũng Hua Tạt hôm nay đã có 5 mô hình homestay. Sự nhạy bén với thời cuộc, nắm bắt cơ hội, dám nghĩ, dám làm của A Chu là tấm gương sáng về quyết tâm vượt nghèo khó đã lan tỏa, truyền cảm hứng cho các thế hệ thanh niên trên con đường lập nghiệp. Thành công của các homestay cũng góp phần giới thiệu thêm điểm đến thú vị trong hành trình du lịch trên cao nguyên Mộc Châu, Vân Hồ của du khách.

CẦN CHUYÊN NGHIỆP ĐỂ BỨT PHÁ

Ngoài Sơn La ở vị trí trung tâm, cánh cung Tây Bắc gồm Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Yên Bái với sự tương đồng về vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa. Những năm gần đây, du lịch Tây Bắc đang tạo nên sự hấp dẫn riêng biệt, thu hút nhiều du khách đến khám phá, trải nghiệm. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động cũng hiển hiện rõ nhiều khó khăn, thách thức của vùng đất này.

Ngoài cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, Tây Bắc còn thu hút du khách bởi văn hoá truyền thống các dân tộc.

Khởi sắc du lịch Tây Bắc

Trong sự phục hồi chung của nền du lịch sau đại dịch Covid-19, Tây Bắc nổi lên như một điểm sáng, tiếp tục phát huy tiềm năng để bứt phá. Được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái, Tây Bắc vẫn luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Nhắc đến Tây Bắc là nhắc tới Mù Căng Chải, nóc nhà Đông Dương Fansipan, cánh đồng hoa mận Mộc Châu mênh mang… 

Cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng là điểm nổi bật về tài nguyên du lịch nơi đây. Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như: Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Khơ Mú, Lào, Lự, Hà Nhì, Kháng, La Hủ, Si La, Phù Lá, Bố Y, Mảng, Giáy, Xơ Đăng, Lô Lô, Pà Thẻn, Phù Lá, Cờ Lao, La Chí… với một không gian văn hóa rộng lớn và phong phú.

Nhiều dân tộc còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của mình trong phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các điệu dân ca, dân vũ như lễ hội Lồng Tồng, múa sạp, múa xòe, hát then, nhạc cụ Pí cặp, pí sên, khèn môi… hay trong ứng xử cộng đồng, kiến trúc nhà ở, các phiên chợ bản… Ẩm thực Tây Bắc mang những nét đặc trưng, khác biệt hẳn so với các vùng khác với gà mọ, cá suối nướng úp, nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, thắng cố… luôn thu hút du khách khám phá và trải nghiệm.

Không chỉ riêng Sơn La, mô hình du lịch cộng đồng phát triển thể hiện qua việc gia tăng các cơ sở cung cấp dịch vụ homestay tại các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc. Tính đến đầu năm 2020, Lào Cai có 348 hộ kinh doanh dịch vụ homestay (riêng thị xã Sa Pa chiếm 85%); Lai Châu có 30 hộ kinh doanh dịch vụ homestay tại 11 điểm du lịch cộng đồng; Yên Bái có trên 150 hộ kinh doanh dịch vụ homestay... Ngoài dịch vụ homestay, du lịch cộng đồng phát triển kéo theo hàng loạt các loại hình dịch vụ khác phục vụ nhu cầu du khách như khám phá văn hóa, chinh phục tự nhiên, du lịch mạo hiểm… 

Trong đó, hấp dẫn du khách nhất và có ý nghĩa nhất đối với cộng đồng là các dịch vụ được khai thác trên cơ sở phát huy văn hóa bản địa: đồng bào dân tộc Dao Đỏ (xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa) khai thác vốn tri thức dân gian trong việc chữa bệnh và đã phát triển thành thương hiệu thuốc lá tắm của dân tộc Dao Đỏ Tả Phìn. Đồng bào dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì, Lự… khai thác truyền thống thêu trang trí trên trang phục của mình tạo thành sản phẩm thủ công thêu tay rất độc đáo.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhận định, sau 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các tỉnh Tây Bắc đã rất nhạy bén, năng động, sáng tạo đưa ra các sản phẩm du lịch mới độc đáo phục vụ du khách như Festival dù lượn tại Yên Bái, sản phẩm trải nghiệm cầu kính Bạch Long - Cầu kính đi bộ dài nhất thế giới vào Sách kỷ lục Guinness tại Mộc Châu cùng hàng loạt các khu homestay độc đáo, các khu nghỉ dưỡng đặc sắc tại các điểm du lịch nổi tiếng đi vào hoạt động như tại Bắc Yên, Mù Cang Chải… Đây đều là những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, trong đó khách du lịch đến từ Hà Nội chiếm tỉ trọng khá lớn.

Du lịch Tây Bắc hồi sinh sau đại dịch Covid-19 nhờ những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn.

“Bản chất du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng cao, thời gian qua, sự liên kết đã tạo hiệu ứng hai chiều, đưa đón, trao đổi khách giữa Hà Nội với Sơn La và các tỉnh Tây Bắc có hiệu quả rất tích cực. Do vậy, chắc chắn dư địa và tiềm năng phát triển chuỗi liên kết sản phẩm du lịch Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc còn rất lớn, đặc biệt, thời gian sắp tới, khi khách quốc tế vào Việt Nam tăng trưởng và ổn định trở lại, chắc chắn du lịch Tây Bắc sẽ có rất nhiều khởi sắc trong tương lai”, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhận định.

Để phát huy tương xứng với tiềm năng

Đó là trăn trở của từ các cấp lãnh đạo tỉnh, địa phương đến những người đang trực tiếp làm du lịch. Tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa đặc trưng là tiềm năng lớn để thu hút du khách, nhưng làm thế nào để phát huy được những tiềm năng này và phát triển du lịch bền vững trong thực tế lại là bài toán khó. Du lịch cộng đồng cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế mà nếu không được khắc phục kịp thời và có những sáng tạo, đổi mới thì không thể phát triển bền vững. 

Tại riêng huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, địa phương được nhận định có bước phát triển nhanh, nhất là loại hình du lịch cộng đồng. Ước tính trong giai đoạn 2015 - 2020, các điểm du lịch trên địa bàn đã thu hút trên 85.000 lượt khách tham quan. Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo huyện Vân Hồ, dịch vụ du lịch của địa phương vẫn còn đang ở dạng tiềm năng. Nhiều chương trình phát triển du lịch chưa được triển khai, các nguồn vốn của Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực du lịch còn hạn chế.

Những hộ làm du lịch cộng đồng gặp nhiều khó khăn do hạn chế về nguốn vốn

Không chỉ hạ tầng thiếu thốn, những hộ làm du lịch cộng đồng còn gặp khó khăn do nguồn vốn đầu tư hạn chế bởi thực tế để xây dựng một homestay cần nguồn vốn 500 - 700 triệu đồng, thậm chí nếu đầu tư nhiều hạng mục thì lên tới hơn 1 tỷ đồng. Đây là số tiền quá lớn với đồng bào dân tộc miền núi quanh năm chỉ biết trồng lúa, ngô. Ông Hà Văn Quý những năm qua luôn đau đáu ước mơ Tân Lập có thêm nhiều homestay nữa nhưng số vốn quá lớn đã bó buộc mọi dự định, ý tưởng. 

Theo Tiến sĩ Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, việc định hướng phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch ở các địa phương trong vùng Tây Bắc vẫn chưa rõ nét. Một số địa phương và công ty du lịch đã xây dựng và khai thác một số chương trình, tuyến du lịch với sản phẩm đặc trưng là du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, song quy mô còn nhỏ lẻ nên khả năng thu hút du khách còn hạn chế. 

Phát triển du lịch cộng đồng ở vùng Tây Bắc cũng có những khó khăn, bất cập chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của loại hình du lịch này. Nguyên nhân chủ quan của thực trạng này đến từ phía chính sách và quản lý nhà nước và từ phía cộng đồng cũng như sự phối hợp giữa các bên liên quan (Nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp du lịch). Nguyên nhân khách quan chủ yếu đến từ phía cơ sở hạ tầng giao thông kết nối điểm du lịch cộng đồng với các tour du lịch.

Về chính sách và quản lý, còn thiếu những quy định cụ thể khuyến khích, hỗ trợ phát triển bền vững loại hình du lịch cộng đồng ở các vùng nước ta nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng. Hiện tại, mới chỉ có chủ trương, giải pháp chính sách chung về phát triển loại hình du lịch cộng đồng, thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch nhưng còn thiếu những quy định và hướng dẫn cụ thể triển khai thực hiện. 

Điểm yếu nhất của du lịch cộng đồng là phát triển một cách ồ ạt, thiếu định hướng, thiếu chọn lọc.

Theo Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), điểm yếu nhất của du lịch cộng đồng là phát triển một cách ồ ạt, thiếu định hướng, thiếu chọn lọc. Chính vì thế, các sản phẩm du lịch ra đời nghèo ý tưởng, rập khuôn, ở các địa phương khác hoàn cảnh địa lý tập quán sinh sống mà sản phẩm na ná nhau không có sức hấp dẫn... Nhiều nơi bà con đổ xô xây dựng homestay, nhưng lại thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức quản lý, cho nên tình trạng dựng nhà lên rồi rơi vào cảnh “đắp chiếu” cũng không ít.

Một tình trạng khá phổ biến ở nhiều nơi là du lịch cộng đồng được hình thành và phát triển mang tính tự phát. Người dân làm du lịch theo phong trào, chưa bảo đảm giữ gìn môi trường tự nhiên và văn hóa, việc quy hoạch cũng như các chính sách chưa rõ ràng và đồng bộ, dẫn đến các mô hình du lịch cộng đồng hoạt động lỏng lẻo, kém hiệu quả, thậm chí chết yểu. Tình trạng các hộ gia đình tự làm homestay nhưng nguồn lực mỏng, tâm lý hoàn thiện, sắm sửa dần... dẫn đến làm ẩu, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, thiếu kiến thức và kinh nghiệm về lễ tân, cách bố trí, sắp xếp vật dụng phòng nghỉ; đầu bếp chưa đáp ứng đủ tiêu chí, chuẩn. Những “hạt sạn” đó khiến khách du lịch lưu lại không lâu.

Các sản phẩm du lịch ra đời nghèo ý tưởng, rập khuôn

CỞI GỠ NHỮNG NÚT THẮT

Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, trở ngại, liên kết du lịch đang là xu hướng được các địa phương các tỉnh Tây Bắc tích cực tham gia, trên cơ sở đó hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, tài nguyên du lịch của từng địa phương, thu hút khách du lịch cũng như thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch. 

Đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa các tỉnh, đồng thời thu hút các nhà đầu tư, khai thác tiềm năng phát triển du lịch và xúc tiền quảng bá để vùng Tây Bắc thu hút du khách nhiều hơn nữa.

Cơ hội từ Tây Bắc liên kết và mở rộng

Việc đẩy mạnh liên kết hợp tác sẽ tạo điều kiện cho du lịch Tây Bắc phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương. Đầu tiên phải kể đến là mô hình liên kết giữa 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ trong chương trình “Du lịch về cội nguồn” năm 2005. Theo Ban tổ chức, kể từ khi xây dựng sản phẩm “Du lịch về cội nguồn”, diện mạo kinh tế, xã hội và văn hóa của 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ đã có nhiều thay đổi. Nếu như trước đây, du khách không thể tìm thấy khách sạn hạng sang tại Nghĩa Lộ (Yên Bái) hay Sapa (Lào Cai), thì nay nhiều khách sạn cao cấp mọc lên. Trên địa bàn 3 tỉnh đã có gần 1.000 cơ sở lưu trú, trong đó hơn 100 cơ sở từ 1 đến 4 sao, trên 500 khách sạn và 260 nhà hàng phục vụ du khách.

Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch đặc trưng phát triển nhờ việc kết nối các tour, tuyến, điểm du lịch, như: “Cội nguồn đất Tổ”, “Đất ngọc Lục Yên”, “Cội nguồn Tây Bắc”, “Sắc màu vùng cao” đã thu hút du khách. Du khách được tìm hiểu phong tục tập quán, các lễ hội truyền thống, thưởng thức những món đặc sản dân tộc độc đáo, khám phá hang động tại vùng cao Tây Bắc.

Trong Năm du lịch Tây Bắc (2017), ngành du lịch Tây Bắc cũng đã xây dựng những sản phẩm đặc trưng, trong đó thể hiện sự liên kết như: Du lịch cộng đồng Tây Bắc, tham quan các ruộng bậc thang nổi tiếng và các lễ hội nông nghiệp, sinh hoạt văn hóa, tìm hiểu chợ phiên vùng cao, du lịch tâm linh dọc sông Hồng, du lịch tâm linh dọc sông Đà, du lịch “Sắc hoa Tây Bắc”, khám phá các cung đường hành quân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, leo núi cùng trải nghiệm văn hóa các dân tộc Tây Bắc…

Tiếp đó, chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ VI, năm 2014 là sự kiện lớn có quy mô cấp vùng với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phong phú nhằm thúc đẩy tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về miền đất, con người, tiềm năng văn hóa, du lịch của 6 tỉnh vùng chiến khu Việt Bắc nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Trên cơ sở đó tăng cường mối quan hệ giao lưu, hợp tác giữa các tỉnh, đồng thời thu hút các nhà đầu tư đến liên kết, khai thác tiềm năng phát triển du lịch và thu hút khách du lịch đến với Việt Bắc ngày càng tăng.

Các hoạt động Liên kết du lịch giúp Tây Bắc phát huy được tiềm năng, thế mạnh riêng có

Đặc biệt, năm 2008, mô hình liên kết giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên) đã hình thành để phát triển du lịch bằng dự án “Cung đường Tây Bắc”, xây dựng tour đi qua những bản làng nghèo nhất cả nước, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào bằng du lịch. 

Đặc biệt, chương trình hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã cung cấp những sản phẩm du lịch độc đáo, mới mẻ và riêng có với những chương trình du lịch hấp dẫn, như: Khám phá “tứ đại đèo” ở Tây Bắc; những nẻo đường Tây Bắc; Tây Bắc mùa hoa nở Chương trình du lịch vòng cung Tây Bắc đã được các hãng lữ hành uy tín, như: Vietravel, Vietran Tour, Hanoi Redtours, Saigontourist... thiết kế và đưa vào khai thác với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, giúp du khách cảm nhận được cuộc sống bình yên, nguyên sơ và đầy sức sống.

Và một trong những đích hướng là thu hút nhiều hơn nữa du khách đến với Tây Bắc

Gần đây nhất, Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2020 với chủ đề "Liên kết phát triển bền vững", do UBND thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Phú Thọ đồng chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh Tây Bắc tổ chức trong năm 2020. Chương trình liên kết này nhằm phát huy tiềm năng du lịch, thế mạnh của từng địa phương trong vùng liên kết; hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, tài nguyên du lịch của từng địa phương và thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch. Lãnh đạo các địa phương kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để mở ra một giai đoạn mới - giai đoạn mà cả hai bên sẽ gặt hái được những trái ngọt từ hoạt động liên kết phát triển du lịch mang lại.

Sắc màu Sơn La - Tây Bắc giữa Thủ đô Hà Nội

Mới đây, ngày 21-10, UBND tỉnh Sơn La khai mạc chương trình du lịch “Sắc màu Sơn La - Tây Bắc” lần thứ 2 năm 2022 tại không gian phố đi bộ hồ Gươm, Hà Nội. Chương trình nhằm triển khai có hiệu quả hoạt động quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu về tài nguyên, lợi thế phát triển du lịch, bản sắc văn hóa các dân tộc và nông sản an toàn tỉnh Sơn La đến với nhân dân và du khách tại Hà Nội, du khách trong nước và quốc tế.

Chương trình du lịch “Sắc màu Sơn La - Tây Bắc lần thứ 2 năm 2022”, tại không gian phố đi bộ hồ Gươm, Hà Nội

Đồng thời, đây cũng là dịp để tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển du lịch nông nghiệp của tỉnh Sơn La có dịp kết nối với các nhà đầu tư, các công ty lữ hành để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sự khác biệt của các sản phẩm du lịch, các khu, điểm, bản du lịch, nhà hàng, khách sạn Sơn La với du khách trong và ngoài nước. Qua đó, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, các tỉnh, các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước với tỉnh Sơn La, đặc biệt là Khu du lịch quốc gia Mộc Châu và vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.

Bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chia sẻ: “Đây cũng là cơ hội kết nối các sản phẩm văn hóa, du lịch, góp phần đẩy mạnh liên kết, phát triển du lịch Sơn La - Tây Bắc với cả nước và quốc tế. Sự kiện cũng nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thu hút đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, tạo bước phát triển mới cho ngành kinh tế du lịch Sơn La và Tây Bắc; góp phần củng cố, nâng cao sự liên kết, hợp tác giữa tỉnh Sơn La và thành phố Hà Nội”.

Sự kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch Hà Nội với doanh nghiệp du lịch các tỉnh Tây Bắc được thúc đẩy nhằm chuyên nghiệp hóa, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch từ đó tạo ra chuỗi giá trị của các sản phẩm du lịch đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách.

Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, những năm gần đây, Thủ đô Hà Nội luôn là một trung tâm quảng bá, lan tỏa hình ảnh con người, văn hóa, du lịch hiệu quả được các tỉnh Tây Bắc lựa chọn để trình diễn. Có thể nhắc đến các hoạt động sự kiện thường kỳ đặc sắc như lễ hội Sắc màu Sơn La - Tây Bắc, Tuần văn hóa du lịch Lai Châu tại Hà Nội… thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm. Đây là cơ hội tốt để các tỉnh Tây Bắc giới thiệu quảng bá du lịch đặc sắc của địa phương mình đến với nhân dân, du khách trong và ngoài nước.

Các sự kiện quảng bá được tổ chức tại Hà Nội đã tạo nên những hiệu ứng truyền thông rất tốt, qua đó định vị được giá trị khác biệt của du lịch Tây Bắc trên bản đồ du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tổ chức rất nhiều chương trình Hội nghị liên kết phát triển du lịch, các buổi tọa đàm nâng cao hiệu quả kết nối phát triển du lịch Hà Nội và các địa phương, qua đó tạo ra sự gắn kết, trao đổi khách hai chiều giữa Hà Nội và các tỉnh.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản nhằm tăng cường tính kết nối, hỗ trợ các tỉnh Tây Bắc trong phát triển du lịch như: Tiếp tục hỗ trợ trong công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, xúc tiến du lịch cho các tỉnh Tây Bắc trên các phương tiện như kênh CNN, các chương trình của đài truyền hình Việt Nam, phối hợp quảng bá tại các sự kiện, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế. 

Ngoài ra, sự gắn kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch của Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc sẽ được tăng cường, từ đó có sự giao lưu, học tập kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phát triển bền vững. Sự kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch Hà Nội với doanh nghiệp du lịch các tỉnh Tây Bắc được thúc đẩy nhằm chuyên nghiệp hóa, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch từ đó tạo ra chuỗi giá trị của các sản phẩm du lịch đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách. 

Nhận diện và dần cởi gỡ những nút thắt, Tây Bắc hôm nay có thêm một tài nguyên quan trọng nhất để phát triển du lịch, đó chính là khát khao, ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu bằng du lịch của chính người dân trên vùng đất kỳ vĩ này. Trên mỗi cung đường, mỗi bản làng đi qua, những lớp người như Hà Ngọc Quý, Hà Văn Quyết, Tráng A Chu và còn nhiều nữa những trái tim đang đập cùng một nhịp. Với nhịp đập ấy, như một lẽ tự nhiên nhất, mỗi bản làng Tây Bắc luôn ẩn chứa một bình minh. Ngày mới lên, bình minh sẽ ló rạng!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Longform: Mỗi bản làng ẩn chứa một bình minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.