“Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” [2].
Trong mạch xúc cảm dâng trào khi được sống trong mùa xuân vĩnh cửu thứ 90 của Đảng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chia sẻ điều ông tự hào bấy lâu: Không có quốc gia nào khác mà những từ “Đảng ta”, “Nhân dân ta” lại trở nên thân thuộc, gần gũi, tự nhiên và gắn bó như ở nước ta. Và ông coi đây như một “hiện tượng” vô cùng độc đáo khi nhân dân lao động cả nước gọi đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc là “Đảng ta”, “Đảng mình”. Nhân dân tự nguyện đứng về phía Đảng trong mọi cuộc chiến đấu, dù đó là cuộc chiến đấu lâu dài, khó khăn, gian khổ và ác liệt nhất. Điều độc đáo ấy nói lên nguồn gốc sức mạnh vô địch của Đảng và nhân dân ta.
Với niềm tin mãnh liệt trong ngày đầu xuân Canh Tý 2020, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã khái quát ngắn gọn về niềm tin của dân với Đảng từ chính thành quả của cách mạng qua 3 thắng lợi vĩ đại. Đó là thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đưa Việt Nam từ một thuộc địa, nửa phong kiến trở thành quốc gia độc lập, tự do; người dân từ thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; Thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và thắng lợi của công cuộc đổi mới đã đưa đất nước phát triển để có được cơ đồ và vị thế như hôm nay.
“Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, gánh trách nhiệm lịch sử lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. 3 thành tựu ấy chính là thước đo vai trò lãnh đạo, là thành quả của sự lãnh đạo của Đảng”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh. Theo ông, có lẽ vì thế, quần chúng nhân dân nhìn vào thắng lợi của cách mạng, sự phát triển của đất nước... để củng cố niềm tin đối với Đảng. Niềm tin ở đây chính là niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng, năng lực lãnh đạo của Đảng, phẩm chất chính trị cũng như đạo đức của Đảng.
“Trong dặm dài lịch sử 90 mùa xuân qua của dân tộc, không có chiến công nào không bắt nguồn từ sức mạnh đoàn kết, gắn bó, cùng đấu tranh, cùng đi đến thắng lợi; không có cuộc chiến đấu nào mà mồ hôi và máu đào của đảng viên và nhân dân không cùng đổ. Chúng ta có thể nói công khai về bí quyết tạo nên sức mạnh vô địch của dân tộc, đó là vì nhân dân ta quyết tâm đi theo Đảng, làm theo Đảng, quyết chiến đấu để thực hiện tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Đó là vì “đảng viên đi trước, làng nước theo sau…”, đồng chí Phạm Quang Nghị tiếp tục khẳng định trong mạch cảm xúc tự hào về sự gắn bó, tin yêu giữa Đảng và dân.
Lịch sử 9 thập kỷ dưới sự lãnh đạo của Đảng là những chương sử hào hùng về thắng lợi vĩ đại của dân tộc và những bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, cũng đã có những thời điểm Đảng ta mắc sai lầm, khuyết điểm, đòi hỏi sự sửa chữa rất lớn, như trong cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp và trong một số chính sách phát triển kinh tế - xã hội chưa phù hợp.
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ… đã làm suy giảm niềm tin của nhân dân.
Bàn về niềm tin của người dân đối với cán bộ, đảng viên hiện nay, đồng chí Phạm Quang Nghị cho rằng, niềm tin của người dân nói chung đối với cán bộ, đảng viên thế hệ trước cao hơn hiện nay. Ông giải thích: “Vì trước đây những người tham gia cách mạng, đi theo Đảng hoặc bản thân họ là đảng viên luôn đứng trước nguy cơ bị địch bắn giết, thủ tiêu, đe doạ uy hiếp tính mạng của mình, người thân, gia đình của mình… Sự hy sinh ấy rất rõ và chính vì thế được dân tin yêu, quý trọng, bảo vệ.
So với cán bộ bây giờ, mức độ đóng góp của mỗi người nhiều có, ít có nhưng đều được đãi ngộ tức thì. Do đó, tấm gương của người cán bộ, đảng viên hiện nay không sáng chói, đẹp đẽ như khi Đảng chưa giành chính quyền”.
90 năm qua, niềm tin được Đảng mang lại cho người dân là có căn cứ, cơ sở và thực tế. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, niềm tin ấy đòi hỏi ở mức cao hơn nhiều, như một tất yếu của thực tiễn khách quan. Cho nên, đòi hỏi về niềm tin bây giờ của mỗi người đảng viên là tiếp tục giữ gìn phẩm chất, đạo đức và cống hiến cho sự nghiệp chung phải tương xứng hoặc nhiều hơn với cái mà mỗi người nhận được. Cá nhân nào đó vào Đảng, làm cán bộ, giữ chức vụ mà quyền lợi, bổng lộc nhận nhiều, trong khi hy sinh đóng góp không có thì không xứng đáng với niềm tin của chính Đảng chứ đừng nói là của nhân dân.
Tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định: “Quần chúng nhân dân có những suy nghĩ về cán bộ, đảng viên không được như trước đây. Nhưng, sự suy giảm niềm tin của người dân chỉ ở sự “hư hỏng” của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà hiện toàn Đảng đang tập trung sửa chữa và chỉnh đốn chứ không phải là thiếu niềm tin về sự lãnh đạo của Đảng”.
Thực tế, nhận diện được những thách thức thức này, ngay từ Hội nghị Trung ương 6 (khóa VII), Đảng ta đã đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đáng chú ý nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương (4 khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Mục tiêu quan trọng nhất là làm trong sạch Đảng, tăng cường sức mạnh của Đảng và lấy lại trọn vẹn niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Từ thực tiễn cách mạng, Đảng ta nhận thức một cách sâu sắc rằng, sự thành bại của sự nghiệp cách mạng luôn luôn gắn liền với niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng. Giữ vững niềm tin của dân với Đảng không chỉ là bài học “xương máu” mà trên thực tế còn lớn hơn thế nữa. Đó cũng là bài học lịch sử mà những người cộng sản, đặc biệt là những người lãnh đạo không được xao nhãng. Và, muốn dân tin, Đảng phải coi lợi ích của nhân dân, của đất nước là mục tiêu phấn đấu của mình. Mỗi cán bộ, đảng viên phải hành động bằng tất cả sự thôi thúc, bằng mệnh lệnh từ trong trái tim…
-----------------
[1] Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020).
[2] Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hồ Chí Minh toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011)
- Bài 1: Đảng vì Dân - Dân tin Đảng
- Bài 2: Dũng khí giữ niềm tin với nhân dân
- Bài 3: Mệnh lệnh từ trái tim